Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những tháng nửa cuối năm, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua đã ghi nhận nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Bên cạnh những trải nghiệm đẹp, cũng xuất hiện những hình ảnh, hiện tượng xấu xí trong hoạt động du lịch. Đơn cử, có nhà hàng hải sản cố tình không niêm yết giá bán rõ ràng cho từng món ăn, sau đó tính tiền giá cao cho khách. Hay “cò du lịch” có hành vi chèo kéo du khách đến một số điểm mua sắm, tham quan để hưởng “hoa hồng” khiến nhiều du khách bức xúc.

Từ phía du khách, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc không những làm ảnh hưởng đến chuyến đi của chính mình mà còn gây rắc rối, thậm chí nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng hoặc lan truyền thông tin không đúng, ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến du lịch như vụ việc cởi áo ngực chơi team building ở Cửa Lò. Hoặc có trường hợp dù không trực tiếp đi tham quan và thưởng thức đặc sản tại một nhà hàng ở khu du lịch, chỉ nghe người nhà kể lại, không kiểm chứng đã vội đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook cho rằng nhà hàng “chặt, chém” du khách. Sau đó, cơ quan chức năng ở địa phương đã kiểm tra, xác minh và kết luận đây là thông tin sai sự thật, người đăng tải thông tin này đã bị phạt vi phạm hành chính.

Những hành vi trên cho thấy ý thức, ứng xử giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách du lịch đôi chỗ còn lệch chuẩn. Điều này sẽ tạo ra tâm lý e ngại khi đi du lịch của du khách và sự lo lắng vì những việc “trên trời rơi xuống” của cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, thậm chí là cả địa phương có điểm du lịch.

Để giảm thiểu tình trạng này, ngay từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch với những quy định cụ thể, phù hợp từng đối tượng. Trong đó, với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, thông điệp được đưa ra là chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng. Các quy tắc ứng xử đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cũng được đề cập rõ như, tuân thủ pháp luật, quy định của địa phương trong kinh doanh du lịch, niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ, ứng xử đúng mực, không chèo kéo, đeo bám, nài ép khách du lịch, không có hành vi, thái độ phân biệt đối xử với khách du lịch...

Còn với du khách, Bộ Quy tắc nêu thông điệp là văn minh, tự trọng và trách nhiệm, với những yêu cầu như: Du khách tuân thủ nội quy, bảng chỉ dẫn khi đi du lịch, xếp hàng theo thứ tự; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và cộng đồng địa phương; ứng xử văn minh, thân thiện, vui chơi lành mạnh; không cố tình quay phim, chụp ảnh ở những nơi không được phép...

Bộ Quy tắc đã nêu rõ ràng, chi tiết những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Song, Bộ Quy tắc sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu như cùng với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan là tinh thần tự giác, chung tay thực hiện từ mỗi cơ sở kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch, ẩm thực, mua sắm cũng như mỗi du khách và cộng đồng dân cư tại điểm đến.

Việc ứng xử văn minh, thân thiện trong du lịch rất cần được đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch, cung ứng các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận tải, ẩm thực, mua sắm cũng như du khách chung tay, tự giác thực hiện để du lịch Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. Mỗi du khách từ việc ứng xử văn minh, tự trọng và trách nhiệm cũng sẽ góp phần tạo nên chuyến du lịch hoàn hảo cho chính mình.