ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ năm, 10h09 02/05/2024

Bất động sản sẽ là "kênh dẫn vốn" kiều hối tốt trong thời gian tới

(KDPT) - Trên thực tế cũng cho thấy, việc luật được thiết kế cởi mở hơn cho Việt kiều sở hữu nhà ở đã nhận được những phản hồi tích cực.

Điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý trong Luật Đất đai 2024 là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Cụ thể, tại Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về "Người sử dụng đất" có quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thay đổi lần này của luật là tiềm năng lớn cho thị trường bất động sản nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trước đó, người Việt Nam ở nước ngoài nếu muốn đầu tư trong nước phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Theo đó, Luật mới sẽ giải quyết vấn đề lần này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư cũng như giảm khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.

Những quy định mới trong các luật hiện nay đã giúp bà con kiều bào dễ dàng sở hữu bất động sản trong nước hơn. (Ảnh minh họa)
Những quy định mới trong các luật hiện nay đã giúp bà con kiều bào dễ dàng sở hữu bất động sản trong nước hơn. (Ảnh minh họa)

Vị chuyên gia Savills cho biết, ông đã có cơ hội hợp tác với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều người đã lớn tuổi. Họ có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc, họ sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc trở lại Việt Nam, thậm chí có thể còn quay trở về sinh sống.

Ông Troy Griffiths nhấn mạnh, có rất nhiều người Việt Nam đang ở nước ngoài, không chỉ những Việt kiều mà còn cả những người đang lao động ở nước ngoài. Điều này tạo nên một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ.

Bà Nguyễn Việt Triều - Ủy viên Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Châu Âu, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ, trước đây, Việt kiều muốn mua bất động sản trong nước sẽ phải nhờ người thân đứng tên do lo ngại các thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, những quy định mới trong các luật hiện nay đã giúp bà con kiều bào có thể dễ dàng sở hữu bất động sản trong nước hơn.

Bà Triều cho biết thêm, hiện có hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư gốc Việt cũng có mong muốn tham gia vào thị trường bất động sản trong nước giờ đây đã được pháp luật cho phép mua nhà, có quyền sở hữu nhà như công dân trong nước. Điều này giúp thị trường Việt Nam có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiểu, thu hút dòng tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhiều hơn, đây là nguồn vốn lớn cho xã hội.

Dòng kiều hối được cho là sẽ chảy khá mạnh về phía Nam và một tỷ lệ lớn được đầu tư vào địa ốc. (Ảnh minh họa)
Dòng kiều hối được cho là sẽ chảy khá mạnh về phía Nam và một tỷ lệ lớn được đầu tư vào địa ốc. (Ảnh minh họa)

Bất động sản trở thành "kênh dẫn vốn"

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn G6, việc mở rộng đối tượng cũng như tạo hành lang pháp lý cho sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với Việt kiều sẽ tạo "kênh dẫn vốn" kiều hối rất tốt cho thị trường bất động sản trong nước. Vị chuyên gia cho rằng, nhóm khách hàng này lâu nay đã quan tâm hoặc đã xuống tiền nhưng phải nhờ người thân đứng tên, đến nay họ được trực tiếp "đứng sổ" khiến họ yên tâm hơn.

Theo quan sát của vị chuyên gia nhận thấy, các phản hồi từ thị trường và nhà đầu tư về vấn đề này là rất tích cực. Có nhiều người cho biết họ sẽ xuống tiền để sở hữu nhà ở Việt Nam. Ông Quê cho biết thêm, dòng kiều hối được cho là sẽ chảy khá mạnh về phía Nam và một tỷ lệ lớn được đầu tư vào địa ốc.

Đưa ra quan điểm tương tự, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, thị trường bất động sản đang khởi đầu một chu kỳ mới, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội khi Việt kiều được mua nhà và có quyền sở hữu như một công dân trong nước (theo Luật Đất đai 2024). Do đó, nếu đầu tư ở thời điểm này có thể đạt thanh khoản tốt khi đón đầu dòng tiền lớn của kiều bào đổ về.

Dưới góc nhìn pháp lý, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì ở Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và lọt Top 3 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. (Ảnh minh họa)
Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. (Ảnh minh họa)

Dẫn ví dụ trong báo cáo của Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBR), ông Đỉnh cho biết, lượng kiều hối qua công ty này tính đến cuối năm 2023 tăng gần 98% so với năm 2022, đồng thời là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hay như số lượng của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước đó.

Theo vị chuyên gia, sự sửa đổi cơ bản về chính sách tiếp cận đất đai trong Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào nước ngoài, phần nào củng cố thêm niềm tin, sự lạc quan về việc gia tăng thu hút kiều hối và đầu tư kiều bào, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phân tích sâu hơn về "bước chuyển" trong thiết kế luật lần này, vị chuyên gia cho rằng, đã có sự thay đổi căn bản về tư duy, quan điểm luật pháp. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 xác định pháp lý của người sử dụng đất thông qua tiêu chí là nơi cư trú của người đó. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã thay đổi căn bản khi xác định địa vị pháp lý của người sử dụng đất thông qua quốc tịch, không còn xác định theo nơi cư trú. Theo đó, giữa cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận đất đai như nhau./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024