Có thể nói, năm 2021, dịch Covid-19 đã “càn quét” cả nước, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội lẫn sinh mệnh người dân. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “không ai bị bỏ lại phía sau”, ngay trong lúc đỉnh điểm dịch, người dân cả nước nói chung và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã chia sẻ những bó rau, cân gạo, con cá… và đã đùm bọc, dìu dắt để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nguy khốn nhất. Tinh thần ấy đã giúp nhiều người dân gặp khốn khó do dịch Covid-19 có thể gượng dậy, nỗ lực vượt lên để phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.

Tuy nhiên, dù nhiều người hiện nay đã có công ăn việc làm, nhưng làn sóng dịch Covid-19 đã khiến nhiều người kiệt quệ và cần phải có thời gian mới có thể phục hồi. Thời điểm này, khi chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, rất nhiều người dân lại mang nỗi tâm tư: Làm sao để có một cái Tết đầm ấm, no đủ cho cả gia đình?.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước do dịch Covid-19, chính vì thế, dịp Tết Nhâm Dần 2022 này, Thành phố đã nỗ lực tối đa để chăm lo, chia sẻ với người dân; đảm bảo một cái Tết an vui, đầm ấm nhất có thể đến với từng người, từng nhà. Dù ngân sách có nhiều khó khăn, song Thành phố vẫn dành khoảng 900 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2022, tăng 100 tỷ đồng so với năm trước. Các diện chăm lo năm nay, ngoài số hộ nghèo và cận nghèo trên, cũng đã được mở rộng hơn, như các gia đình có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tử vong; gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thân nhân tử vong vì Covid-19…

Để tập trung hỗ trợ người nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 đón Tết, dịp Giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay TP Hồ Chí Minh và cả nước sẽ không tổ chức bắn pháo hoa.

Trong khi đó, để đảm bảo “không ai thiếu Tết” và có điều kiện đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh dự kiến dành khoảng 207 tỷ đồng để chăm lo cho người dân, đồng thời phối hợp cùng Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Hội Nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh cùng hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bằng chuỗi chương trình “Siêu thị mini Tết 0 đồng”.

Không chỉ có người dân bị khó khăn, đợt dịch vừa qua, cả thành phố đã có 2.208 trẻ em mồ côi vì Covid-19; trong đó có 115 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và hơn 383 người già phải sống trong cảnh neo đơn khi người thân mất vì Covid-19… Chính vì vậy, sự chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị là rất đáng quý khi cùng chính quyền Thành phố chăm lo Tết cho những người yếu thế này, để họ có thể đón một mùa Xuân an lành, ấm áp bên gia đình.

Không riêng Thành phố Hồ Chí Minh, với phương châm “Tất cả mọi người đều có Tết”, các tỉnh, thành khác chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19 như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng đã và đang vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng góp sức hỗ trợ cho những người gặp khó khăn, người yếu thế cùng đón một cái Tết ấm áp và sum vầy.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng…); người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch Covid-19… để thăm hỏi, quan tâm, kịp thời hỗ trợ hoặc tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Tết Nguyên đán trong mỗi gia đình Việt là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, khi mà sau một năm làm lụng vất vả, mọi người trong gia đình có thể tụ họp, quây quần về bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn, thức uống ngon nhất… Đây có thể được xem là thời gian đầm ấm, hạnh phúc nhất của mỗi gia đình. Do vậy, Tết đối với nhiều gia đình khó khăn cũng đã trở thành một nỗi lo, nhất là khi vừa trải qua cơn đại dịch Covid-19.

Dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau như anh em cùng trong “bọc trăm trứng” và tinh thần ấy càng phát huy mạnh mẽ mỗi khi đất nước hay địa phương nào đó gặp hoạn nạn. Bởi thế, ngay lúc này, rất cần nhiều bàn tay của những nhà hảo tâm, sự chia sẻ của những “lá lành” để giúp những “lá rách” có một cái Tết vui tươi và ấm áp hơn. Đó cũng là tấm lòng, là hơi ấm của đồng bào cùng hướng về nhau, cùng chăm lo cho nhau và cũng là văn hóa của người Việt Nam trong hàng ngàn năm qua.

MINH TUYẾT

Bạn đang đọc bài Để người khó khăn có Tết
tại chuyên mục Góc nhìn.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Theo nguồn link gốc: https://baotintuc.vn/goc-nhin/de-nguoi-kho-khan-co-tet-20220109113739568.htm