Đến nay, ra Tết, màu xanh đã tàn úa, loang lổ trên khắp các cánh đồng. Bởi bắp cải, su hào, cà rốt, hành, tỏi đều nằm la liệt giữa những khoảng đất trống. Không người bán, không kẻ mua. Chỉ có những dòng lệ đã khô trên gò má hốc hác của người nông dân, họ thức khuya, dậy sớm để chăm bẵm cho tương lai của gia đình, của con cháu. Nhìn cảnh này không ai cầm nổi nước mắt, xót xa cho người dân quê, đau lòng cho Hải Dương.

Một ruộng su hào của người dân Hải Dương được “giải cứu”.

Hải Dương đang “gồng mình” chống chọi với dịch Covid-19, có nhiều người chê trách Hải Dương làm không tốt. Nhưng cần phải hiểu rằng dịch bùng phát ở Hải Dương có tính chất khác với Quảng Ninh, và khác hẳn Đà Nẵng. Ổ dịch tại Chí Linh, tại Cẩm Giàng là biến chủng mới, trong khu công nghiệp, ủ bệnh lâu và khi phát hiện đã không chỉ là vài ca dương tính, mà là hàng trăm ca. Thời điểm đó, những công nhân đã rục rịch trở về quê ăn Tết. Lúc này, Hải Dương lên kế hoạch, triển khai khoanh vùng, khống chế bằng các giải pháp được Bộ Y Tế và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Phạm Xuân Thăng vừa trả lời trên báo chí: “Các giải pháp của Hải Dương được thực hiện quyết liệt, ngay từ đầu, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tùy theo diễn biến của dịch, chúng tôi đã đưa ra các phương án chống dịch phù hợp.

Cụ thể, ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 27/1 tại Công ty Poyun (thành phố Chí Linh), chúng tôi đã rất quyết liệt truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, tổ chức cách ly tập trung. Một ngày sau, Hải Dương phong tỏa thành phố Chí Linh – mức độ cao hơn cả việc cách ly xã hội như hiện nay. Ngày 5/2, khi Cẩm Giàng phát hiện khoảng 10 ca nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa toàn bộ huyện này. Số lượng ca nhiễm thời gian qua tăng nhưng 90% đã ở trong khu cách ly, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng”.

Dẫu vậy, theo tôi, vẫn cần ngay các chính sách đồng bộ để phát triển kinh tế, để hỗ trợ cho người nông dân, người yếu thế trong xã hội của Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung. Nếu các tỉnh thành lân cận phong tỏa, ngăn cấm giao thương thì đang đẩy người dân nghèo lại thêm nghèo. Cần lắm những cơ quan, bộ ngành hữu quan vào cuộc ngay lập tức, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho Hải Dương nói chung, người lao động, người nông dân nói riêng.

NGUYỄN HOÀI BẮC – Việt kiều Canada

Bạn đang đọc bài viết Lời kêu cứu trên những cánh đồng Hải Dương
tại chuyên mục Doanh nhân thời cuộc.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]