Startup công nghệ đang tuyển dụng như thế nào?
Báo cáo "Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2024" của Glints - nền tảng tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, đã nhận định về xu hướng tuyển dụng mới của các startup công nghệ.
Theo báo cáo này, năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự tác động của làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ được kéo dài từ năm 2022. Các startup công nghệ khu vực Đông Nam Á đương nhiên cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng này.
AI len lỏi vào từng hoạt động
Các công ty khởi nghiệp trong khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề gọi vốn, bài toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự có năng lực cao. Glints nhận định, các nhà sáng lập đang liên tục đổi mới chiến thuật để thích ứng với hiện thực mới và nắm bắt cơ hội phát triển, như việc triển khai áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc, tuyển dụng nhân tài đa nhiệm, có khả năng thích ứng linh hoạt trước những thay đổi.
Phân tích về xu hướng lương cho nhân tài công nghệ và phi công nghệ (tech và non-tech) trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, chỉ ra rằng dù nhu cầu về nhân sự cấp cao có chuyên môn cho vị trí kỹ sư vẫn lớn, nhưng mức lương dành cho vị trí này lại giảm mạnh nhất. Có 41% startup cắt giảm ngân sách tuyển dụng và 26% startup tăng chi phí tuyển dụng trong năm 2024.
Các lý do cho việc giảm ngân sách tuyển dụng là: 43% công ty cho biết họ thiếu nguồn vốn; 16% vì doanh số bán hàng; 14% do thay đổi kế hoạch tuyển dụng. Đáng chú ý có tới 78% startup vẫn có nhu cầu tuyển dụng và họ đòi hỏi nhân sự chuyên môn cao hơn nhằm thúc đẩy mở rộng và đổi mới.
Các công ty khởi nghiệp luôn săn đón chuyên gia công nghệ, chủ yếu đưa vào các vị trí sản phẩm và kỹ sư. Những vị trí góp phần thúc đẩy doanh thu như marketing (tiếp thị) và PR (quan hệ công chúng), phát triển kinh doanh và bán hàng đều được đẩy mạnh tuyển dụng. Báo cáo của Glints còn cho thấy AI đang tác động mạnh tới các startup, mở ra nhiều cơ hội mới cho cả nhân lực công nghệ và phi công nghệ.
Khi tích hợp AI vào quy trình làm việc, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện hay cộng tác sẽ tạo ra những kỹ năng quan trọng cho tất cả nhân sự. Những kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, tư duy phản biện càng được ưu tiên trong kỷ nguyên AI.
Các nhà sáng lập cũng nhận thức được mối lo ngại của nhân viên về việc AI có thể khiến họ mất việc. Đây cũng là trở ngại chính gây cản trở việc ứng dụng AI tại nơi làm việc. Nhưng thực tế là những lo ngại này chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, những cải tiến năng suất do AI mang đến sẽ giúp các startup hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn, với cùng một quy mô nhân sự.
Nắm bắt để thích ứng
Việc tuyển dụng xuyên biên giới đang trở thành chiến lược cải thiện hiệu quả chi phí cũng như tăng lợi nhuận cho các công ty khởi nghiệp. Có 70% các startup cho biết họ có kế hoạch tăng cường tuyển dụng nhân sự nước ngoài trong năm nay, để đa dạng hóa nhân sự và kỹ năng chuyên môn.
Các doanh nghiệp công nghệ rất chú ý tới việc tuyển dụng nhân tài xuyên biên giới vì muốn tiếp cận rộng hơn, đồng thời hỗ trợ mở rộng thị trường và tiết kiệm chi phí. Những bộ phận thường được startup tuyển dụng xuyên biên giới là kỹ sư công nghệ, kinh doanh và bán hàng, marketing và PR.
Giám đốc Nhân sự Công ty CP Giải pháp thanh toán số (MFast) - Bà Nguyễn Thị Yên Thi cho biết, trên thị trường hiện nay, các startup không còn lựa chọn việc chỉ tuyển người để giúp công ty mở rộng quy mô. Thay vào đó, họ phải chứng minh sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường, lộ trình rõ ràng dẫn tới lợi nhuận, trong đó tập trung vào hiệu quả và năng suất làm việc của nhân sự.
Tại Việt Nam, mức tăng lương của năm 2023 không bằng các năm trước. Việc này cho thấy đang có sự mất cân bằng giữa thị trường lao động công nghệ và nhu cầu tuyển dụng. Bà Thi nói: “Thời gian gần đây, các nhân sự mới gia nhập MFast hướng tới một công việc mang tính ổn định hơn là kỳ vọng được tăng lương. Chúng tôi đánh giá cao nhân sự sở hữu bộ kỹ năng gồm: khả năng thích ứng, nắm bắt thay đổi, tính linh hoạt cao”.
Theo Bà Mimi Duong - Giám đốc Nhân sự và Điều hành Ascend Vietnam Ventures (AVV), những năm qua, AVV đã tái cơ cấu đội ngũ nhân sự với sự thay đổi hướng đến sự linh hoạt cho cả nhân viên và nhà sáng lập. Cách tiếp cận này khá đa nhiệm với bộ kỹ năng đa dạng, cho phép doanh nghiệp luân chuyển nội bộ, mở rộng vai trò của các vị trí việc làm. Dự kiến, AVV tiếp tục tái cơ cấu trong năm 2024.
“Làn sóng sa thải nhân sự công nghệ thời gian này chính là đòn bẩy để tái thiết, vì nhân tài ngành này đang trở nên dồi dào hơn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cần đảm bảo yếu tố phù hợp cả về trình độ lẫn phù hợp với tầm nhìn của công ty” - Bà Dương nói.
Báo cáo của Glints cho thấy, bên cạnh những vị trí kỹ thuật, công nghệ và tầm quan trọng tăng cao của những vị trí khác trong việc hỗ trợ startup tinh chỉnh hoạt động, điều hướng tới lợi nhuận. Các vị trí từ quản lý nhân sự, marketing đến tài chính đều đóng vai trò vững chắc trong xây dựng nền tảng vận hành, tăng trưởng doanh thu, quản lý tài nguyên hiệu quả, thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.
Với mục tiêu tăng trưởng bền vững của các công ty khởi nghiệp, giá trị đóng góp của nhiều vị trí nhân sự sẽ ngày càng rõ ràng hơn trong hệ sinh thái startup thành công trong khu vực./.
- Khai mạc Vietnam Beautycare Expo 2024 - Triển lãm quốc tế về sản phẩm, công nghệ và dịch vụ làm đẹp
- Công nghệ số sẽ xoay chuyển thị trường bất động sản ra sao?