Sau khi điều chỉnh lạm phát, giá lương thực bình quân 11 tháng năm 2021 cao nhất trong 46 năm.

Giá lương thực toàn cầu tăng cao nhất trong vòng 10 năm.

Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp giá lương thực thế giới tăng, trong bối cảnh cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 11 tăng 3,1% so với tháng trước đó và cao hơn tới 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá lúa mỳ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.

Chỉ số giá các sản phẩm từ sữa ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất, tăng 3,4% so với tháng 10. Giá đường toàn cầu trong tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số giá thịt tháng 11 giảm 0,9% so với tháng trước đó và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số giá thịt giảm. Giá dầu thực vật cũng giảm 0,3%.

Cũng trong báo cáo này, FAO hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021, cho rằng năm nay sản lượng ngũ cốc ước tính chỉ đạt 2,791 tỷ tấn, so với mức ước tính 2,793 tỷ tấn đưa ra tháng trước.

Nga, nhà sản xuất lúa mì lớn đã tăng thuế xuất khẩu lúa mì trong năm nay để khuyến khích việc giữ nguồn cung trong nước. Giá lúa mì cao trong năm 2011 (do hạn chế xuất khẩu gây ra bởi hạn hán năm 2010 ở Nga) đã dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự lớn (như sự kiện “Mùa xuân Ả Rập”). Giá lương thực cao hiện nay kết hợp với đại dịch đang diễn ra, sẽ làm cho nguồn cung cấp lương thực toàn cầu rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc thời tiết khắc nghiệt vào năm 2022.

Giá lương thực rất phức tạp, với thời tiết, chính sách nhiên liệu sinh học, chính sách thương mại, chính sách dự trữ ngũ cốc và điều kiện tài chính quốc tế biến động đều là những yếu tố quan trọng. Giá nhiên liệu cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và giá phân bón cao đều là nguyên nhân dẫn đến giá lương thực toàn cầu cao như hiện nay. Giá phân bón toàn cầu đã tăng 80% trong năm nay, đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nguyên nhân chính của giá cao hiện nay bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan (đặc biệt là đợt lạnh tháng 2 ở Texas và cơn bão Ida vào tháng 8), làm gián đoạn sản xuất phân bón của Mỹ và chi phí khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu, một thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón). Theo CF Industries, một nhà sản xuất phân bón lớn, tình trạng thiếu phân bón có nguy cơ làm giảm thu hoạch ngũ cốc vào năm 2022.

Trong năm qua, sản lượng thu hoạch sụt giảm, trong khi nhu cầu gia tăng, khiến giá các mặt hàng nông nghiệp tăng “phi mã.”

QUANG ĐỨC