ISSN-2815-5823

Bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục vị trí “ngôi sao” năm 2024

Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, bất động sản khu công nghiệp vẫn rất khởi sắc. Các chuyên gia đánh giá cao triển vọng của phân khúc này ở năm 2024.

Bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục vị trí “ngôi sao”

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn duy trì vị trí hàng đầu cả năm 2023. Theo đó, cả nước có thêm 7 khu công nghiệp (KCN) bắt đầu hoạt động và 13 KCN đang xây dựng với sự góp mặt của không ít "đại bàng".

Các KCN, khu kinh tế (KKT) đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỉ đồng. Vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.

Bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì vị trí ngôi sao

Theo số liệu từ Cushman & Wakefield Việt Nam, giai đoạn 2024-2026, phía Bắc có thể có thêm 5.500 ha đất công nghiệp, khoảng 1 triệu m2 nhà xưởng xây sẵn, 0,7 triệu m2 nhà kho xây sẵn. Các chủ đầu tư đang cấp tập chuẩn bị quỹ đất mới nhằm tận dụng làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Do đó, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2024-2026, với dự tính khoảng 1 triệu m2 xưởng xây sẵn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá phân khúc bất động sản KCN là một trong những điểm sáng của thị trường trong năm 2024 và những năm tới.

“Bất động sản công nghiệp cũng đang trở nên hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là phân khúc đáng chú ý trong danh mục đầu tư năm 2024”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Theo ông Đoàn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM) năm 2023, dù thị trường bất động sản nói chung chậm lại nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn là ngôi sao sáng. Năm 2024, phân khúc này sẽ tiếp tục khởi sắc. Giá đất công nghiệp tiếp tục tăng cao ở các địa bàn, dao động từ 10-15%. Giá thuê nhà xưởng cũng có sự gia tăng trong thời gian gần đây…

Ngoài ra, việc thu hút FDI vẫn rất tích cực và năm 2024 sẽ có sự gia tăng so với năm 2023. Điều này có được do Việt Nam có vị trí địa chiến lược, thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hoá đi khắp thế giới. Ngoài ra, nền chính trị Việt Nam rất ổn định, công tác ngoại giao đang rất tích cực - yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, dân số Việt Nam khá đông đảo, lực lượng lao động dồi dào, trình độ chuyên môn của lao động đang được nâng cao, chi phí cho lao động vẫn còn thấp; chi phí về đất của Việt Nam vẫn cạnh tranh; môi trường đầu tư kinh doanh đang không ngừng được cải thiện; hạ tầng đang được dồn lực đầu tư nâng cao với hàng loạt các cao tốc, dự án hạ tầng lớn.

“Việt Nam cũng hưởng lợi trong sự dịch chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc”, ông Hưng nói.

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư VARS cũng nêu, bất động sản công nghiệp là phân khúc được đánh giá tăng trưởng tốt trong năm. Đây cũng là phân khúc “điểm tựa” cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, việc dòng vốn FDI vào Việt Nam tích cực, nhu cầu lẫn nguồn cung bất động sản vẫn đang tăng, cộng với việc thông qua quy hoạch nhiều tỉnh, thành… sẽ là trợ lực lớn để phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu.

FDI - trợ lực của bất động sản công nghiệp

Cuộc khảo sát mới đây của EuroCham cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, thì có tới 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trong khu vực.

Báo cáo cũng nêu, trong quý 4/2023, vị thế “điểm nóng” đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể, con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý này.

Đánh giá lạc quan với bất động sản công nghiệp năm tới, VARS cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế, hạ tầng và dịch vụ phụ trợ ngày càng phát triển.

Dự báo lạc quan đối với bất động sản công nghiệp năm 2024.

Ngoài ra, nguồn cung cũng tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam và lực cầu được thúc đẩy mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung, đặc biệt là mối quan hệ chiến lược Việt - Mỹ mới được thiết lập gần đây.

“Những yếu tố tích cực này sẽ giúp bất động sản KCN tiếp tục duy trì vị thế và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024”, VARS nêu.

Cũng nhìn nhận khá lạc quan, nhóm nghiên cứu của SSI Research đánh giá bất động sản công nghiệp là phân khúc có triển vọng tích cực trong năm 2024 nhờ dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng.

Ví dụ, tại khu vực phía Bắc, nhu cầu thuê đất có thể tăng cao nhờ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Còn tại miền Nam có thể kỳ vọng ở nhóm doanh nghiệp sản xuất, logistics, thực phẩm...

SSI Research cũng nêu, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới trong nửa cuối năm 2023 và các hợp đồng này sẽ trở thành chính thức và ghi nhận doanh thu trong năm nay.

Dù vậy, đơn vị này cho rằng, nguồn cung phân khúc này vẫn gặp rào cản bởi việc định giá đất, đấu giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa đối với bất động sản công nghiệp là Thuế tối thiểu toàn cầu cũng ảnh hưởng đến các ưu đãi thuế đối với khách thuê; chi phí đầu tư dự tính sẽ cao hơn do giá đất tăng cao hơn. Chưa kể, biến động của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam.../.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024