Tương lai của ngành fintech tại thị trường Đông Nam Á ra sao?
Trong thời gian qua, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện được khả năng phục hồi mạnh mẽ. Tương tự như các khu vực khác, Đông Nam Á đã hứng chịu đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, khiến cho nhiều công ty phải đóng cửa, hàng loạt vụ tấn công mạng xảy ra cùng nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các quốc gia tại Đông Nam Á vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Theo dự đoán, tổng giá trị giao dịch của thị trường thanh toán số tại Đông Nam Á trong năm nay có thể đạt 287,20 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng đảm bảo an ninh trong những giao dịch dựa trên Internet và sự thuận tiện cho khách hàng cũng như sự hòa nhập của những người không có dịch vụ ngân hàng và những người vẫn chưa được phục vụ đầy đủ.
Dễ dàng thấy được, fintech đã đóng góp đáng kể trong quá trình tăng trưởng kinh tế, tài chính toàn diện tại Đông Nam Á. Nó cũng đã thách thức các tổ chức tài chính truyền thống bằng các công nghệ tiên tiến như AI, blockchain và phân tích dữ liệu.
Quá trình chuyển đổi thanh toán số cũng đã hợp lý hóa các quy trình, đồng thời giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Fintech hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy hiểu biết về tài chính bằng các nền tảng khác nhau. Đồng thời, ngành tài chính số cũng quan trọng với nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Nhiều người nhận định, đây chính là thời điểm chín muồi để đầu tư vào fintech, đồng thời mở ra cơ hội cho các giải pháp thanh toán an toàn và đổi mới.
Quả thực, Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho Fintech khi đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong mảng này nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân số liên tục mở rộng và tầng lớp trung lưu tăng mạnh mẽ. Trước đó, ở những nền kinh tế mới nổi của khu vực Đông Nam Á, tài chính truyền thống chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu người dùng, tạo ra nhiều khoảng trống để Fintech có thể lấp đầy thông qua những sáng tạo đổi mới.
Đông Nam Á được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030, chỉ sau EU, Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, khu vực này tự hào sở hữu một nhóm dân số trẻ, luôn sôi nổi trong việc nắm bắt công nghệ. Chưa kể, quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại các vùng nông thôn, thu nhập hộ gia đình không ngừng tăng lên cũng thúc đẩy loạt thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, lĩnh vực fintech tại khu vực Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, điều này ảnh hưởng tới sự phát triển, bao gồm cả việc cấp vốn cho những công ty khởi nghiệp công nghệ cũng định giá cổ phiếu.
Những thách thức tại thị trường Đông Nam Á
Theo Báo cáo eConomy SEA 2023, Đông Nam Á đã phải đối mặt với nhiều trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu trong vòng hơn 1 năm, trong đó có việc lãi suất cao. Cũng theo nghiên cứu, lạm phát đã giảm xuống 3% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) duy trì trên 4%, niềm tin của người tiêu dùng trong nửa cuối năm 2023 đã phục hồi.
Đáng chú ý, Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã nêu bật một số vấn đề đang gây tổn hại tới nhiều ngành công nghiệp fintech, cụ thể như sau:
Căng thẳng địa chính trị
Dù nhiều năm trôi qua, thế giới vẫn đang đứng bên bờ vực hiểm nguy với nhiều cuộc xung đột xảy ra. Những căng thẳng này đã và đang gây tổn hại đến hoạt động đầu tư, dẫn đến những bất ổn trên thị trường chứng khoán; cũng gây ảnh hưởng đến việc định giá, sáp nhập cũng như mua lại.
Chưa kể, việc xung đột còn gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng hóa mà khách hàng đã thanh toán trực tuyến, khiến chúng không được đảm bảo đến tay người dùng, vì thế mà chi phí kinh doanh cũng tăng lên.
Tấn công mạng
Từ khi Đông Nam Á bắt đầu chuyển đổi số, nguy cơ mất tiền cũng như dữ liệu trực tuyến ngày càng tăng cao. Nhiều cuộc tấn công mạng mới nổi, trong đó có cả các mối đe dọa ransomware cùng với lừa đảo trực tuyến và nhiều mối đe dọa khác.
