Hà Nội tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá quyền sử dụng đất

Về tình hình đấu giá đất trên địa bàn, từ nay đến cuối năm, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát và thực hiện nghiêm, hiệu quả nội dung kết luận chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tại mục 5.2 Kết luận số 52-KL/TU ngày 7/7/2022.

Kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất, việc định giá đất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, góp phần tạo môi trường lành mạnh và tác động tích cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Hà Nội tháo gỡ vướng mắc đấu giá quyền sử dụng đất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; khẩn trương chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, hoàn thiện trình UBND thành phố ban hành Quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất (trong đó có nội dung về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án kinh doanh có sử dụng đất), xong trước ngày 30/7/2022.

Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tập trung ưu tiên giải quyết các hồ sơ, thủ tục về giá khởi điểm (thuộc thẩm quyền UBND thành phố phê duyệt), quy hoạch, chấp thuận đầu tư dự án, thu hồi đất, giao đất, phê duyệt phương án đấu giá…, không để xảy ra việc giải quyết chậm, vượt thời gian quy định.

Đồng thời, chủ động tham gia, phối hợp cùng các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, thành phố yêu cầu rà soát, xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất cụ thể theo lộ trình từng tháng từ nay đến cuối năm 2022, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 25 hàng tháng.

Các địa phương phải thực hiện đầy đủ, đúng quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó thông báo công khai việc đấu giá tài sản; hồ sơ, cách thức đăng ký tham gia đấu giá và khuyến khích tổ chức đấu giá theo hình thức trực tuyến; chủ động thực hiện thủ tục xác định giá khởi điểm; bổ sung quỹ đất đủ điều kiện tổ chức đấu giá.

Trong quá trình thực hiện, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết gửi các sở, ngành xem xét, đề xuất báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá, các sở, ngành và địa phương phải thu tiền trúng đấu giá vào ngân sách theo đúng tiến độ, phương án đấu giá được duyệt; kiên quyết hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đối với các trường hợp người trúng đấu giá nhưng nộp ngân sách không đúng, đủ theo phương án được duyệt.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện đấu giá, báo cáo UBND thành phố trước ngày 28 hàng tháng.

Đồng thời, đề xuất UBND thành phố tổ chức giao ban định kỳ về đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hoặc làm việc với các đơn vị chậm thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch thành phố giao.

Sốt đất đến khi nào sẽ dừng lại?

Theo Phòng nghiên cứu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), về mặt nguyên tắc, khi giá đất bị đẩy lên mức bất thường, vượt qua đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và quay đầu giảm sốc.

Tuy nhiên, để tình hình chóng bình ổn trở lại, cũng là giảm thiểu thiệt hại cho những nhà đầu tư non trẻ thiếu kinh nghiệm, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát đất đai và giao dịch đất đai.

Tại một số địa phương (ngoại thành Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng…), việc phân lô bán nền, nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất, đã bị hạn chế và dần loại bỏ.

Đánh thuế giao dịch bất động sản dựa trên giá trị giao dịch cũng đang là dự thảo nhận được nhiều chú ý khi mức giá giao dịch vẫn chưa được xác định một cách nhất quán. Việc đánh thuế sở hữu nhà đất đang được cân nhắc.

Giới chuyên gia cho rằng đất đai là một công cụ sản xuất với mức giá hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Để tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên những cơn sốt không đáng có, giảm hiệu suất sử dụng đất, minh bạch thông tin vẫn là điểm mấu chốt.

Các cơ quan chức năng đang không ngừng nỗ lực để minh bạch hóa các thông tin liên quan đến bất động sản, đặc biệt là kế hoạch và tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng.

VARS đánh giá hiện nay sốt đất chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương với biên độ giá dần thu hẹp. Đơn vị này dự đoán đến giữa năm 2023, tình hình sốt đất sẽ cơ bản được kiểm soát.

5 huyện của TP HCM muốn lên thành phố

Ngày 19/7, đại diện Sở Nội vụ Tp.HCM cho biết, đang hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc Tp.HCM giai đoạn 2021-2030 để trình UBND Tp.HCM trước 30/9.

