Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vùng đất được hình thành do sự bồi đắp lấn biển tự nhiên của sông Hồng và sông Đáy, điều này đã giúp cho xã Yên Cường có điều kiện phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp với các loại cây trồng chủ đạo như lúa nước, lạc, ngô, khoai…. Không những thế, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, Yên Cường còn đang phát triển mạnh lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Hiện nay, bức tranh tổng thể về kinh tế của xã đang trên đà phát triển, hội nhập rất mạnh với nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước.

Giao thông thuận lợi góp phần phát triển kinh tế.

Vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa

Trong “Từ điển những nhân vật lịch sử Việt Nam” của NXB Khoa học xã hội có nhắc đến một nhân vật lịch sử của vùng đất Yên Cường. Đó là Tiến sĩ Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh.

Cụ Khiếu Năng Tĩnh sinh năm Ất Mùi (1835), ở thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, là cháu đời thứ 11 của Trạng nguyên Phụ quốc Thượng tướng quân Khiếu Đình Tuân thời Mạc. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Khoa thi năm Canh Thìn (1880), cụ trải nhiều trọng trách trong triều Nguyễn: Đốc học Nam Định, Đốc học Hà Nội, Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, Tư nghiệp, rồi Tế tửu Quốc Tử Giám. Không chỉ đóng góp về chính trị, văn hóa, đào tạo hiền tài, Khiếu Năng Tĩnh còn là một nhà thơ, nhà văn, biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị về văn học, lịch sử, địa lý, Hán Nôm… Thông qua các tác phẩm, đặc biệt là phần văn, thơ, cụ đã thể hiện nhân cách sống cao cả, khí phách hiên ngang trước thời cuộc, phê phán cách sống cầu an, thậm chí bán nước cầu vinh của một số người trong triều đình và ngoài xã hội đương thời. Sau khi Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh qua đời (1915), con cháu dòng họ và học trò đã tu sửa ngôi nhà của ông thành nơi thờ tự.

Được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ, hiện nay khu lăng mộ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh đã được mở rộng, làm đường vào lăng mộ khang trang. Tại từ đường Khiếu Năng Tĩnh, hằng năm diễn ra lễ kỵ vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch. Trong những ngày này, con cháu sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích; qua đó, phát động khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài.

Không những giàu truyền thống về văn hóa, đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Thời kỳ chống Mỹ, địa bàn xã Yên Cường là nơi bố trí các trận địa tên lửa bảo vệ bầu trời phía nam thủ đô Hà Nội. Để có thể bảo vệ các trận địa tên lửa này, hầu như toàn bộ người dân ở đây đều được huy động để xây dựng các ụ bố trí pháo, hệ thống hầm hào giao thông và các công trình khác phục vụ chiến đấu. Cũng tại nơi đây, vào những năm từ 1968 –1972 đã từng chứng kiến những trận đánh bom của đế quốc Mỹ nhằm phá hoại nền kinh tế miền Bắc, ngăn chặn nhân dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm tháng chiến đấu không cân sức ấy, rất nhiều người lính và cả những người dân vô tội đã ngã xuống. Hiện nay tại nghĩa trang liệt sỹ của xã vẫn còn những nấm mồ vô danh chứa đựng hài cốt của những người chiến sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cấn, quân không thiếu một người”, qua các cuộc chiến đấu chống Pháp rồi chống Mỹ, nhân dân xã Yên Cường đã động viên và tiễn đưa hàng ngàn thanh niên lên đường tham gia tòng quân bảo vệ tổ quốc, trong số đó có hơn 200 người con ưu tú đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Theo thống kê, tuy dân số của toàn xã không phải là đông nhất nhưng số lượng các liệt sỹ của xã lại chiếm vị trí số 2 trong toàn huyện Ý Yên. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn ghi nhận và tri ân công lao của 19 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của xã. Hiện trên toàn xã, đối tượng các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và thương bệnh binh cũng lên tới con số hơn 500 người.