Thông thường, các ứng dụng fintech sẽ yêu cầu quyền truy cập vào thông tin chi tiết trước khi tiến hành xử lý giao dịch, thế nên việc giữ an toàn cho dữ liệu tài chính và cá nhân là điều vô cùng cần thiết.
Lãi suất/suy thoái kinh tế
Để giải quyết những khó khăn kinh tế nội bộ của Mỹ, Fed đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất. Quyết định này đã đẩy giá cả khắp khu vực ĐNA tăng lên. Ngoài ra, chi phí năng lượng và sản xuất tăng, giá cả tăng cao càng khiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt thêm trầm trọng.
Do đó, các nhà đầu tư cũng ngày càng thận trọng trong việc ‘đổ tiền’ vào lĩnh vực fintech. Thay vào đó, họ quyết định giữ lại tiền, chuyển sang những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hoạt động tốt cùng nguồn vốn phù hợp. Đặc biệt, những doanh nghiệp mới này phải có lãi, có lãnh đạo giỏi, có mục tiêu thực hiện những chính sách môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Lao động thiếu hụt
Thực tế cho thấy, ngành công nghệ vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài, chỉ có một số công nhân mới có thể quản lý những hệ thống trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. Kết quả một nghiên cứu cho thấy, dù các công ty CNTT toàn cầu liên tục sa thải nhiều nhân viên trong thời gian gần đây, các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những chuyên gia công nghệ, bởi họ khó có khả năng đưa ra được mức lương cạnh tranh.
Những xu hướng nào định hình tương lai ngành fintech năm 2024 tại Đông Nam Á?
Bên cạnh những khó khăn đã đề cập ở trên, ngành fintech tại Đông Nam Á vẫn có nhiều tiềm năng phát triển, cung cấp những ứng dụng thanh toán hiệu quả và thuận tiện hơn.
Cụ thể, Báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới năm 2024 của Liên Hợp Quốc (United Nations World Economic Situation and Prospects Report for 2024), cho thấy GDP toàn cầu sẽ giảm từ mức 2,7% năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm nay. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ trải qua thời kỳ suy thoái vừa phải, năm 2024 sẽ giảm 0,3% xuống còn 4,6%. Vì thế, dù các khoản đầu tư có thể giảm trên diện rộng, nhưng vẫn có hi vọng về việc các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng nguồn vốn sang những lĩnh vực định hướng bền vững như năng lượng xanh.
Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp lực lượng lao động ổn định hơn khi đóng vai trò là công cụ hỗ trợ và là động lực để hợp lý hóa các hoạt động. AI có thể giúp giảm lượng khí thải carbon thông qua việc đảm nhận một số vai trò và phân tích dữ liệu nhằm cải thiện dịch vụ fintech của khách hàng.
Đồng thời, fintech còn có thể góp phần chống biến đổi khí hậu khi tạo ra các nền tảng/ ứng dụng để bù đắp lượng tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, các công nghệ như blockchain có thể hỗ trợ lưu trữ hồ sơ, tuy nhiên phải sử dụng theo cách không gây hại cho môi trường. Trong bối cảnh các ngân hàng và tổ chức tài chính đã và đang chuyển từ hệ thống truyền thống sang hệ thống kỹ thuật số, ngành này cũng sẽ tăng cường tự động hóa, đồng thời sử dụng AI nhằm thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn.
Loạt chính sách xuyên biên giới giúp hài hòa hóa các quy định, từ đó tạo điều kiện để nhiều công ty mở rộng sang các thị trường mới, thực hiện việc mua bán hàng hóa và dịch vụ đang ngày càng gia tăng. Bối cảnh fintech với nhiều hứa hẹn về lâu dài, trong khi các nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền khi có nhiều giải pháp để đổi mới và phát triển./.
- Thách thức và xu hướng của ngành Fintech tại Đông Nam Á trong năm 2024
- Giải bài toán nguồn lực để thúc đẩy sandbox cho fintech
- Cơ hội cho những start-up mới trong lĩnh vực fintech