Động lực bên trong được tăng cường

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có thể nhận diện rõ động lực để phát triển kinh tế Việt Nam 2018 là gì thưa ông?

Từ bên ngoài, thuận lợi đến từ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn trong năm 2018 (dự báo của IMF là 3,9% so với 3,7% năm 2017; dự báo của WB là 3,1% so với 3% năm 2017). Các dòng vốn đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp) có xu hướng gia tăng, và chuyển hướng nhiều hơn về các nước đang phát triển và mới nổi. Thương mại toàn cầu có xu hướng chững lại so với năm 2017, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với năm 2016. Những yếu tố trên sẽ giữ nhịp cho thu hút dòng vốn nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ở các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm chế biến chế tạo trong năm 2018.

Từ bên trong, nếu xét từ khu vực kinh tế thì động lực tăng trưởng sẽ được duy trì chủ yếu từ khu vực FDI và được tăng cường hơn từ khu vực kinh tế tư nhân.

Khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn so với các năm trước. Điều này xuất phát từ môi trường kinh doanh đã thực sự được cải thiện tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Một trong ba nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã thể hiện quan điểm về khu vực tư nhân hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Nhiều tồn tại chưa được cải thiện

Thưa ông, có phải nền kinh tế sẽ được hậu thuẫn bởi toàn những thuận lợi?

Dĩ nhiên, nền kinh tế cũng sẽ phải vượt qua những thách thức lớn để đạt được kết quả như kỳ vọng.

Thách thức thứ nhất là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện. Nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng (gia tăng liên tục kể từ năm 2012); tuy nhiên các chỉ số phản ánh chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp. Với mô hình tăng trưởng hiện tại, việc khó có thể gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trong năm 2018 (hiện đang ở mức cao 33,42%, chỉ thấp hơn năm 2011 ở mức hơn 34% khi bắt đầu thực hiện tái cơ cấu) sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Thách thức thứ hai là nền kinh tế hiện nay đang dựa chủ yếu vào sự đóng góp của khu vực FDI, tuy nhiên khu vực này cũng đã bộc lộ những tồn tại.

Thách thức thứ ba là dư địa tác động của các chính sách sẽ dần bị thu hẹp. Với đặc điểm tăng trưởng nêu trên, muốn đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn cần các chính sách quản lý tổng cầu, nhưng sẽ không tăng được nhiều sản lượng mà đánh đổi là bất ổn vĩ mô.

Ông có khuyến nghị gì cho chính sách của Chính phủ?

Trước mắt, các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn có thể được nhìn nhận từ phía gia tăng tổng cầu và tổng cung ngắn hạn.

Về phía tổng cầu, khả thi nhất đối với Chính phủ hiện nay là cần gia tăng hiệu lực chính sách, để với lưu lượng chính sách ít nhưng có hiệu quả cao hơn. Theo đó, cần: i) quyết liệt tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, ii) chính sách cần minh bạch, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần được kiên định để gia tăng niềm tin chính sách, doanh nghiệp theo đó sẽ an tâm với những quyết định sản xuất kinh doanh; iii) giảm thâm hụt ngân sách, đặc biệt là giảm chi thường xuyên thay vì tăng thu (tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp), tăng kỷ luật tài khóa và đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Về phía tổng cung, có thể gia tăng tổng cung ngắn hạn nhanh chóng bằng việc giảm nhanh các chi phí nguồn lực của nền kinh tế. Ở đây chính là giảm các chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Muốn giảm chi phí cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thì cần tập trung vào các thị trường yếu tố (như thị trường vốn, lao động, đất đai) để kiến tạo thể chế thị trường cạnh tranh, theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các yếu tố với chi phí chính thức thấp hơn. Ngoài ra, cần làm cho việc tiếp cận các yếu tố đơn giản hơn để các chi phí phi chính thức giảm xuống.

Còn các giải pháp trung và dài hạn cần định hướng trọng cung với mục tiêu gia tăng sản lượng tiềm năng. Về cơ bản, những chính sách trọng cung cũng để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng.

Tùng Lâm (thực hiện)