Song song đó, 5 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cũng xây dựng đề án riêng. Vì vậy, sau khi các đề án này được trình, UBND Tp.HCM mới chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.

5 huyện tại TP Hồ Chí Minh muốn lên Thành phố.

Hiện với quy định lên thành phố, Hóc Môn đạt 2/5 tiêu chuẩn là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Còn ba tiêu chuẩn chưa đạt, huyện đặt mục tiêu cuối 2025 sẽ đáp ứng, gồm: có 65% xã, thị trấn đủ tiêu chí phường (hiện huyện đạt 5/12 xã, thiếu 3 xã); chưa được công nhận là đô thị loại III và không đạt yêu cầu về thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo.

Trong khi đó, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, Huyện ủy Nhà Bè cũng đang bàn bạc theo hướng đưa Nhà Bè trở thành thành phố vệ tinh, đô thị thông minh.

Tương tự, huyện Cần Giờ định hướng phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Huyện Củ Chi phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Đồng Nai: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn

Đồng Nai đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho 17 dự án lớn trên địa bàn tỉnh. 17 dự án này nếu tìm được nhà đầu tư đủ năng lực, triển khai nhanh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các dự án nói trên tập trung ở TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và đa số là dự án khu dân cư với tổng diện tích gần 421ha. Trong đó, TP.Biên Hòa có 15 dự án và H.Nhơn Trạch 2 dự án.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, TP.Biên Hòa đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở TN-MT và các sở, ngành liên quan khác để thực hiện các bước tiếp theo như: lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án có sử dụng đất; lập phương án sơ bộ bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt giá đất khởi điểm để đấu thầu dự án; sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư… Khi các thủ tục trên hoàn thành mới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai”.

Trong các dự án đưa ra đấu thầu tại TP.Biên Hòa, có một số dự án có diện tích đất khá lớn là: khu dân cư theo quy hoạch ở P.An Hòa hơn 69ha; khu đất dọc theo đường ven sông Cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản gần 50ha thuộc địa bàn các phường: Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, An Bình; khu dân cư P.Phước Tân gần 46ha; khu đất dọc sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu khoảng 34ha; khu dân cư ở P.Long Bình gần 19ha; khu đất dọc theo sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh gần 19ha… Các khu đất trên đều là “đất vàng” vì nằm ven sông hoặc giáp các trục giao thông lớn của TP.Biên Hòa, rất thuận lợi để xây dựng các khu dân cư, chung cư cao tầng, tạo điểm nhấn cho đô thị loại I.

H.Nhơn Trạch có 2 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất và sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm nay, đều thuộc địa bàn xã Đại Phước. Đó là dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước rộng gần 50ha và dự án Khu đô thị du lịch có diện tích trên 75ha. Theo quy hoạch, 2 dự án trên sẽ kết hợp với các khu đô thị khác trên địa bàn xã Đại Phước và những xã lân cận để tạo thành vùng thương mại dịch vụ, du lịch.

BIDV rao bán biệt thự 400m2 giá khởi điểm 28 tỷ đồng

BIDV Chi nhánh Hoàng Mai (Hà Nội) thông báo bán đấu giá khu nhà ở Biệt thự Hoa Phượng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Đây là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty CP sản xuất điện tử Thành Long tại BIDV Chi nhánh Hoàng Mai Hà Nội.

Tài sản bán đấu giá có diện tích 310 m2; diện tích xây dựng là 110 m2; diện tích sàn 436,1 m2.

Để đấu giá khu biệt thự này, khách hàng đăng ký đấu giá trực tiếp tại Ô số 6, Tầng 1, Tòa nhà Sunrise II, KĐT Sài Đồng, Q. Long Biên, TP Hà Nội đến 16h00 ngày 02/08/2022.

Đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá, theo phương thức trả giá lên. Số tiền đặt trước là 5,6 tỷ đồng.

Buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào lúc 9h30 ngày 5/8/2022 tại Ô số 6, Tầng 1, Tòa nhà Sunrise II, KĐT Sài Đồng, Q. Long Biên, TP Hà Nội./.

Minh Thu