Mê Linh sắp đấu giá nhiều khu đất

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, đơn vị đang tham mưu UBND huyện hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đấu giá 106 thửa đất, tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8, bao gồm: Điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông; điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm; điểm nhỏ lẻ, xen kẹt tại thị trấn Chi Đông và điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (đợt 2). Tổng diện tích quỹ đất đấu giá khoảng 11.085 m2, dự kiến số tiền thu về hơn 503 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, huyện Mê Linh vẫn tổ chức thành công 8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 407 tỷ đồng.

Nhiều lô đất tại Mê Linh (Hà Nội) sắp được mang ra đấu giá.

Năm 2022, UBND TP Hà Nội giao huyện Mê Linh chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất 280 tỷ đồng. Chỉ tiêu này do HĐND huyện giao là 800 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm phát triển quỹ đất được giao thu 720 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện chủ đầu tư một dự án tại điểm X7 Quang Minh để thu 80 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại 14 dự án với diện tích 21,3 ha, tương ứng với 746 ô đất.

Huyện Mê Linh đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá đối với 2,36 ha liên quan đến 139 hộ dân tại các xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiền Phong và thị trấn Quang Minh. Địa phương phấn đấu tổ chức thành công đấu giá 6 dự án với diện tích 3 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 565 tỷ đồng.

Him Lam, DIC Corp, TNG Holdings… lần lượt tìm về Hậu Giang làm các dự án

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, địa phương đã tập trung quy hoạch các khu đô thị mới, các dự án nhà ở và bất động sản, nhiều dự án của các nhà đầu tư như Him Lam, Tập đoàn Vincom, Tổng Công ty DIC, CTCP Tập đoàn Cát Tường, Công ty Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, CTCP Phát triển Dự án THD Việt Nam đã được triển khai, đưa vào khai thác.

Dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị, do đó tỉnh đã phê duyệt danh mục quy hoạch với 90 dự án phát triển nhà ở trên 2.077 ha và sẽ mời gọi đầu tư 31 dự án đô thị với quy mô khoảng 799 ha tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm nay.

Đại diện Công ty Cát Tường cho biết, từ tháng 6, Cát Tường đã đầu tư và đưa vào khai thác Khu đô thị Cát Tường Western Pearl, với diện tích 18 ha. Cuối năm nay, công ty sẽ tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1, với diện tích 59 ha.

Dự kiến trong năm 2023, Cát Tường sẽ đầu tư Khu đô thị mới Ngã Bảy và Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, tỉnh đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch của Tập đoàn Him Lam.

Hồi đầu tháng 7, Hậu Giang cũng đã có hai quyết định về việc chấp thuận nhà đầu tư là Liên danh Oleco – NQ và CTCP Bất động sản Mỹ đối với khu đô thị mới Cái Tắc – Thạnh Hòa và CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường đối với khu đô thị mới Ngã Bảy 3.

13 sàn giao dịch bất động sản tại Móng Cái (Quảng Ninh) bị đình chỉ hoạt động

UBND TP. Móng Cái vừa có văn bản kiểm tra, xử lý, tạm dừng các văn phòng có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, môi giới, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố Móng Cái.

Theo đó, tạm dừng hoạt động đối với 13 đơn vị chưa phối hợp làm việc với Đoàn Kiểm tra liên ngành của UBDN thành phố, vi phạm khoản 4, điều 67, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Danh sách 13 đơn vị bị tạm dừng hoạt động gồm:

Văn phòng Azhousing (số 12 Trần Nhân Tông, xã Hải Xuân, TP. Móng Cái); Sàn giao dịch bất động sản VHS (Lô LK 5-6 shophouse, khu đô thị Green Park, xã Hải Xuân, TP. Móng Cái); Văn phòng giao dịch Vinhomes Golden Avenue (Lô 11, khu đô thị Green Park, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái); Sàn giao dịch bất động sản Nhật Minh Land (LK 5-3, khu đô thị Green Park, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái); Công ty TNHH đầu tư phát triển Tân Hưng Land (dãy shophouse, khu đô thị Green Park, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái); Văn phòng Saigon Center Real (số 2B Cây Sao, khu đô thị Green Park, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái); Công ty cổ phần đất vàng Quảng Ninh (thôn 5, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái); Văn phòng Vinhomes Golden (số 205 đường Trần Nhân Tông, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái); Sàn giao dịch bất động sản Tân Hương Phát (số 173 đường Trần Nhân Tông, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái); Sàn giao dịch bất động sản Bhomes Việt Nam (số 69 đường Trân Nhân Tông, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái); Liên minh Sunny Land Việt An Land (số 65 đường Trân Nhân Tông, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái); Văn phòng CEN Land (số 37 đường Trần Nhân Tông, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái).

