Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam từ những chính sách kiến tạoKhởi nghiệp, đổi mới sáng tạo: Chìa khóa mở cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệpPhát triển thế mạnh địa phương, khởi nghiệp nông dân trong thời đại chuyển đổi số

Ngày 17/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) đã tổ chức lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp và công bố báo cáo chỉ số khởi nghiệp quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã và đang có nhiều bước phát triển kinh tế vượt bậc, thế nhưng tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa trên tài nguyên. Do đó, dư địa còn hạn chế và hiện Việt Nam đang nằm trong bẫy thu nhập trung bình. Để thoát khỏi bẫy này Việt Nam phải lựa chọn hướng đi và điều chỉnh mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Nhân tố chính để thực hiện mục tiêu này là doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt trở thành động lực ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại buổi lễ.

Cách mạng công nghệ 4.0 với công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ xuất hiện những vấn đề chưa từng có tiền lệ. Sẽ có các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới có tính ứng dụng vô cùng nhanh. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn chứng, trước đây khó có thể hình dung chat GPT có thể viết luận văn thạc sĩ trong vòng một giờ đồng hồ hay các ứng dụng AI... điều này đặt ra cho doanh nghiệp Việt một trách nhiệm quan trọng là ứng dụng khoa học, áp dụng tiến bộ công nghệ nhanh nhất.

Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo và thực thi các hoạt động đưa công nghệ vào cuộc sống. Không chỉ tập trung hỗ trợ các nhà khoa học,Viện nghiên cứu, trường đại học, Bộ Khoa học và Công nghệ còn hỗ trợ cả các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cho hàng hóa, xác định năng lực cạnh tranh hay công cụ xác định sở hữu trí tuệ, xác định giá trị sở hữu cũng như các sản phẩm. Bên cạnh đó Quỹ đổi mới công nghệ cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về vốn, công nghệ, thông tin để sản xuất kinh doanh.

"Việc thành lập Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp là hướng đi đúng, góp phần hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ". Thứ trưởng Hoàng Minh nói.

GS.TS Đinh Xuân Dũng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp .
GS.TS Đinh Xuân Dũng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp .

Tại lễ ra mắt, GS.TS Đinh Xuân Dũng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp cho biết, mục tiêu của Viện là hỗ trợ, bồi dưỡng, khai mở cho các doanh nghiệp những hiểu biết, năng lực và điều kiện cần thiết để có kiến thức, phẩm chất cống hiện xây dựng đất nước...

Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp sẽ đồng hành và trợ giúp các doanh nghiệp tìm ra con đường phát triển riêng biệt để đạt được các thành tích vượt trội một cách bền vững, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.

"Mục tiêu đến năm 2045, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về khởi nghiệp, kinh doanh và phát triển cá nhân cho các nhà khởi nghiệp" - GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lần đầu tiên Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp cũng đã thông tin về Báo cáo chỉ số khởi nghiệp quốc gia. Thứ nhất, chỉ số khởi nghiệp liên quan đến việc xác định nhu cầu, hoặc cơ hội trên thị trường, phát triển một kế hoạch kinh doanh để giải quyết nó, khởi động và điều hành hoạt động kinh doanh. Khởi nghiệp chú trọng đến việc kết hợp sự đổi mới, kỹ năng và tầm nhìn để phát triển sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng mới đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra giá trị cho đối tượng mục tiêu.

Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ký với các doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ký với các doanh nghiệp.

Thứ hai, khởi nghiệp sáng tạo - một loại hình khởi nghiệp dựa trên những ý tưởng mới, độc đáo và chưa từng có trên thị trường. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường tập trung vào việc giải quyết những vấn đề hiện có bằng cách đưa ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả.

Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp là mạng lưới các cá nhân, tổ chức và cơ quan hỗ trợ và thúc đẩy việc thành lập và phát triển các doanh nghiệp mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp được coi là một môi trường nuôi dưỡng, cung cấp các nguồn lực và kết nối mà các doanh nhân cần để phát triển.

Thứ tư, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) là thước đo hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào trong sản xuất, bao gồm lao động và vốn. TFP phản ánh mức độ tăng trưởng sản lượng vượt quá mức tăng trưởng của các yếu tố đầu vào. TFP cao cho thấy doanh nghiệp, hoặc nền kinh tế đang sử dụng các yếu tố đầu vào hiệu quả hơn, dẫn đến tăng trưởng cao hơn. TFP thấp cho thấy doanh nghiệp, hoặc nền kinh tế đang lãng phí các yếu tố đầu vào, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn.

Thứ năm, đổi mới sáng tạo là một khái niệm rộng, bao gồm việc tạo ra, áp dụng và phát triển các ý tưởng, công nghệ, quy trình, sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị và tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức và xã hội.

Thứ sáu, nghiên cứu và triển khai (R&D) là các hoạt động tìm kiếm kiến thức và ứng dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ mới. R&D là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra giá trị mới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh (ngoài cùng bên phải) và TS. Vũ Tiến Lộc (thứ 2 từ bên trái) chúc mừng các lãnh đạo Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh (ngoài cùng bên phải) và TS. Vũ Tiến Lộc (thứ 2 từ bên trái) chúc mừng các lãnh đạo Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp.

Đánh giá về báo cáo, PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Khung chỉ số Khởi nghiệp Quốc gia cung cấp “bức tranh” toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.Trên cơ sở đó, báo cáo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mục đích khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và thu hút sự tham gia của các bên liên quan vào hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Thêm vào đó, báo cáo hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo quốc gia,” PGS.TS Nguyễn An Thịnh nói.

Tại sự kiện, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đã ký hợp tác với Sở KH&CN tỉnh Nam Định và Quảng Nam, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ký với các doanh nghiệp.

Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần ứng dụng và phát triển giải pháp đa thương toàn cầu (GAB) Nguyễn Thị Lụa.
Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần ứng dụng và phát triển giải pháp đa thương toàn cầu (GAB) Nguyễn Thị Lụa.

Bà Nguyễn Thị Lụa, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần ứng dụng và phát triển giải pháp đa thương toàn cầu (GAB), một trong các đối tác ký kết với Viện đánh giá: Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ra đời với mục tiêu rất phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty chúng tôi. Theo lộ trình, viện sẽ kết nối với các trường học và các dự án khởi nghiệp để đồng hành, định hướng đường đi cho sinh viên, những người trẻ. Điều này rất có ý nghĩa vì hiện nay nhiều sinh viên sau khi ra trường làm việc không có kỹ năng mềm. Trong quá trình đồng hành, Viện sẽ giúp sinh viên có thể học hỏi từ những người có kinh nghiệm đi trước, từ các CEO về những vất vả mà doanh nghiệp sẽ gặp phải, những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp, những kỹ năng mềm...

Viện nghiên cứu Khởi nghiệp trực thuộc Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 61/QĐ-KNQG của Ban Thường vụ Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp đã được Bộ KH&CN cấp “Chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ” ngày 8/3/2024.

Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong lĩnh vực phát triển khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.