Thế giới bất ổn, Việt Nam khó tránh tác động

Trong năm 2022, lạm phát toàn cầu đạt mức 9.5 %, tăng trưởng kinh tế giảm còn 2,9%. Hàng loạt Ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất từ 0% lên 4.5%. Kéo theo tỷ giá đồng Đô la Mỹ tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh tổng quan của đồng Đô la Mỹ có lúc tăng lên mức 115 điểm (tăng gần 18% so với đầu năm 2022). Việc lãi suất USD tăng lên đã tạo ra chu chuyển vốn toàn thế giới bắt đầu quay về Mỹ, khiến đồng tiền của nhiều quốc gia bị mất giá mạnh, buộc các Ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Điều này một mặt giúp chống lạm phát, mặt khác để hỗ trợ đồng nội tệ không bị mất giá thêm. Những điều đó đã buộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hai lần tăng lãi suất với lưu lượng tổng thể là 2% giúp đồng VND từ chỗ mất giá mạnh trên 9% nay đã trở về mất giá khoảng 4%. Về lạm phát năm 2022, Việt Nam kiểm soát được CPI dưới 4 % là nhờ Chính phủ đã áp dụng các giải pháp tổ chức lưu thông hàng hóa có hiệu quả, đồng thời áp dụng các chính sách thuế linh hoạt cho các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng giá mạnh như xăng dầu, điều tiết có lộ trình trên thị trưởng hóa giá các mặt hàng y tế, giáo dục... Tăng trưởng kinh tế trong nước đạt trên 8%, thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Động lực chính cho tăng trưởng trong năm qua của kinh tế Việt Nam nhờ vào đầu tư công và xuất khẩu. Về thị trưởng tài chính, năm 2022 có thể nói đã có nhiều biến động. Nổi lên là hiện tượng vi phạm pháp luật trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả hình sự, để chấn chỉnh và lấy lại niềm tin của thị trường. Điều này cũng có ảnh hưởng lan rộng quá thị trưởng tiền tệ, tạo khó khăn cục bộ về thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đây là bài toán cần được tìm lời giải trong năm 2023 và các năm tiếp theo giữa việc cân đối, hài hòa phát triển giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Về thị trường bất động sản, việc tăng trưởng nóng của thị trường này trong các năm vừa qua đã tích tụ rủi ro giữa cung và cầu. Đặc biệt là việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến vi phạm. Đó là chưa kể còn những bất cập trong khuôn khổ pháp lý cũng như năng lực đạo đức của một số cán bộ quản lý. Những vướng mắc về thủ tục pháp lý do có sự chồng luật và tâm lý cố thủ, ngại vi phạm của cán bộ thừa hành cũng đã được nhận diện và Chính phủ đã có giải pháp chỉ đạo xử lý.