Ngoài ra, UBND thành phố Móng Cái giao các đơn vị có liên quan thiết lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với các đơn vị treo biển quảng cáo không đúng quy định ngay trong tháng 7 này.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp quảng cáo sai quy định, nhất là quảng cáo kinh doanh bất động sản, bao gồm cả hình thức quảng cáo trên Internet.

Thanh Hoá mời đầu tư khu nhà ở đô thị hơn 600 tỉ đồng

Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN vừa có công bố danh mục dự án để đầu tư đối với Khu nhà ở đô thị tại phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, (trước là xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hoá.

Dự án có diện tích đất sử dụng 14,83ha với phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng; phía Nam giáp đường vào nhà máy giầy Annora (đường Hải Thanh – Nguyên Bình); phía Đông giáp khu dân cư theo quy hoạch; phía Tây giáp đường Quốc lộ 1A.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 624 tỉ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất); người mua quyền sử dụng đất ở được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tiến độ thực hiện không quá 44 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư). Cụ thể, năm thứ nhất giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án. 1,5 năm tiếp theo xây dựng và nghiệm thu hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. 1,5 năm cuối hoàn thành xây thô nhà ở, nghiệm thu hoàn thành công trình nhà xây thô.

Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng, bao gồm: Đất ở dân cư hiện trạng nằm trong quy hoạch dọc QL1A, đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất mặt nước, đất bằng chưa sử dụng, đất công trình giao thông, thủy lợi.

Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 20.8.2022.

Được biết, Khu nhà ở đô thị tại xã Nguyên Bình được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 23/9/2019 theo Quyết định số 3797 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

So với quy hoạch được duyệt và các thông tin công bố dự án mới đây, số liệu về diện tích, vị trí, ranh giới dự án không thay đổi. Dự án có tính chất là khu ở mới với các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, quy mô dân số khoảng 2.500 người.

Quảng Nam: Kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà ở khu dân cư mới

Quảng Nam chính thức thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có thể nộp hồ sơ tham gia. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam mời các đơn vị tham gia các dự án như Khu dân cư mới Quang Phường, xã Điện Hòa và Khu dân cư Phong Thử 2, xã Điện Thọ thuộc thị xã Điện Bàn.

Khu dân cư mới Quang Phường, xã Điện Hòa có quy mô diện tích khoảng 11,36ha. Trong đó, phạm vi phát triển mới khoảng 9,89ha và phần dân cư hiện trạng chỉnh trang khoảng 1,47ha. Tổng chi phí thực hiện dự án không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 100,00 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 47,50 tỷ đồng. Thời hạn, tiến độ đầu tư dự kiến từ năm 2022 – 2024. Tiến độ chi tiết được xác định sau khi nhà đầu tư được lựa chọn. Vị trí dự án đều giáp khu dân cư hiện hữu.

Về cơ cấu sử dụng đất được phân chia như sau, đối với đất ở mới chiếm 25,8%, đất ở chỉnh trang chiếm 20,4%, đất công cộng và thương mại dịch vụ chiếm 6,7%, đất cây xanh chiếm 4,7%, đất xây dựng bãi đỗ xe chiếm 1,4%, đất hạ tầng kỹ thuật chiếm 41,0%.

Đối với dự án xây dựng nhà ở Khu dân cư Phong Thử 2, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn có quy mô diện tích khoảng 4,39ha. Tổng chi phí thực hiện dự án không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 43,00 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 13,09 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư dự kiến từ năm 2022 – 2023.

