Sơ đồ hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ trước đây.

Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Hướng tuyến mới rút ngắn còn 139 km, từ ga đầu Tân Kiên TP HCM đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là Cảng Cái Cui TP Cần Thơ (Ga Nam Cần Thơ).
Dự án sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm – dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới. Tuyến đường sắt có 10 ga, được quy hoạch thành 10 thành phố (quy mô tương đương một phường với đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị…)
Hơn một năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã làm việc với 15 nguồn vốn ngỏ ý hợp tác đầu tư và quyết định chọn Quỹ Morfund (Canada). Hai bên thống nhất đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác – công tư) và nhiều lần báo cáo UBND TP HCM về mô hình này.
Theo đơn vị đề xuất dự án, Bộ trưởng Ngoại giao Canada cũng có thư gửi tới Chủ tịch UBND TP HCM. Hôm 17/1, Tổng lãnh sự Canada tại TP HCM gửi thư đến Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam đánh giá cao dự án và khẳng định Canada sẽ cung cấp các khả năng về thiết kế xây dựng, cung cấp kỹ thuật và quản lý dự án cũng như những công nghệ tiên tiến về đường sắt.
Đến đầu tháng 2, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund Canada, quy mô vốn đầu tư là 6,3 tỷ đô la Canada, tương đương 5 tỷ USD (112.000 tỷ đồng). Biên bản ghi nhớ này được cho là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước tiếp theo về đầu tư tài chính cho dự án.
Dự kiến, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng và Quốc hội ngay năm nay, nếu thuận lợi dự án sẽ được triển khai vào cuối năm nay.

PV