Đi qua mùa dịch bạch hầu đầy khó khăn và mất mát

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2020 khu vực này ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 05 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em.

Trước đó, tháng 6/2020, ổ dịch bạch hầu đầu tiên được phát hiện ở Krông Nô, Đắk Nông. Sau đó, dịch bạch hầu bùng lên ở toàn khu vực Tây Nguyên, (trừ Lâm Đồng) với tổng cộng 100 ca nhiễm, 3 người tử vong. Ít tuần sau đó, phía Lâm Đồng cũng ghi nhận ca nhiễm bệnh. Chính quyền nhận định đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, vùng đối mặt với dịch bệnh truyền nhiễm lan rộng.

Nhanh chóng Tây Nguyên trở thành “Báo động đỏ” khi nhiều Trung tâm y tế tuyến huyện lẫn Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đều quá tải vì số lượng bệnh nhân vào theo dõi, điều trị. Trước tình hình “căng như dây đàn”, ngành Y tế các tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kiểm soát tình hình, ngăn không để “dịch chồng dịch” dễ dẫn đến mất kiểm soát cục diện.

Bệnh bạch hầu đã cướp đi mạng sống của những đứa trẻ vùng cao.

Thế nhưng, việc dập dịch bạch hầu thời điểm mới bùng phát gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt ổ dịch nằm rải rác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn chủ quan, coi thường việc tiêm chủng mở rộng. Các tỉnh trong vùng đã điều động một lượng lớn nhân lực ngành y về đóng chân ngay ở các ổ dịch để cùng người dân chống dịch.

Tại Đắk Lắk, địa phương đã tái thiết lập “ATM gạo” để hỗ trợ cho bà con ở trong các khu cách ly. Trung tâm Y tế phối hợp với chính quyền sở tại vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng dịch.

Đắk Nông cũng cấp tốc nhận chuyển giao để lập phòng xét nghiệm nhanh phát hiện bệnh bạch hầu từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, giúp người dân an tâm, vững vàng cùng chính quyền chống dịch.

Tại Kon Tum, Gia Lai, ngành y tế cũng chủ động mở các đợt tiêm chủng mở rộng và tiêm vét cho người dân. Đặc biệt, chính quyền các tỉnh này còn cho tổ chức các hội nghị truyền thông trực tiếp về kiến thức cơ bản để phòng, chống bệnh bạch hầu theo tiếng dân tộc đạt hiệu quả.

Với loạt nỗ lực đó, tháng 12/2020, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tạm thời khống chế được dịch bạch hầu.

Tăng cường tiêm vắc-xin, phủ sóng miễn dịch cộng đồng

Dù bệnh bạch hầu đã đi qua, nhưng ngành Y tế các địa phương vẫn không hề chủ quan. Bởi, một khi các vùng lõm vẫn chưa được kiểm soát, dập tắt thì nguy cơ người dân nhiễm bệnh vẫn còn rất cao. Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ 10 triệu liều vắc-xin để tiêm cho khoảng 4,7 triệu người ở các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi nhằm phòng dịch bệnh lây lan diện rộng.

Tỉnh Đắk Lắk thực hiện tiêm chủng vắc-xin bệnh bạch hầu cho người dân.

Hiện nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vẫn chủ động tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch bạch hầu, đầu mối phối hợp với các đơn vị khác hỗ trợ vắc-xin và kháng độc tố bạch hầu cho các địa phương có dịch. Viện cũng tổ chức 04 lớp tập huấn về giám sát và phòng chống bệnh bạch hầu cho cán bộ tuyến huyện tại 04 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk và Đăk Nông.

Tại Kon Tum, tính đến ngày 8/5/2021, Sở Y tế tỉnh đã hoàn thành mục tiêu tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trên 445.000 đối tượng. Đối với nhóm từ 2-48 tháng tuổi, ngành đã tiến hành tiêm vắc-xin cho hơn 13.200 người tại 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn, đạt trên 95%. Nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên đã có gần 432.000 người tiêm đợt 1, chiếm 93,2%; gần 395.000 người tiêm đợt 2, chiếm 92,4%. 102/102 xã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90%. Như vậy, địa phương này trở thành tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên hoàn thành sớm việc tiêm chủng phòng dịch bệnh bạch hầu.

Thời gian tới, ngành Y tế khuyến khích các tỉnh tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đối tượng trên địa bàn để tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu, tạo miễn dịch cho cộng đồng.

HỮU LONG

Bạn đang đọc bài viết Đi qua mùa dịch bạch hầu ở Tây Nguyên
tại chuyên mục Cộng đồng.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]