ISSN-2815-5823

Bất động sản Đà Nẵng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trầm trọng

(KDPT) - Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội nhưng thời điểm hiện tại nguồn cung nhà ở xã hội tại tại địa phương này lại đang trong tình trạng không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn

Mới đây, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phát thông báo mở bán Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside. Trong đợt mở bán này số lượng được đưa ra thị trường là 196 căn, thuộc tòa CT05, CT08 và CT09 với mức giá được rao bán hơn 16 triệu đồng/m2.

Dự án chung cư nhà ở xã hội này do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư với quy mô 6 tòa tháp chung cư, tổng số là 1.809 căn hộ. Trong đó, căn hộ nhà ở xã hội để bán là 1.165 căn, căn hộ nhà ở thương mại để bán là 348 căn và căn hộ nhà ở xã hội cho thuê là 296 căn. Từ khi hoàn thành đây là đợt mở bán thứ 16 của dự án này, mỗi lần dự án mở bán đề gây sốt trên thị trường và hết hàng rất nhanh. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng xếp hàng từ sáng sớm để nộp hồ sơ với hy vọng mua được một căn hộ tại dự án này.

Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trên cả nước luôn tiên phong trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Từ năm 2005, thành phố này đã triển khai chương trình “Thành phố 3 có” với mục tiêu cụ thể là “có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn minh đô thị”.

Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trên cả nước luôn tiên phong trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, tính đến hết năm 2023 trên toàn thành phố đã hoàn thành việc đầu tư hơn 16.700 căn hộ. Trong đó, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho 12.000 căn hộ, chiếm khoảng 80% tỷ lệ quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên cả nước.

Hiện tại, thành phố cũng đang quản lý gần 10.000 căn hộ chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó trên 98% các căn hộ này đã được bố trí cho thuê. Vì thế, quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước còn rất ít nên từ năm 2019 Đà Nẵng chỉ ưu tiên bố trí cho thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước cho những người có công với cách mạng, những hộ cư dân nằm trong diện giải tỏa các khu chung cư, tập thể xuống cấp thuộc sở hữu nhà nước. Những đối tượng còn lại sẽ được xem xét, giải quyết thuê, mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách ngoài.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách thì từ năm 2009, TP. Đà Nẵng cũng đã bắt đầu kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ vốn ngoài ngân sách. Từ đợt phát động này tính đến nay thành phố đã triển khai được 9 dự án với 7.511 căn hộ, trong đó có 4.634 căn hộ được hoàn thành và 2.877 căn hộ đang xây dựng dở và sẽ được hoàn thành trong thời gian tới. Những số liệu trên cho thấy Đà Nẵng đang hết sức quyết tâm thực hiện các chủ trương, phát triển nhà ở xã hội hướng vào đối tượng có thu nhập thấp nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế đang tăng cao.

Thêm các dự án mới được triển khai

Mới đây, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ký thông báo về chấp thuận việc di dời, giải tỏa 3 khu chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố là khu chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường, Thuận Phước và Hòa Minh. Ba khu chung cư này có tổng số 648 căn hộ và nhu cầu bố trí lại 590 căn hộ. Nếu trường hợp phải xây dựng lại chung cư này bằng nguồn vốn ngân sách thì dự kiến tổng chi phí sẽ khoảng 600 tỷ đồng.

Tỉnh Đà Nẵng đã thống nhất xây dựng một khu chung cư tại số 10 - Trịnh Công Sơn (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) với diện tích khoảng 5.685 m2 để thay thế cho hai chung cư Khu chung cư Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường. Đối với khu chung cư Hòa Minh thống nhất địa điểm xây dựng khu chung cư thay thế với diện tích 8.154 m2.

Nhu cầu nhà ở xã hội tại Đà Nẵng vẫn tăng cao trong thời gian qua nhưng nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Xây dựng, việc xây dựng và tái tạo lại các khu chung cư này là rất cần thiết vì những khu chung cư này đã xuống cấp trầm trọng. Thành phố cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội, kêu gọi đầu tư những dự án mới bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ sớm hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội với tổng số 2.500 căn hộ.

Cụ thể ở đây là Chung cư thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo - khối nhà C, Khu chung cư nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Khánh - khối nhà B2, Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, Chung cư thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 - khối nhà A, B.

Đồng thời, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư cho 3 dự án nhà ở xã hội mới với tổng số 3.500 căn hộ tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 4; nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ và nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện dự án chung cư nhà ở xã hội đối với những người có công với cách mạnh, được xây tại đường Vũ Mộng Nguyên, với hơn 200 căn hộ…

Ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng nhà ở xã hội đang là một trong những vấn đề trọng tâm của bất động sản Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2021-2030, địa phương này đang triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội với quyết tâm đầu tư khoảng hơn 20.000 căn nhà ở xã hội, cao hơn 7.200 căn so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao (12.800 căn). Đối với phần thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội đã được chính phủ giao (trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 6.400 căn, trong giai đoạn 2026-2030 hoàn thiện 6.400 căn).

Trong khoảng thời gian từ năm 2021-2023, thành phố đã hoàn thành 1.774 căn hộ, triển khai xây dựng 2.570 căn hộ và một số dự án đầu tư nhà ở xã hội trong giai đoạn 2024 -2025. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 sẽ thực hiện được 7.097 căn hộ và quyết tâm hoàn thành số lượng còn lại trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Thời gian qua TP. Đà Nẵng cũng đã tích cực trong hoạt động giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của hộ nghèo không đủ khả năng để chi trả khi mua nhà. TP. Đà nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì và xây dựng những phương án, bố trí cho thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bước đầu chỉ đạo này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân lao động, những người có thu nhập thấp trên thị trường.

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, rà soát theo đúng quy định của pháp luật, dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong bước thẩm định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong các đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với những khu nhà ở thương mại hoặc khu đô thị trên địa bàn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024