----------------------
Loạt "chung cư mini" của bị can Nghiêm Quang Minh đều vượt tầng, không đảm bảo PCCC
Chiều 2/10, tại họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an Quý III năm 2023 do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về công tác điều tra vụ cháy tại chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm 56 người chết.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội. |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh, chủ chung cư mini liên quan đến vụ cháy cháy. Các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các công trình loại hình này của bị can Nghiêm Quang Minh theo thẩm quyền.
Qua quá trình điều tra vụ án, ngoài công trình xảy ra cháy ở quận Thanh Xuân, Công an thành phố Hà Nội bước đầu xác định đối tượng Nghiêm Quang Minh còn là chủ đầu tư xây dựng đối với 08 “chung cư mini” trên địa bàn Thành phố.
Các công trình này chủ yếu vi phạm: Xây không đúng với Giấy phép xây dựng, vượt tầng, không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn...
Trên tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Công an Thành phố Hà Nội đã báo cáo đề xuất Thành uỷ bổ sung vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thành uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả điều tra, xử lý đối với vụ án trên sẽ kịp thời thông tin để dư luận biết.
Thông tin liên quan đến vụ việc trên Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cho biết: Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an địa phương tiến hành rà soát tổng thể các công trình tương tự, quản lý chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư mini, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy, làm chết người. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt rà soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, không để sót lọt, phòng ngừa tình trạng “lách luật” từ nhà ở riêng lẻ sang nhà ở nhiều căn hộ.
Căn hộ trong một chung cư mini của bị can Nghiêm Quang Minh tại quận Đống Đa (Hà Nội) |
Báo động “lỗ hổng” chung cư mini
Vụ cháy thảm khốc xảy ra tại chung cư mini nằm sâu trong hẻm 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12, rạng sáng 13/9/2023 làm 56 người chết đã lộ rõ rất nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ ("chung cư mini"'; "nhà hộp diêm").
Việc nở rộ “chung cư mini” tự phát, không lập dự án đầu tư, không được thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra thường xuyên về an toàn, chất lượng công trình, phòng cháy chữa cháy tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn.
Nhưng loại “nhà hộp diêm” này lại gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quản lý (về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, môi trường...) và là một tác nhân gây ra quá tải hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn những năm qua.
Do hoạt động đầu tư xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mà Nhà nước có riêng một đạo luật để điều chỉnh (hiện tại là Luật Xây dựng năm 2014). Để quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, đảm bảo tuân thủ yêu cầu về quy hoạch, chất lượng, an toàn công trình, Điều 52 Luật Xây dựng quy định chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư dưới hình thức Báo cáo nghiên cứu khả thi, chỉ trừ trường hợp quy định tại khoản 3 (quy định chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho công trình tôn giáo; công trình quy mô nhỏ) và khoản 4 (quy định Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không phải lập dự án).
Như vậy, Luật Xây dựng chỉ cho phép công trình tôn giáo; công trình quy mô nhỏ và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không phải lập dự án đầu tư trình cơ quan nhà nước. Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể quy mô từ cấp III trở lên thuộc nhóm loại “công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng”.
Nghị định số 15/2021/NĐ-CP cũng quy định nếu dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng thì phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình chuyên ngành (Bộ Xây dựng quản lý công trình nhà ở) hoặc thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm cả thiết kế cơ sở). Đây là vòng “tiền kiểm” trước khi cấp giấy phép xây dựng và việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan nhà nước sẽ đánh giá tổng thể sự tuân thủ về quy hoạch, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Sau khi hoàn thành xây dựng, ở bước “hậu kiểm” thì theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, với công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng lại phải có “văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu” của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình chuyên ngành (Bộ Xây dựng quản lý công trình nhà ở) hoặc thuộc UBND cấp tỉnh.
Đối chiếu với quy định về phân cấp công trình xây dựng tại Thông tư 06/2021/TT-BXD, với công trình “Nhà, Kết cấu dạng nhà” thì:
- Công trình cấp IV có: Chiều cao ≤ 6m, số tầng cao: 1 tầng, tổng diện tích sàn <1.000m2;
- Công trình cấp III có: Chiều cao 6m - 28m, số tầng cao: 2 - 7 tầng, tổng diện tích sàn từ 1.000m2 - 10.000m2;
- Công trình cấp II có: Chiều cao 28m - 75m, số tầng cao: 8 - 24 tầng, tổng diện tích sàn từ 10.000m2 - 30.000m2...
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết: Với tòa “chung cư mini” bị cháy gây ra thảm họa thương tâm vừa qua, theo giấy phép xây dựng cấp năm 2015 (cao 6 tầng, diện tích sàn 1.165,9m2), áp dụng vào pháp luật hiện nay, tương ứng công trình cấp III. Nếu không “núp bóng” dưới hình hài nhà ở riêng lẻ mà thực hiện theo dự án đầu tư chung cư của doanh nghiệp BĐS thì công trình phải được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế (tiền kiểm) và chấp thuận kết quả nghiệm thu (hậu kiểm).
"Khâu hậu kiểm chắc chắn sẽ loại bỏ việc công trình xây sai phép “sờ sờ” (từ 6 tầng nâng lên 9 tầng) được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thủ tục thẩm định thiết kế (tiền kiểm) và chấp thuận kết quả nghiệm thu (hậu kiểm) của cơ quan nhà nước lại chỉ được áp dụng cho “công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng” (theo Điều 109 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, Điều 52 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP)" - Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nhấn mạnh.
Đây là một lỗ hổng lớn của pháp luật về xây dựng, dẫn đến các công trình “chung cư mini” quy mô rất lớn, có cấp công trình là cấp III, thậm chí cấp II (nếu cao hơn 7 tầng) những vẫn bị "bỏ lọt" hoàn toàn khỏi thủ tục tiền kiểm, hậu kiểm về chất lượng của cơ quan chuyên môn.
Việc cho phép các cá nhân, hộ gia đình xây dựng "chung cư mini" để kinh doanh như doanh nghiệp chuyên nghiệp chẳng khác nào cho người đi xe đạp được lưu thông trên đường cao tốc.
Vụ cháy thảm khốc vừa qua là rất đáng tiếc, nhưng là tiếng chuông cảnh tỉnh để xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ “nhà hộp diêm” trong đô thị.
Sau vụ cháy “chung cư mini”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: “Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở”, đồng thời giao Ủy ban Pháp luật rà soát dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để không hợp thức hóa loại hình nhà ở này. Có thể nói đây là động thái hết sức kịp thời để ngăn chặn những biến tướng, bịt những "lỗ hổng" có thể gây hậu họa khôn lường từ chung cư mini.
Bài viết: ÁNH DƯƠNG Đồ họa: HÀ AN |