Để tỏ lòng ghi nhớ công ơn và tri ân những người đã không tiếc máu xương mình để bảo vệ Tổ quốc, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được các cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc và triệt để, đặc biệt trong những dịp lễ, tết và ngày 27/7. Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước, chính quyền xã cũng đã vào cuộc vận động ủng hộ và triển khai xây dựng được gần 200 căn nhà cho các đối tượng gia đình chính sách và người có công. Có thể nói Yên Cường là địa phương đứng đầu trong huyện Ý Yên về việc triển khai thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Nếu như trước đây Yên Cường là một xã có chất lượng giáo dục ở mức thấp và trung bình, thì trong những năm gần đây chỉ số này đã thay đổi nhờ sự quan tâm, động viên và khích lệ của các cấp chính quyền thông qua những hoạt động văn hóa, hội thảo, tọa đàm nhằm khơi gợi về truyền thống hiếu học của quê nhà, thông qua các quỹ hỗ trợ khuyến học khuyến tài và các hoạt động xã hội hóa khác. Vì những lý do đó nên thời gian qua chất lượng giáo dục của Yên Cường đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Càng ngày tỷ lệ đỗ Đại học và vào các trường chất lượng cao của những học sinh quê hương Yên Cường càng chiếm tỷ lệ cao. Điều này cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dân trí, cải thiện được các điều kiện văn hóa xã hội. Hiện nay, chất lượng đào tạo của cả ba ngành mầm non, tiểu học và THCS của Yên Cường đều đứng top đầu của huyện Ý Yên. Ngoài ra, trong các phong trào thi đua về văn nghệ và thể thao quần chúng của Yên Cường thì cũng không có địa phương nào trong huyện sánh bằng.

Nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang

Là một trong những xã đầu tiên của huyện Ý Yên hoàn thành các chỉ tiêu về chuẩn xây dựng nông thôn mới ngay từ năm 2014, hiện nay cơ sở hạ tầng của xã đã được hoàn thiện hiện đại và đồng bộ, góp phần đáng kể vào việc thúc đấy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Triển, Chủ tịch UBND xã Yên Cường, cho biết: Ngay từ năm 2014, xã đã đạt chuẩn 19 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới và là một trong bốn xã đầu tiên của huyện Ý Yên hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới sớm nhất, qua đó đã thay đổi được diện mạo của xã, từ cơ sở hạ tầng đến các điều kiện, chỉ tiêu phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã còn đóng vai trò chủ đạo chiếm tỷ lệ cao với hơn 300 ha trồng cây rau màu thì hiện nay việc phát triển kinh tế theo hướng thương mại và dịch vụ lại chiểm tỷ lệ cao trong cơ cấu nền kinh tế của xã. Với hệ thống đường giao thông thuận lợi cùng với sự năng động của người dân nơi đây, hiện nay bộ mặt nông thôn của Yên Cường đã thay đổi rõ rệt, nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 20%, còn lại 80% là sự đóng góp của công nghiệp và thương mại dịch vụ trong tổng thể phát triển nền kinh tế địa phương. Hiện Yên Cường cũng đang triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ với sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Đây cũng chính là sản phẩm chủ đạo để cụ thể hóa chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm – OCOP” mà Chính phủ đang phát động.

Ông Nguyễn Văn Triển – Chủ tịch UBND xã Yên Cường.

Đảng ủy và các cấp chính quyền của Yên Cường đã xác định: Sau khi tập trung hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông mới thì mục tiêu tiếp theo sẽ là tập trung cao độ vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sồng văn hóa tinh thần, đầu tư vào việc phát triển hệ thống y tế và giáo dục để mọi người dân đều được hưởng lợi. Tiêu chí về nông thôn mới có nâng cao thì đời sống tinh thần và thu nhập của người dân cũng sẽ phải nâng cao. Đó là mục tiêu và cũng là động lực để Đảng bộ và nhân dân xã Yên Cường cùng nhau cố gắng phấn đấu, nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

TRƯỜNG MINH