ISSN-2815-5823

1. Những tháng cuối năm 2023, Hà Nội, trái tim của cả nước liên tiếp ghi nhận “kỷ lục” buồn về tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó đặc biệt là ô nhiễm không khí.

VinFast tiên phong trong cuộc cách mạng di chuyển xanh.

Theo ứng dụng Pam Air, trong ngày 10/12/2023, nhiều điểm đo ở Hà Nội có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng đỏ, như điểm đo vườn dâu (Trâu Quỳ, Gia Lâm) có chỉ số AQI là 188, Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân) có chỉ số AQI là 179, điểm NetNam - Vast (Cầu Giấy) có chỉ số AQI là 188… Đây đều là ngưỡng AQI có hại cho sức khoẻ con người.

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Trước đó, ngày 3/12/2023, ứng dụng IQAir đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới với chỉ số AQI ở mức 182, chỉ sau hai thành phố của Pakistan là Lahore chỉ số 197 và Karachi với 192, và xếp trên cả Kolkata (Ấn Độ), Tashkent (Uzbekistan), Dhaka (Bangladesh).

Chưa hết, ngày 29/11/2023, Hà Nội còn lập kỷ lục là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới, ở mức rất xấu màu tím, chỉ xếp sau Lahore (Pakistan) với những chỉ số AQI là 215 ở điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Thậm chí điểm đo ở Trường quốc tế Liên Hợp Quốc (quận Tây Hồ) còn tới 299, tiệm cận mức nguy hiểm. Đáng chú ý, điểm đo tại quận Cầu Giấy, chỉ số AQI lên tới mức 424, là mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.

Phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: ITN)

2. Theo thống kê của cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 15/3/2023, Việt Nam có 5.014.243 xe ô tô. Tính riêng loại dưới 9 chỗ ngồi là 3.052.533 xe; trong đó riêng xe cá nhân, gia đình, xe doanh nghiệp là 2.923.298 và 129.235 xe có kinh doanh vận tải. Như vậy, tỷ trọng xe con của cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ô tô đang lưu hành toàn quốc.

Nếu tính theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành ngày 10/1/2023, kết thúc năm 2022 dân số của Việt Nam là 99,46 triệu người, thì tỷ lệ xe ô tô trên 1.000 người dân của nước ta vào giữa tháng 3/2023 là 50,4 xe ô tô/1.000 dân. Còn nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ là 30 xe/1.000 dân.

Còn theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2022, tổng số xe máy ở Việt Nam khoảng 72 triệu chiếc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 1,2 triệu chiếc xe máy được bán ra, như vậy đến nay khoảng 73% dân số nước ta đang sử dụng xe máy.

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải còn cho biết, riêng tại Hà Nội có khoảng 7,7 triệu xe máy, trong đó có gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000. Còn tại TP.HCM có khoảng 9 triệu xe, trong đó lượng xe sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68%.

Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công bố năm 2021 phân tích “các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu là xăng và dầu diesel làm phát sinh nhiều các chất ô nhiễm không khí như CO, chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), SO2, NOx, bụi”. Từ đó, Báo cáo này chỉ ra rằng, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường; trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định, “các hoạt động giao thông là nguồn phát khí thải lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải tại TP.HCM. Trong đó, số lượng xe máy đang lưu hành gấp 10 lần số lượng ô tô và chiếm tới khoảng 90% tổng lượng phương tiện giao thông cơ giới”.

Còn theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng tham gia giao thông, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC, 87% lượng CO, 57% lượng NOx trong tổng lượng phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí của các loại xe cơ giới.

3. Như vậy có thể khẳng định, thủ phạm chính của tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, chính là xe cơ giới, cụ thể là ô tô, xe máy.

Cũng theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại các đô thị lớn miền Bắc như Thủ đô Hà Nội, số ngày trong năm 2019 có giá trị AQI ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (AQI = 201 - 300).

