ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 09h00 02/05/2024

Nỗi sợ bị thay thế bởi AI đang ngày càng lớn

(KDPT) - Công nghệ đang ngày càng bao trùm trên mọi lĩnh vực đời sống. Những sở trường, những kỹ năng mà mỗi chúng ta phải rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm trong hàng nhiều năm giờ đây đã được những học máy AI xử lý một cách chuẩn xác trong khoảng thời gian ngắn. Từ ngạc nhiên, trầm trồ đến lo sợ khi viễn cảnh tương lai AI thay thế con người đang hiện rõ.

AI - Từ "bạn" liệu có hóa "thù"

Con người và AI đang có một cuộc chiến khốc liệt. (Ảnh minh họa)
Con người và AI đang có một cuộc chiến khốc liệt. (Ảnh minh họa)

Mới đây, tại nước Nga, cuộc khảo sát của ngân hàng VTB cho thấy, phần lớn người Nga tin rằng thế giới sẽ phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai gần, trong khi 39% lo ngại công việc của họ có thể bị thay thế bởi công nghệ, RT đưa tin.

Theo kết quả cuộc thăm dò được công bố hôm 18/4, 55% người Nga làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tin rằng AI có thể gây nguy hiểm cho công việc của họ.

Bên cạnh đó, 45% chuyên gia công nghệ thông tin và 44% những người làm việc trong lĩnh vực thương mại và ăn uống cũng có suy nghĩ tương tự.

Nghiên cứu của ngân hàng Nga chỉ ra, người lao động trong ngành vận tải (39%), y tế (38%), sản xuất (37%), giáo dục (34%) và xây dựng (31%) cũng lo ngại có thể bị thay thế bởi tự động hóa.

Hơn một nửa số người được hỏi (58%) lo ngại về khả năng AI vượt khỏi tầm kiểm soát, mặc dù 67% số người được hỏi tin rằng các ngành công nghiệp không thể phát triển nếu không có công nghệ đổi mới.

Trong số những người được khảo sát, 10% cho biết sẽ giao việc quản lý tài chính cá nhân cho AI. Dữ liệu nhận thấy chỉ 8% sẵn sàng giao phó mạng sống và sức khỏe của mình cho máy móc.

Năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, “cuộc cách mạng” AI có thể gây nguy hiểm cho 27% việc làm trong tương lai. Tổ chức có trụ sở tại Paris nêu trong Báo cáo Triển vọng Việc làm năm 2023: Dù hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy AI có thể gây ra gián đoạn đáng kể cho thị trường lao động, nhưng nhiều công việc vẫn đang gặp rủi ro.

Sự chuẩn xác của máy móc

Khi máy móc “thế chỗ”, thì vai trò của con người là thực hiện những công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo hoặc các yếu tố mà trí thông minh nhân tạo chưa đạt được.

Thay đổi đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của công nghệ 4.0 là máy móc sẽ thay thế con người trong khâu sản xuất. Nếu như trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, hệ thống tự động hóa chỉ có thể làm những công việc nặng như khuân vác, lắp ráp những bộ phận lớn, nặng nề thì giờ đây, máy móc có thể được lập trình để hoàn thành các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo như bàn tay con người.

Nỗi sợ bị thay thế bởi AI đang ngày càng lớn - ảnh 2

Hơn nữa, máy móc hoạt động vô cùng chính xác theo những gì được lập trình. Ví dụ như, nếu quy định độ dài sản phẩm là 10cm thì máy móc sẽ cắt gọt vừa đủ 10cm, không dư cũng không thiếu một li nào. Như vậy, áp dụng công nghệ 4.0 giúp sản xuất hàng loạt những sản phẩm có chất lượng đồng đều và chính xác. Đây là điều rất khó thực hiện được bởi sai số do con người là lớn hơn nhiều.

Tính chính xác của máy móc cũng giúp nhà sản xuất kiểm soát mọi chi tiết của sản phẩm.Chủ doanh nghiệp sẽ không sợ một công nhân nào đó sơ ý làm sản phẩm thiếu hụt hoặc dư thừa các chi tiết, tạo ra những sản phẩm sai lỗi và không thể sử dụng được. Không dừng lại ở đó, nhà sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh chi tiết sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng chỉ với vài thao tác thiết lập đơn giản.

Khi thay thế nguồn lực con người bằng máy móc và công nghệ, về lâu dài, nhà sản xuất có thể giảm được nhiều chi phí vận hành, cũng như làm giảm giá thành sản phẩm. Một robot có thể làm được khối lượng công việc của nhiều người cộng lại và làm việc với công suất cao.

Máy móc hiển nhiên có sức bền cao hơn con người. Các robot và máy tính có thể hoạt động hàng giờ liên tục không ngừng nghỉ, có thể làm việc trong lúc con người đi ngủ.Và robot cũng mắc ít sai lầm hơn, giảm thiểu tổn thất trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cũng không cần trả các khoản phí bảo hiểm lao động, tiền thường hoặc tiền bồi dưỡng lao động. Họ chỉ cần phí duy trì, bảo trì máy móc mà thôi.

Chúng ta sẽ không bị bỏ lại phía sau

Các chuyên gia cho rằng, đối với người lao động, nhận thức và cập nhật những kỹ năng hội nhập sẽ tạo một lợi thế bền vững cho sự nghiệp của bản thân khi ngành công nghiệp số sẵn sàng dùng máy móc thay thế con người. Người lao động phải tinh nhuệ, linh hoạt, sáng tạo, có tư duy hệ thống và biết cách “giải mã” thông tin.

Những người có kỹ năng “giải mã” tốt sẽ giúp tổ chức nâng cao khả năng đương đầu với các vấn đề mới vốn khó xác định trong một hệ thống công nghệ phức tạp. Số lượng lao động có kỹ năng phân tích, tư duy hệ thống và chuẩn hóa quy trình sẽ có cơ hội tham gia nhiều hơn.

Doanh nghiệp hiện nay ngày càng đòi hỏi một lực lượng lao động tinh nhuệ phản ứng thật nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, sẵn sàng ứng biến, đồng thời nghiên cứu phát triển sản phẩm, quy trình với những công nghệ từ tương lai. Bởi vậy, người lao động lập tức phải chuyển mình để nâng cao tính cạnh tranh trước sự ma sát không nhỏ của chuyển động 4.0.

Trong bối cảnh công nghệ hóa, tư duy hệ thống ngày càng trở thành một kỹ năng giúp “nâng giá” năng lực của các cá nhân. Người lao động cần biết kiên nhẫn trong quá trình học hỏi để đáp ứng lộ trình nghề nghiệp dài hơi của doanh nghiệp.

Thời đại công nghệ số không chỉ là một giai đoạn của sự thay đổi, mà còn là một cơ hội để xã hội hiện đại hóa và phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng triệt hạt những cơ hội này, chúng ta cần đối mặt với những thách thức và thích ứng với sự biến động nhanh chóng của công nghệ.

Sẵn sàng đối mặt với lỗi lo sợ, biến nguy thành cơ hội, nắm bắt lấy và mở ra một tương lai công nghệ số đem đến sự phát triển đổi mới, sáng tạo bền vững./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024