Triển vọng tích cực của năm 2023

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, mức độ liên thông với nền kinh tế thế giới cao nên các tác động từ kinh tế toàn cầu vào Việt Nam là khá lớn. Dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 của thế giới là 9%, năm 2023 sẽ giảm xuống còn 1.8% (tháng 9/2022 dự báo là 6%). Một số nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng trưởng GDP từ 2% xuống còn 0.1%, Nhật Bản từ 1,4% xuống còn 1%, khu vực châu Âu từ 1.2% xuống âm 0.3%, Trung Quốc ngược lại từ 1% năm 2022 lên 4.3% năm 2023. Một số nền kinh tế của châu Á dự báo tăng trưởng như Ấn Độ từ 6.3% xuống 6.2%, Indonesia từ 5.1% xuống 4.4%, Hàn Quốc từ 6% xuống 0.6 %, Philippines từ 7.5% xuống 4.7%, Singapore từ 3.8% xuống 2,5%. Lạm phát toàn cầu năm 2022 dự báo là 9.5% sẽ giảm xuống còn 5.2% trong năm 2023. Nhìn chung các nước trên thế giới đều giảm lạm phát trong năm 2023 so với 2022. Mỹ từ 8.1% xuống 3.7%, Nhật Bản từ 5% xuống 2.3%, khu vực châu Âu từ 8.4 % xuống 6%, Trung Quốc ngược lại từ 2% lên 2.2 %. Có hai câu hỏi liên quan trên thị trường tài chính quốc tế là liệu tỷ giá đồng với USD đã đạt đỉnh hay chưa và lãi suất đồng đô la Mỹ sẽ đạt đỉnh ở đâu, lúc nào? Nếu dự báo lạm phát Mỹ như trên là chính xác thì lãi suất USD sẽ đạt đỉnh vào quý 1/2023 ở mức 5% do đó có thể dự báo Fed sẽ giảm lãi suất vào quý 3/2023. Về tỷ giá đồng USD, lạm phát thấp xuống dẫn đến lãi suất thấp xuống. Đó là điều kiện cần để tỷ giá USD giảm xuống. Nhưng điều kiện đủ là môi trường và các điều kiện tài chính đề đầu tư ở châu Âu và châu Á có đủ sức hấp dẫn để kéo đồng USD ra khỏi môi trường đầu tư Mỹ vốn có lãi suất 4% đến 5%. Nhìn chung, năm 2023 lãi suất hầu hết đã đạt đỉnh và từng bước giảm xuống, tỷ giá có thể tăng thêm trong quý 1/2023 nhưng sau đó giảm xuống, các đồng nội tệ sẽ tăng giá. Với bối cảnh chung của thị trường thế giới như đã phân tích ở trên thì có thêm dữ liệu để dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Về lạm phát, có rất nhiều khả năng kiểm soát dưới 4.5% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khủng hoảng về năng lượng xảy ra ở nhiều nước là nhân tố đẩy lạm phát lên cao. Trái lại, Việt Nam có trụ đỡ vững chắc là nền nông nghiệp đa dạng, phong phú không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu nội địa mà còn có khả năng xuất khẩu, năm 2022 dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp lâm thủy sản đạt trên 50 tỷ USD. Yếu tố thứ hai khá quan trọng là điều hành giá theo một cơ chế rất linh hoạt vừa theo thị trường vừa có sự can thiệp của Nhà nước để đạt được hài hòa lợi ích của các chủ thể trong thị trường. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thực là khá cao giúp kiểm soát lạm phát, mặc dù sắp tới cần phấn đấu giảm xuống. Một yếu tố nữa đó là nhập khẩu lạm phát, qua năm 2023 như dự báo đồng USD không còn khả năng tăng mạnh nữa, bắt đầu một chu kỳ giảm giá, kết hợp với lạm phát toàn cầu giảm thấp sẽ loại trừ yếu tố nhập khẩu lạm phát.Về lãi suất, hiện nay Việt Nam là nước có lãi suất thực khá cao. Điều này giúp chống lạm phát. Đó là yếu tố tích cực. Nhưng nếu để lãi suất danh nghĩa quá cao so với lạm phát thì sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Dự báo trong năm 2023 lãi suất VND sẽ thấp xuống khoảng 2%. Về tỷ giá giữa USD/VND, có hai nhóm nhân tố tác động đến tỷ giá. Nhóm thứ nhất là các chỉ số kinh tế vĩ mô như trên như lạm phát, chênh lệch lãi suất. Các chỉ số này hiện nay hỗ trợ cho đồng VND không mất giá. Nhóm thứ hai là cung cầu thị trưởng ngoại tệ. Cung cầu ngoại tệ xuất phát từ cán cân thanh toán quốc tế trong năm 2022, xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn do tổng cầu kinh tế suy giảm thương mại thế giới dự kiến chỉ tăng 1% nhưng nếu lãi suất USD đạt đỉnh và tỷ giá đồng USD từng bước giảm xuống trên thị trường quốc tế thì các dòng vốn đến Việt Nam sẽ tăng lên kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Do đó dự báo tỷ giá USD/ VND tăng quanh mức lạm phát của Việt Nam. Về tăng trưởng kinh tế, đầu tư công có thể xem là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo kế hoạch đã thông qua, năm 2023 tổng số vốn đầu tư công được giao là hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Cần tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải ngân lượng vốn đầu tư rất lớn này sẽ đảm bảo tăng trưởng GDP ít nhất là 6.5 %. Bên cạnh đầu tư công, cần linh hoạt trong hoạt động xuất khẩu, khai thác lợi thế từ các hiệp định FTA đã ký kết, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ít nhất là 10%. Cũng cần thúc đẩy tăng đầu tư tư nhân và có các chính sách phát triển tiêu dùng nhằm góp phần đưa tăng trưởng kinh tế lên cao. Về thị trường tài chính, cần chấn chỉnh trong quá trình tái cơ cấu, đảm bảo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ giám sát thị trường vững về chuyên môn, trong sáng về đạo đức. Mạnh dạn nghiên cứu thị điểm cơ chế giám sát thị trường tài chính hợp nhất, tránh tình trạng trên thị trường tài chính “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

T.S TRƯƠNG VĂN PHƯỚC
Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng