ISSN-2815-5823
[Longform] Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

(KDPT) - Vụ cháy xảy ra tại ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đêm 12 rạng sáng ngày 13/9/2023 đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề. 56 người tử vong, hàng chục người khác bị thương, đó là nỗi đau không gì bù đắp được.

Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 10 năm "chung cư mini" với lợi thế căn hộ nhỏ, nằm chủ yếu ở quận trung tâm, giá thành từ 500 - 600 triệu đồng/căn đã nhanh chóng thu hút người mua và trở thành một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường bất động sản lúc đó.

“Chung cư mini” – cụm từ phải cho vào ngoặc kép bởi dạng nhà ở này không phải chung cư mà bản chất là nhà ở riêng lẻ với số lượng phòng lớn, nhiều người ở và thường do cá nhân đứng ra xây dựng, sau đó cho thuê, bán lại. Không được định danh, không có cơ sở pháp lý nhưng “chung cư mini” vẫn tồn tại, thậm chí nở rộ. Nguyên nhân một phần là do nhà ở xã hội còn thiếu, nhà ở thương mại giá lại quá cao. Những người lao động với thu nhập khiêm tốn đã phải “nhắm mắt đưa chân” vào “chung cư mini”.

Luật Nhà ở 2014 không có định nghĩa về "chung cư mini". Thực tế, "chung cư mini" được nhận diện là những căn nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức mà có từ 2 tầng trở lên, có ít nhất là 2 căn hộ (mỗi căn hộ được xây dựng khép kín).

Đáng chú ý nhất là nếu đủ tiêu chuẩn, sẽ được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó, tức là được cấp sổ đỏ riêng cho từng căn hộ nhỏ.

Sau đó, một văn bản dưới luật như Quyết định 24/2014 của UBND TP Hà Nội đã lần đầu tiên sử dụng khái niệm "chung cư mini" và "căn hộ chung cư mini" và quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với loại bất động sản này.

Nhiều ý kiến cho rằng, "chung cư mini" xuất hiện vào thời điểm cấp thiết về nhà ở, nhưng nay không còn phù hợp, thậm chí được coi là sản phẩm "lỗi" khi tạo áp lực về hạ tầng đô thị, rủi ro về an toàn.

[Longform] Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Lợi nhuận từ việc kinh doanh loại hình bất động sản này chủ yếu chảy vào túi của cá nhân, nhưng khi có sự cố xảy ra không chỉ dừng lại ở rủi ro pháp lý mà người dân phải gánh chịu mà lớn hơn là những hậu quả không thể khắc phục như vụ cháy vừa xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là một minh chứng rõ nét nhất.

Hệ quả đó là nỗi đau mất người thân, vợ mất chồng, cha mất con... Những ký ức tang thương về vụ cháy sẽ còn đeo đẳng người ở lại và cả xã hội.

“Nỗi buồn của chung cư bên kia (phố Khương Hạ - PV) chúng em rất chia sẻ, rất buồn. Bởi vì mình cũng chung tình cảnh như thế, rất sợ một ngày nào đó nó sẽ xảy ra với mình”. – Người dân sống tại “chung cư mini” số 58B-C ngõ 117 Thái Hà chia sẻ.

Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Trở lại với câu chuyện về vụ cháy tại Hà Nội ngày 13/9. Rất nhanh chóng, cơ quan chức năng đã xác định được ông chủ đứng sau “chung cư mini” là Nghiêm Quang Minh (SN 1979, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện người này đã bị khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự. Ông Minh được gọi là “ông trùm” chung cư mini ở Hà Nội, với nhiều tòa nhà, mỗi nhà hàng chục phòng. Sau khi xây xong, ông Minh sẽ “bán đứt” cho những người có nhu cầu với giá từ 700 triệu đồng tới 1,2 tỷ đồng/ căn. Một trong số đó là căn hộ số 58B-C ngõ 117 Thái Hà.