Như vậy, ô nhiễm không khí từ khí thải động cơ xăng và dầu diesel trước tiên tác động xấu đến sức khỏe con người. Cùng với đó, nó cũng tác động tiêu cực đến kinh tế do làm giảm năng suất lao động, hiệu suất, hiệu quả làm việc, làm giảm lượng khách du lịch nước ngoài, nhất là khách hạng sang, và làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Đồng thời, nó cũng gây tác động xấu về xã hội do làm tăng chi phí y tế. Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng còn được cho là làm gia tăng tai nạn giao thông do làm giảm tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.

Những hậu quả trên được cho là một trong những nguyên nhân gây tắc đường ở các thành phố lớn, mà nhiều lần đã có những đề xuất cấm xe máy. Nhưng với điều kiện kinh tế, giao thông và đặc điểm văn hóa, sinh hoạt, làm việc cũng như thói quen, lối sống… của người Việt, việc loại bỏ xe máy ra khỏi đời sống là không khả thi.

Xã hội càng phát triển, kinh tế càng tăng trưởng thì số người sở hữu xe cá nhân cũng tăng theo.

Còn ô tô, nhất là xe cá nhân, thì lại càng không thể loại bỏ, bởi cho đến nay nó vẫn là phương tiện di chuyển phổ biến bởi tính tiện dụng của nó. Không những thế, kinh tế càng phát triển, đời sống càng nâng cao thì số người sử dụng xe hơi càng nhiều; đặc biệt đối với một đất nước đang phát triển như nước ta thì những năm gần đây, số lượng xe cá nhân đã tăng rất nhanh và được dự báo trong những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Nhưng điều này sẽ dẫn tới nghịch lý, xã hội càng phát triển, kinh tế càng tăng trưởng thì số người sở hữu xe cá nhân cũng tăng theo và dẫn tới ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ô nhiễm không khí càng trở nên trầm trọng và hệ quả của nó lại là ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nhưng càng ảnh hưởng tới sức khỏe, người ta lại càng mua sắm xe hơi nhiều hơn để tránh hít khói bụi ngoài đường, mà chính điều đó lại càng dẫn đến gia tăng ô nhiễm. Đó là nghịch lý, cũng là cái vòng luẩn quẩn mà xã hội hiện đại tự trói mình vào và tưởng chừng không sao thoát ra được.

4. Rất may, con người cũng đã tự tìm được cho mình lối thoát: Đó là cuộc chuyển đổi xanh với mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, lối sống xanh và đặc biệt là di chuyển xanh.

Đầu tiên, là cải tiến động cơ để nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu, cũng là cách gián tiếp giảm lượng khí thải ra môi trường. Tiếp theo là kiểm soát khí thải, xử lý khí thải để giảm mức độ ô nhiễm. Nhưng các giải pháp kỹ thuật chỉ có thể giảm chứ không thể triệt tiêu được ô nhiễm của nhiên liệu hóa thạch dùng cho động cơ xe cơ giới. Sau đó, con người đã tìm cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng “xăng” sinh học; tuy nhiên, loại xăng này chỉ có thể giảm thiểu chứ vẫn không triệt tiêu được khí thải và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, tuy giảm được khí độc nhưng xăng sinh học sau khi đốt cháy vẫn thải ra hơi nước và khí CO2, mà đây lại là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính.

Cuối cùng, một lối thoát hoàn hảo được mở ra, đó là xe điện: Ô tô điện, xe máy điện; mà ở Việt Nam, có thể coi VinFast là người mở đường, tiên phong trong cuộc cách mạng di chuyển xanh này.

Cuộc cách mạng xe điện của VinFast có thể được nhìn nhận, đánh giá… từ nhiều góc độ, khía cạnh, ở đây xin nhấn mạnh đến các khía cạnh sau:

Một cuộc chuyển đổi dứt khoát và triệt để: Trong cuộc cách mạng chuyển đổi sang xe điện, trong khi một số hãng xe có thâm niên và tên tuổi trên thế giới vừa chuyển đổi vừa thăm dò bằng cách sản xuất xe lai vừa chạy xăng vừa chạy điện, thì VinFast đã chuyển đổi một cách dứt khoát hoàn toàn sang xe chạy điện. Không những thế, VinFast còn mở rộng sang cả lĩnh vực xe máy điện và theo kế hoạch sẽ mở tiếp sang dòng xe đạp điện. Tính đến tháng 11/2023, VinFast đã đưa ra thị trường 15 mẫu xe máy điện từ phổ thông đến cao cấp, 7 mẫu ô tô điện trải đủ mọi phân khúc.