Phía Đông Bắc giáp khu dân cư ven đường ĐT 609, phía Tây Bắc giáp khu dân cư, phía Đông Nam và phía Tây Nam giáp ruộng lúa. Về cơ cấu sử dụng đất dự kiến được trích xuất từ quy hoạch nông thôn mới xã Điện Thọ thì đất ở 17.460,09m2 chiếm 39,74%, đất công cộng là 3.188,00m2 chiếm 7,26%, đất thương mại dịch vụ: 4.671,41m2 chiếm 10,63%, đất cây xanh là 3.222,21m2 chiếm 7,33%, đất giao thông – HTKT là 15.393,10m2 chiếm 35,04%. Cơ cấu sử dụng đất sẽ được xác định chính xác khi quy hoạch chi tiết 1/500 dự án được phê duyệt.

Cẩn trọng “bong bóng” xì hơi khi đầu tư bất động sản ăn theo quy hoạch

Chưa đầy 2 tuần sau đề xuất chuyển đổi chức năng khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), sức nóng của thị trường nhà đất nơi đây đã tăng vọt. Trên Chợ Tốt Nhà, giá rao bán đất tại các tuyến chính khu vực này đã tăng hơn 6% so với trước khi có đề xuất, dao động ở mốc 63-72 triệu đồng/m2.

Được biết, khu chế xuất Tân Thuận dự kiến hết hạn vào tháng 9/2041. Thời gian qua, TP.HCM đang tích cực thảo luận về các phương án di dời các nhà máy và chuyển đổi chức năng của khu vực có tổng diện tích xấp xỉ 300 ha nằm gần trung tâm quận 7.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 7/2022, lượng tìm kiếm thông tin nhà đất quanh khu vực Tân Thuận đã tăng vọt, gấp gần 200% so với thời điểm cuối tháng 6/2022. Điển hình là tại các tuyến đường chính như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập…

Tương tự, tuyến đường Vành đai 3 vùng TP.HCM mới được Quốc hội “bấm nút” thông qua trong thời gian ngắn, nhưng hàng loạt dự án bất động sản xung quanh đã sôi động hẳn lên, nhiều nhà đầu tư đang tích cực đổ tiền, dốc sức để “đón đầu” quy hoạch.

Dọc trục đường Vành đai 3 TP.HCM đang có rất nhiều dự án bất động sản, trong đó có những thương hiệu như Vinhomes, Novaland, CityLand… Đặc điểm chung của các dự án tại khu vực này là nhận được sự quan tâm đột biến của khách hàng sau thông tin Vành đai 3 được “chốt” đầu tư.

Không chỉ ở TP.HCM , hiện tượng “ăn theo” quy hoạch cũng đang diễn ra ở Hà Nội. Khảo sát cho thấy, trong vòng hơn 1 năm qua, giá đất ở những khu vực mà đường Vành đai 4 đi qua như Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng Sóc Sơn, Văn Giang (Hưng Yên),.. đã tăng từ 20 – 50%.

Có thể thấy, cứ mỗi khi xuất hiện thông tin quy hoạch, bất động sản khu vực đó sẽ có biến động mạnh. Không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, gây hỗn loạn thị trường, tiền chảy vào túi giới đầu cơ.

Điển hình, vào đầu quý II/2022, một sự kiện tiêu tốn nhiều giấy mực là khi thông tin khảo sát thực địa để xây cầu nối Bình Phước với tỉnh Đồng Nai được tung ra, khiến giá đất tăng gấp 2 – 3 lần sau vài ngày. Đất mặt tiền đường chính giá chạm mốc 1,2-2 tỷ đồng/suất (rộng ngang 5m, sâu vào 20-25m)

Sau gần 3 tháng giá đất “nóng” lên từng ngày, các nhà đầu tư cả chuyên và tay ngang lao vào mua bán đất, đến nay khu vực này đã rơi vào trầm lắng, môi giới lần lượt biến mất như chưa từng có sốt đất. Kết quả là nhiều “cò” đất phải bỏ cọc hoặc một số người đã xuống tiền đành nhận đất và sau đó chấp nhận bán lỗ.

Minh Thu (T/H)