Vừa qua, trao đổi với báo chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thị trường châu Âu đã mở cửa nhờ những thành quả của Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), tuy nhiên nông sản của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đó hay không, chuẩn thị trường là câu chuyện từ phía chúng ta. Không chỉ cứ sản xuất mang đi bán mà phải xuất phát từ chuẩn nhu cầu để sản xuất ra. Đây là điều mà bộ NN&PTNT cũng mong muốn các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tổ chức lại ngành hàng và chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao của thị trường châu Âu. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn hóa được điều này mới hiện thực hóa được giấc mơ đưa nhiều nông sản hơn, giá trị hơn, độ phủ cao hơn ở các 27 quốc gia của EU.

Trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu tới 39 thị trường trên toàn thế giới.

Châu Âu đang đón nhận ngày càng nhiều các nông sản từ Việt Nam.

"Tâm tư" của Bộ trưởng cũng đã nêu lên thực trạng nông sản Việt vẫn còn gặp khó khi tìm đường vào châu Âu mà phần lớn nguyên nhân đến từ chính các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường 27 nước EU năm 2021 đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 12% tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy vậy, nếu xét riêng từng nhóm mặt hàng theo mã HS có thể thấy, vị trí về giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam tại thị trường EU còn khá nhỏ bé. Cụ thể, ca cao và các chế phẩm từ ca cao- HS 18 xếp thứ 65; rau ăn được và một số loại rễ, củ- HS 07 xếp thứ 59; các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các bộ phận khác của cây - HS 20 xếp thứ 34; chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa, sản phẩm bánh ngọt- HS -19 xếp thứ 27… Chỉ nhóm mặt hàng cà phê, trà, maté và gia vị- HS 09 có vị trí đáng kể trên thị trường EU, xếp thứ 5.

Xét theo tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do thì tỷ lệ của tận dụng của Hiệp định EVFTA ở mức trung bình, khoảng 20%.

Theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2022, ông Đinh Sỹ Lăng - Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Hiệp định EVFTA dù có nhiều ưu đãi hấp dẫn nhưng chưa tác động thực sự mạnh mẽ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU. Trong đó đáng kể nhất là tình trạng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nguyên nhân này chiếm tới 33,33%.

Bên cạnh đó, các đối tác EU không cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu; doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện dù có chứng nhận xuất xứ; không được cấp chứng nhận xuất xứ dù hàng hoá đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Một nguyên nhân nữa, một số nông sản Việt Nam hiện vẫn đang hưởng thuế MNF và GSP từ EU khi xuất khẩu sang thị trường này nên doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Về giải pháp, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như dán nhãn CE, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý tới đặc điểm và xu hướng tiêu dùng tại thị trường này.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ cũng đồng thời lưu ý, EU có 27 quốc gia thành viên, tính cách đặc điểm tiêu dùng của từng nước cũng khác nhau. Chẳng hạn, người Đức không thích sử dụng đồ nhựa và thích dùng đồ gỗ; thích ăn thuỷ hải sản hơn thịt, chỉ dùng những sản phẩm đóng gói có ghi rõ họ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và sử dụng, mã số và mã vạch; người Hà Lan ưa sản phẩm mới lạ, sản phẩm tươi sống được đóng gói nhỏ có khả năng bảo quản lâu; người Italia chú trọng vào chất lượng trước, sau đó là đa dạng, phong phú chủng loại sản phẩm; người Pháp có tâm lý trung thành với nhãn hiệu ưa thích và chịu ảnh hưởng marketing mạnh mẽ của các thương hiệu toàn cầu có hương vị đặc trưng và hình ảnh quảng cáo hấp dẫn… Do vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận, sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu.

Còn theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU khuyến cáo đến các doanh nghiệp: "Tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hoá. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài do trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay, nó trở thành quy định. Do vậy, đây là xu thế tất yếu trong tương lai".

Với mặt hàng nông sản thực phẩm, theo ông Trần Ngọc Quân, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất, theo Luật Thực phẩm chung, tất cả thực phẩm được bán trên thị trường Liên minh Châu Âu phải an toàn. Thứ hai, quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư.

Đặc biệt, các doanh nghiệp khi hợp tác với châu Âu cần lưu ý đến chính sách Green Deal trong nông nghiệp và chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork). Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận xanh Châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng đặt mục tiêu của đề án năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%.

Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%.