Lợi ích của xe điện - xe xanh đầu tiên phải kể đến là không tạo ra khí thải, vì vậy nó không gây ô nhiễm không khí, không gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu môi trường, chỉ cần một xe ô tô xanh thay thế cho xe chạy xăng trong một năm đã có thể giảm trung bình 1,5 triệu gam CO2.

Lợi ích thứ hai là do không chạy bằng động cơ đốt trong nên không gây tiếng ồn. Nhờ đó cũng giảm được ô nhiễm tiếng ồn xuống mức tối thiểu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM hiện đang bị ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn tới mức nghiêm trọng.

 

Bây giờ hãy hình dung, tất cả xe ô tô và xe máy chuyển sang xe điện, thành phố sẽ sạch sẽ và yên bình biết bao.

Một cuộc cách mạng xanh toàn diện: Không phải chỉ sạch và xanh từ sử dụng năng lượng (điện), VinFast còn hiện thực hóa chủ trương xanh từ khâu sản xuất, vận hành sản phẩm đến xử lý rác thải (pin). Các chuyên gia công nghệ cho biết, thông thường một chiếc ô tô được cấu tạo từ hơn 30.000 chi tiết, linh kiện, phụ kiện mà rất nhiều trong số đó do các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất cung cấp. Do đó, để đảm bảo xanh hóa, nếu chỉ xanh ở hãng xe là chưa đủ mà phải xanh đồng bộ từ cả các doanh nghiệp hỗ trợ; để sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường thì mỗi chi tiết cấu thành cũng phải được sản xuất trong dây chuyền “xanh”.

VinFast không những xây dựng các quy trình tối ưu trong hoạt động sản xuất nhằm giảm phát thải, tái sử dụng cũng như tiết kiệm nước và năng lượng, mà còn yêu cầu và chỉ lựa chọn các nhà cung cấp cũng đã được xanh hóa theo các tiêu chuẩn bền vững. Mặt khác, chính sách cho thuê pin cũng giúp VinFast chủ động thu hồi pin cũ, pin hết hạn sử dụng để xử lý theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho môi trường. Thậm chí, VinFast còn có kế hoạch tái chế pin lithium đã qua sử dụng để thu hồi nguyên liệu. Điều này không những giúp tiết kiệm tài nguyên, nâng hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả.

Một cuộc cách mạng xanh bền vững: Điều này được khẳng định bởi ít nhất 2 yếu tố sau: Thứ nhất là sự hỗ trợ từ cuộc cách mạng xanh về năng lượng. Nếu chỉ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện mà nguồn điện vẫn sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch như than và dầu thì mới chỉ “xanh” một nửa. Bởi dù xe điện sử dụng năng lượng xanh, nhưng điện lại sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch thì suy cho cùng nó vẫn gây ô nhiễm, chỉ là chuyển sự ô nhiễm từ nơi vận hành xe sang nơi có nhà máy phát điện. (Tất nhiên ở đây cũng lưu ý một điều, dù như thế thì xe điện cũng vẫn sạch hơn bởi vì việc sản xuất nguồn điện tập trung để cung cấp cho nền kinh tế dù là từ nhiên liệu hóa thạch cũng dễ dàng xử lý vấn đề ô nhiễm hơn là từng chiếc xe sử dụng trực tiếp nhiên liệu hóa thạch). Tuy nhiên, xe điện của VinFast lại được hỗ trợ bởi nước ta đang chuyển mạnh sang sản xuất năng lượng tái tạo là điện mặt trời, điện gió, nên đã xanh ngay từ gốc là nguồn cung cấp năng lượng điện, vì thế nó là cuộc cách mạng xanh bền vững.

