Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, TGĐ Công ty TNHH Kế Toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín khẳng định, thuế tài sản ở Việt Nam nói chung và thuế tài sản của bất động sản là đất và nhà nói riêng cần được xây dựng nhằm đảm bảo công bằng xã hội, giúp người dân, người lao động tiếp cận được nhà ở.

Theo nguồn tin từ taichinhdoanhnghiep.net.vn, vị chuyên gia này cho rằng, có 4 vấn đề cần xem xét về thuế tài sản bao gồm kế thừa và phát huy một số sắc thuế đã có, cần phân biệt loại đất và diện tích đất, vị trí và lợi thế thương mại, tình trạng sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, TGĐ Công ty TNHH Kế Toán và Tư Vấn Thuế Trọng Tín.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất là cần tiếp tục và kế thừa một số sắc thuế đã có như thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… để xây dựng và phát triển cho thuế tài sản là nhà và đất tại Việt Nam. Theo đó, thuế tài sản bất động cần được đánh thuế trên cả đất và công trình trên đất (nhà). Đối với đất thì phát triển từ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ngoài ra thuế tài sản cần đánh trên nhà và các công trình trên đất để đảm bảo tính đồng bộ giữa vị trí nhà và đất cũng như giá trị nhà và đất. Phương án này cũng phù với với hầu hết các nước trên thế giới như Mỹ, Singarpo, Nhật Bản…

Thứ 2, cần phân biệt loại đất và diện tích đất cũng như mục đích và tình trạng sử dụng để quy định mức thuế và phương pháp tính thuế khác nhau. Ví dụ, đối với mục đích đất là sản xuất nông nghiệp thì mức thuế sẽ thấp và không phân biệt diện tích đất để đánh thuế nếu đất được đưa vào sản xuất nông nghiệp (tức là vẫn đánh thuế như thuế sử dụng đất nông nghiệp như hiện nay).

Nếu đất nông nghiệp không thực hiện sản xuất nông nghiệp thì phải thực hiện thu thuế cao để tránh lãng phí tài nguyên và kích thích gia tăng sản xuất nông nghiệp.

Đối với đất phi nông nghiệp cần phân biệt đất ở và đất sản xuất kinh doanh trong đó cần lưu ý về đất ở phải được đánh thuế trên diện tích đất, vị trí đất và tình trạng sử dụng đất.

Ông kiến nghị, bất cứ ai sở hữu đất ở sẽ phải nộp thuế. Tỷ lệ thuế sẽ được tính lũy tiến trên diện tích đất sở hữu bao gồm 3 bậc thuế: Bậc 1 mức thuế tương đối thấp đối với diện tích trong định mức để giảm thiểu tác động của thuế tài sản đối với người dân có thể là 0,5% tại đô thị và 0,25% tại nông thôn; Bậc 2 mức thuế trung bình với diện tích nhà và đất vượt định mức và nhỏ hơn 2 lần diện tích định mức với thuế suất 1% đối với đô thị và 0,5% đối với nông thôn và; Bậc 3 thuế suất cao hoặc rất cao đối với diện tích đất vượt quá ngưỡng để nhằm hạn chế đầu cơ và điều chỉnh thị trưởng bất động sản với mức thuế suất có thể từ 2-5% đối với đô thị và 1-2% đối với nông thôn.

Thứ 3, thuế sài sản nhà và đất cần quan tâm đến vị trí và lợi thế thương mại (giá trị kinh tế của bất động sản). Theo đó cần kế thừa đơn giá đất và hệ số K để tính thuế cho từng khu vực, địa phương và từng tuyến đường khác nhau trên cơ sở điều chỉnh đơn giá đất và hệ số K phù hợp với thị trường.

Phương pháp này tạm thời có thể thay cho việc đánh thuế tài sản trên giá trị của bất động sản như các nước đã áp dụng bởi lẽ mỗi khu vực và vị trí thuận lợi có lợi thế thương mại cao thì đơn giá đất sẽ xây dựng cao tương ứng và có hệ số K lớn được điều chỉnh theo thị trường hằng năm khi đó không phải thực hiện định giá giá trị bất động sản.

Vấn đề thứ 4 là khi xây dựng thuế tài sản cũng cần quan tâm đến tình trạng sử dụng đất để thiết kế mức thuế khác nhau như tỷ lệ thuế của đất bỏ hoang hóa, đất chưa sử dụng hoặc đất của các dự án chậm tiến độ phải chịu mức thuế suất cao. Điều này giúp hạn chế việc lãng phí tài nguyên đất cũng như đầu cơ và chậm thực hiện nghĩa vụ để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.

“Thuế tài sản liên quan đến nhà và công trình trên đất cũng được xây dựng trên cơ sở thuế tài sản đối với đất và có sự cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của loại tài sản và điều kiện kinh tế, xã hội cũng như phong tục tập quán của Việt Nam”, ông Được khẳng định.

HÀ THU (T/H)