Nợ xấu bất động sản ra tăng

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước từ tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước.

Cụ thể, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, những diễn biến trên cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Theo NHNN, vừa qua đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Trong đó, ngành ngân hàng đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Doanh nghiệp bất động sản bị “nghẽn vốn”

Đối với doanh nghiệp bất động sản thì nguồn vốn vẫn là khó khăn nan giải, với hơn 70% doanh nghiệp bất động sản cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác dụng tới hoạt động của họ.

Theo khảo sát hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tiến hành mới đây cho thấy, cả ba dòng tiền chính của doanh nghiệp bất động sản là tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng đều đang gặp “trục trặc”.

Trong đó vốn tín dụng từ ngân hàng được coi là “nguồn sống” đối với doanh nghiệp bất động sản. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi, nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn “khó gặp nhau”. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của họ vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.

Các kênh huy động vốn đối với doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đều bị gặp khó khăn (Ảnh minh họa).
Các kênh huy động vốn đối với doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đều bị gặp khó khăn (Ảnh minh họa).

Không chỉ nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng gặp khó mà một kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp bất động sản là kênh trái phiếu cũng “bế tắc” đó là kênh trái phiếu.

Thị trường trái phiếu đã có một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Đó là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019-2021.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, từ quý II/2022, thị trường TPDN bất động sản ghi nhận hàng loạt thông tin tiêu cực. Việc huy động vốn từ TPDN nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bị “chặn”. Cùng với đó là sự kiểm soát, cảnh báo từ cơ quan chức năng, các văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN nhằm đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch...

Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ liên tục tụt giảm kể từ tháng 6/2022 và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ tháng 3 năm nay, nhờ Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ và một số động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Theo VARS, nhóm ngành bất động sản xếp vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2023 với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Nhiều DN đã đàm phán thành công với các chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN.

Có thể nói, việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch trên thị trường gần như bị ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và các ngành nghề liên quan.

Cần mạnh tay “gỡ khó” cho thị trường

Đánh giá về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản (trong đó, có 11% doanh nghiệp phát triển dự án, 60% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và 29% doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực) cho thấy, về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung bất động sản. 57% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường.

Về tâm lý nhà đầu tư, dữ liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Đánh giá về động thái của chính quyền địa phương trong khâu thực thi các cơ chế, chính sách mới được ban hành, có tới 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; 14% cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết. Trong đó, điển hình phải kể đến là các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội,…

Đánh giá về hoạt động điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, phân phối, phát triển dự án, 2/3 doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách. Nhưng chỉ có gần 15% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất,.... đạt mức độ hiệu quả, rất hiệu quả.

Trong khi đó, dữ liệu từ khảo sát của VARS với các hội viên VARS là sàn giao dịch bất động sản cho thấy, có tới 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao.

Theo VARS, Chính phủ, các cơ quan ban ngành cũng đang phải đối mặt với thách thức rất lớn trong nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản. Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Các hành động này phải thật nhanh, thật mạnh, thật dứt khoát và triệt để, tránh tình trạng ngắt quãng, đứt đoạn khiến đà phục hồi bị mất.