 

Thứ hai, không chỉ cung cấp xe cá nhân cho người tiêu dùng, VinFast còn trực tiếp vận hành hệ thống di chuyển xanh thông qua VinBus, không chỉ xanh về môi trường mà còn xanh cả về lối sống. Điều này không những tăng tính thân thiện, thu hút người dân đến với vận tải công cộng, có tác dụng làm giảm ách tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, mà quan trọng hơn là còn giúp lan tỏa văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử văn minh, suy cho cùng cũng là góp phần xây dựng lối sống xanh.

Việc VinFast tham gia Tuyên bố Phát triển phương tiện giao thông không phát thải (Zero Emission Vehicles Declaration - ZEV) của COP26 với cam kết hướng đến mục tiêu bán 100% phương tiện giao thông không phát thải tại các thị trường trọng điểm từ năm 2035, cũng như tham gia

Cam kết Khí hậu toàn cầu (the Climate Pledge” (TCP) - cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2040…, chính là thêm một lần khẳng định chắc chắn cho nhận định trên: Cuộc chuyển đổi xanh triệt để, toàn diện và bền vững.

5. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ và mang tính quyết định, đó là người tiêu dùng. Có sản phẩm xanh, sản xuất xanh nhưng điều tối quan trọng là phải có người tiêu dùng xanh thì cuộc chuyển đổi xanh mới đạt được mục tiêu và hiệu quả để tiến tới phát triển bền vững. Có tiêu dùng xanh thì cuộc cách mạng xe điện của VinFast mới thật sự thành công để hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thực sự cho cả người dân, xã hội và doanh nghiệp.

Xe điện là giải pháp quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu.

Điều đáng mừng là người tiêu dùng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng nhận thức được những vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, từ đó nhận thấy sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó có di chuyển xanh mà trọng tâm là sử dụng xe điện thay cho xe chạy xăng. Thống kê nửa đầu năm 2023 của VAMM cho thấy, doanh số xe máy chạy xăng tại Việt Nam đã giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, tiếp tục đà sụt giảm của xe xăng trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30-35% trong những năm gần đây. Còn ở Mỹ, theo một nghiên cứu của YouGov (một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế có trụ sở ở Anh), có 52% số người dùng Mỹ tin rằng xe điện là giải pháp quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải), cuộc cách mạng xe điện của VinFast thực sự đóng vai trò tiên phong mở đường trong di chuyển xanh vì cuộc sống xanh.

Không còn là những điều cao siêu, xa vời hay những thuyết lý, rao giảng đạo đức, văn hóa chung chung, mà xe điện thực sự là một phần của cuộc chuyển đổi xanh vì chính mỗi người chúng ta, vì cộng đồng và vì xã hội, để đóng góp vào sự phát triển bền vững của nhân loại trên hành tinh xanh này!

BÙI VĂN DOANH
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Tin khác

Phân khúc chung cư vẫn duy trì sức hút và giá sẽ tiếp tục tăng

Phân khúc chung cư vẫn duy trì sức hút và giá sẽ tiếp tục tăng

(KDPT) - Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nhiều khả năng giá chung cư sẽ...
Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước

Phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước

(KDPT) - Với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội để phát triển kinh tế biển, tỉnh Thanh Hóa...
Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ

Giải mã bí mật đằng sau thành công của “Nữ tướng” Nutifood Trần Thị Lệ

(KDPT) - Đi tìm lời giải cho bí mật đằng sau thành công của “nữ tướng” Nutifood Trần Thị...
Nhân dân tiếc thương nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

Nhân dân tiếc thương nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

(KDPT) - Tối 25/7, dù đã muộn nhưng từng đoàn người nối dài vẫn xếp hàng bên ngoài Nhà tang...
Nhà báo và thách thức kinh tế số!

Nhà báo và thách thức kinh tế số!

(KDPT) - Mấy năm gần đây, các cụm từ “số hóa”, “chuyển đổi số”, “kinh tế số”,...
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Nguồn thu từ độc giả là nguồn thu bền vững của báo chí

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Nguồn thu từ độc giả là nguồn thu bền vững của báo chí

(KDPT) - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân,...