Căn “chung cư mini” này cũng có những điểm tương đồng với căn vừa bị cháy ở Khương Hạ. Đó là nằm ở trong ngách sâu, xe cứu hỏa không thể tiếp cận trực tiếp; giao thông bên trong tòa nhà không có đường giao thông nội bộ; không thiết kế cửa chống cháy tại các tầng, không đảm bảo ngăn cháy lan theo phương dọc của tòa nhà. Máy bơm chữa cháy của tòa nhà không hoạt động. Một số khu vực trong tòa nhà chưa được trang bị đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn. Tòa nhà chưa được trang bị các dụng cụ phá dỡ, bảo hộ chống khói – Theo thông tin của đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra khẩn cấp quy định phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại tòa nhà số 58B+C do Công an quận Đống Đa cùng UBND và công an phường Trung Liệt tổ chức ngày 14/9.

Không chỉ ở Thanh Xuân, Đống Đa, trên địa bàn thành phố còn tồn tại rất nhiều “chung cư mini” với các sai phạm, không đảm bảo an toàn PCCC.

Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Trong thương đau, vẫn lắng đọng tình người ấm áp. Đó là sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân không chỉ trên địa bàn, mà cả ở nhiều nơi khác với các nạn nhân của vụ cháy, thể hiện truyền thống yêu thương, đùm bọc nhau trong hoạn nạn của người dân.

Ngay khi xảy ra vụ cháy, bên cạnh CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy và CNCH, còn có nhiều đơn vị, tổ chức, chính quyền địa phương, người dân tham gia giúp sức, đặc biệt trong đó có Đội hỗ trợ sơ cứu Fas Angel. Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo chữa cháy và CNCH ở chung cư mini cho biết, thời điểm đó có một đội quân áo da cam rất quả cảm, nhanh nhẹn, đã chia sẻ tối đa công việc hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn với Cảnh sát PCCC.

Đó còn là anh chàng shipper Nguyễn Đăng Văn (30 tuổi, quê Bắc Ninh) mướt mải mồ hôi, mặt đen sạm lại vì khói. Đăng Văn chính là người đã dũng cảm lao vào đám cháy đêm 12 rạng sáng 13/9 và cứu được 9 người.

Những người chứng kiến còn kể cho nhau nghe về chiếc thang "cứu mạng" của một vị bác sĩ sinh sống tại đây. Chị Hương, sống ngay sát hiện trường kể lại, khi vụ cháy xảy ra, một hộ gia đình sinh sống trên tầng 5 đã sử dụng thang sắt để thoát xuống mặt đất. "Chiếc thang này sau đó cũng trở thành "đường thoát" cho hàng chục người khác sinh sống lân cận", chị Hương kể lại.

Sau vụ cháy, người dân đã nấu ăn, chuẩn bị trái cây, nước uống, nhu yếu phẩm cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Rồi sau đó là hàng ngàn người và các tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật chất cho gia đình người bị nạn. Nhiều người đã đăng lên mạng xã hội ngỏ ý tiếp nhận người thân, gia đình người bị nạn vào nhà mình tá túc… Tính đến sáng 15/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình đã tiếp nhận hơn 7 tỷ đồng sau 2 ngày công bố tiếp nhận ủng hộ nạn nhân vụ cháy. Ngày 15/9 cũng là mùng 1 tháng 8 Âm lịch, tại Ủy ban MTTQ Phường Khương Đình, hàng dài người từ khắp nơi vẫn tới chia sẻ nỗi đau mất mát. Mỗi người một chút, chung tay hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy, xoa dịu nỗi đau.

[Longform] Vụ hoả hoạn chung cư mini: Cháy nhà lộ rõ nhiều sai phạm

Để chia sẻ sự mất mát của các gia đình có nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn, từ ngày 14 đến 17/9.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do Thành phố, các đơn vị thuộc Thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức.

Ngoài ra, vào lúc 8h ngày 18/9, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy.

Cùng ngày, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội có công văn về việc tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy, bắt đầu từ ngày 15/9 (tức ngày 1/8 Âm lịch).

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn.

Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Thành phố hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương.

Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể - xã hội.

Hà Nội cũng hỗ trợ đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện.

Đồng thời, chính quyền hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn với mức 5 triệu đồng/trẻ.

Tính đến 12h ngày 14/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ 47 trường hợp tử vong (trong đó có 16 trẻ em) và 37 người bị thương. Tổng kinh phí hỗ trợ 825 triệu đồng.

Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Trưa ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thị sát hiện trường vụ cháy chung cư đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Tại hiện trường, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Công điện đã ban hành; biểu dương lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có mặt ngay sau khi nhận được thông tin, khẩn trương triển khai công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả; cảm ơn bà con trong khu vực đã tích cực tham gia chữa cháy, khắc phục hậu quả, cứu chữa, hỗ trợ những người gặp nạn.

Không có bài học nào đau xót hơn là phải trả giá bằng mạng sống con người. Vụ việc thương tâm xảy ra tại Hà Nội vừa qua đã gióng lên hồi chuông rằng: Việc tăng cường quản lý chung cư mini không thể chậm trễ hơn được nữa. Nhiều lỗ hổng pháp lý khiến chủ đầu tư có thể lách luật, không chú trọng tới phòng cháy nên khi có hỏa hoạn xảy ra thì hậu quả khôn lường. Trong khi đó, hơn 10 năm qua, việc phát triển “chung cư mini” đang vượt ngoài tầm kiểm soát, thì việc đưa ra các chính sách quản lý hợp lý sẽ càng nhiều thách thức và cần tăng tốc nhanh hơn.

Nhưng cũng lúc này, dư luận không chỉ đặt câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả nói trên. Vì sao những nguy hại về cháy nổ tại các "chung cư mini" đã được nhiều cơ quan báo chí cảnh báo từ lâu nhưng chưa được tháo gỡ, giải quyết? Làm thế nào để xử lý triệt để những tồn tại về công tác phòng cháy, chữa cháy để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự?

Trước mắt, trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản quán triệt để UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để cho người dân khi đầu tư xây dựng phải xác định rõ thế nào là nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, phải tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn nào và thế nào là loại hình nhà ở để kinh doanh.

Còn về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để quy định và hướng dẫn cụ thể hơn, chặt chẽ và đầy đủ hơn – ông Hoàng Anh Tuấn Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng).

Chiều 15/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) trên địa bàn. Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân là vụ việc có hậu quả nặng nề nhất của thành phố từ trước đến nay.

Theo đó, ông Thanh đề nghị cần kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc để báo cáo Tổng Bí thư, Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

"Chúng ta đừng để sự mất mát của gia đình 56 nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả thành phố đến quận huyện, phường xã về phòng cháy chữa cháy. Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân", theo Chủ tịch Hà Nội.

Kinh doanh “chung cư mini”: Lợi ích nhỏ, hậu quả lớn

Thực hiện:
DUY KHÁNH - ÁNH DƯƠNG

Đồ họa: HÀ THU

Tin khác

Đẩy mạnh quảng bá du lịch Thái Nguyên

Đẩy mạnh quảng bá du lịch Thái Nguyên

(KDPT) - Ngày 11/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức Hội nghị...
[Longform] 'Bắt mạch' thị trường bất động sản năm 2024: Cơ hội và thách thức

[Longform] "Bắt mạch" thị trường bất động sản năm 2024: Cơ hội và thách thức

(KDPT) - Năm 2023 có thể coi là một năm đầy “sóng gió” của thị trường bất động sản....
[Longform] Khi nào 'sốt đất' sẽ quay trở lại thị trường?

[Longform] Khi nào "sốt đất" sẽ quay trở lại thị trường?

(KDPT) - Theo nhiều chuyên gia, "sốt đất" có thể quay trở lại vào thời điểm năm 2025-2026. Tuy...
[Longform] Đi tìm “điểm sáng” của thị trường bất động sản cuối năm 2023

[Longform] Đi tìm “điểm sáng” của thị trường bất động sản cuối năm 2023

(KDPT) - Những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ ngành, các cở quan quản lý nhà nước cùng các...
[Longform] Thị trường BĐS đã “tạo đáy”, đâu là giải pháp căn cơ để vực dậy?

[Longform] Thị trường BĐS đã “tạo đáy”, đâu là giải pháp căn cơ để vực dậy?

(KDPT) - Mặc dù có thể thấy, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản (BĐS) đã...
[Longform] Đo “độ ngấm” của chính sách vào sự phục hồi của thị trường BĐS

[Longform] Đo “độ ngấm” của chính sách vào sự phục hồi của thị trường BĐS

(KDPT) - Đã hơn 1 năm kể từ khi thị trường rơi vào trầm lắng. Theo đó, Chính phủ, các Bộ...