Báo động tình trạng hàng giả, giả mạo thương hiệu tại Việt Nam
» Bài 1: “Ma trận” đạo nhái thương hiệu

Ông Lê Huy Anh,
Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại,
Cục SHTT, Bộ KH&CN.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm SHTT diễn ra ngày càng phức tạp. Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu, xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu… Hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì thường bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT.

Theo ông Lê Huy Anh, các vụ tranh chấp về quyền SHTT tại Việt Nam gia tăng về cả số lượng và tính chất phức tạp. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó. Thứ nhất, là nguyên nhân khách quan, do vô thức, thiếu hiểu biết về quyền SHTT. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, song hành với đó là sự gia tăng về vai trò của tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tự ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền SHTT.

Thứ hai, phổ biến hơn, là nguyên nhân chủ quan, cố tình xâm phạm quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân khác nhằm mục đích trục lợi và gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.

Các mặt hàng bị làm giả và xâm phạm SHTT có thể được sản xuất ở nước ngoài, -đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu qua biên giới. Hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm.

Ông Lê Huy Anh cho biết: “Thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi. Đối với hàng giả, hàng xâm phạm SHTT sản xuất ở nước ngoài, các đối tượng sử dụng kỹ thuật công nghệ cao, các thiết bị hiện đại để sản xuất và in ấn mẫu mã bao bì, nhãn mác giống với mẫu mã bao bì của hàng thật, nhiều trường hợp khó phân biệt bằng mắt thường”.

Các đối tượng đặt hàng dưới dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, chi tiết, bao bì rời sau đó nhập lậu vào Việt Nam để lắp ráp, đóng gói, tiêu thụ. Nếu bị bắt giữ trên đường vận chuyển thì cơ quan chức năng không thể xử lý được hàng giả vì không chứng minh được ý thức chủ quan của đối tượng vận chuyển; hoặc hàng hóa mới chỉ là các chi tiết, chưa có nhãn mác, chưa là sản phẩm hoàn chỉnh. Đối với hàng giả, xâm phạm quyền SHTT sản xuất hoặc lắp ráp, đóng gói trong nước, các đối tượng thường thuê địa điểm hẻo lánh, khó phát hiện để làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện. Việc sản xuất được giữ bí mật, chia ra nhiều công đoạn, nhiều nơi khác nhau như nơi đặt in vỏ bao bì, nhãn mác, nơi pha, trộn, thay nhãn mác, nơi đóng gói.

Chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ

Theo đại diện Công ty Cổ phần Ngôi Sao Châu Âu, bên cạnh việc thành lập ban chuyên trách rà soát, phát hiện các điểm bán hàng nhập lậu ngoài thị trường và trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, thâm nhập đường dây mua bán, xác minh hàng hóa, công ty còn dùng tem QR code (mã phản hồi nhanh) trên từng sản phẩm, nhằm giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm một cách đầy đủ nhất. Truyền thông đến khách bằng hình ảnh cụ thể về cách phân biệt, nhận diện hàng chính hãng. Đồng thời cảnh báo về hậu quả khi kinh doanh hoặc sử dụng các sản phẩm không chính hãng do công ty cung cấp bằng việc đưa nội dung thông tin trên website của công ty hoặc phát tờ rơi đến khách hàng, đối tác.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp phát hiện các trường hợp xâm phạm tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp gồm: gửi thư khuyến cáo tới cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp; xử lý bằng biện pháp hành chính; gửi đơn đề nghị xử lý xâm phạm (ví dụ xử phạt vi phạm hành chính, cấm thông quan, đình chỉ lưu thông) kèm theo kết luận giám định hoặc ý kiến chuyên môn của Cục SHTT đến các cơ quan thực thi; xử lý bằng biện pháp dân sự; khởi kiện tại tòa án và yêu cầu bồi thường thiệt hại (trong trường hợp cần thiết có thể cần đến sự trợ giúp của luật sư SHTT); xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hàng hóa giả mạo về SHTT (gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu).

Trước tình trạng phức tạp về tranh chấp quyền SHTT trong thời gian gần đây, ông Lê Huy Anh khuyến cáo: “Hàng giả có thể làm cho người tiêu dùng xa lánh thương hiệu vì nguy cơ mua phải hàng giả. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động phòng chống hàng giả và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, trong đó bao gồm việc tự xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận SHTT trong doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, một giải pháp có thể được thực hiện là thường xuyên theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn các hành vi xác lập quyền có khả năng gây xung đột với quyền SHTT đã xác lập trước của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể nộp đơn phản đối cấp văn bằng bảo hộ sau khi đơn được công bố.

Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi để đối phó với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

(Hết)

CÔNG NINH