Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi như thế nào trong năm 2024?
Bất động sản nghỉ dưỡng “mong chờ” những tín hiệu mới
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã mất một khoảng thời gian dài yên ắng. Trong đó, lượng giao dịch và giá bán của các sản phẩm trong năm 2023 liên tiếp sụt giảm, nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp rơi vào tình cảnh tồn đọng, thậm chí nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ trên thị trường thứ cấp.
Tuy nhiên, trước đà hồi phục, niềm tin của các nhà đầu tư tại các phân khúc bất động sản trên thị trường đã giúp cho bất động sản nghỉ dưỡng bước đầu đón nhận sự quan tâm trở lại. Bao gồm cả thị trường khách nội địa và khách quốc tế, đây sẽ là động lực giúp ngành nghỉ dưỡng thu hút sự đầu tư quay trở lại.
Trong vài tháng qua, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được tái khởi động. Các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe ngày càng được các chủ đầu tư chú trọng phát triển. Hơn nữa, thị trường vẫn có một lượng nhất định các nhà đầu tư tài chính mạnh đang chú ý đến phân khúc bất động sản hạng sang.
Niềm tin các nhà đầu tư quay trở lại giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có tín hiệu khả quan. (Ảnh minh họa) |
Theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, lượng khách du lịch đến Việt Nam kể từ năm 2023 có xu hướng tăng tích cực, lượng khách quốc tế tăng gấp 3,4 lần so với năm 2022. Do đó, năm 2024 không loại trừ khả năng tăng trưởng du lịch đối với khách nước ngoài, đây sẽ là lợi thế rất lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
“Phía Chính phủ, cơ quan nhà nước cũng đã có nhiều điều chỉnh chính sách liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng để giúp thị trường này sôi động hơn và tăng hiệu suất sử dụng, hấp dẫn sức cầu đối với phân khúc này”, ông Ánh chia sẻ.
Ông Ánh dự báo, bất động sản nghỉ dưỡng hiện đang có nhiều cơ hội thuận lợi về cả nguồn cầu và cung, cũng như giá bán hợp lý. Chính vì thế, việc kỳ vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024 là hoàn toàn có thể.
TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế |
Vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua cũng cho phép người Việt Nam định cư sinh sống tại nước ngoài, có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam sẽ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, giải quyết vấn đề tồn kho bất động sản chủ yếu ở phân khúc căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ như nới lỏng visa, giảm thuế VAT cho dịch vụ du lịch. Những yếu tố này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nước ta và thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Nghị định 10/2023/CP-NĐ về giải quyết những khó khăn trong việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng nghỉ dưỡng… đã được thí điểm tại một số nơi cũng đã tạo thêm nhiều niềm tin và cơ hội cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư. Do vậy, trong thời gian tới, khi các chính sách có độ ngấm rõ rệt hơn sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội “bứt phá” trở lại.
Theo các chuyên gia, với những yếu tố tích cực từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và hỗ trợ từ môi trường kinh tế sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có triển vọng phát triển trong năm nay.
Cần nhiều sự cố gắng để “vực dậy” thị trường
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhưng sự phục hồi của phân khúc hạng sang, cao cấp vẫn sẽ chậm “hơn một nhịp” so với các phân khúc khác trên thị trường bất động sản, do chịu nhiều ảnh hưởng từ khó khăn nguồn vốn, thủ tục hành chính, pháp lý…
Theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels, các nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dù đã từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều vướng mắc kéo dài.
“Giải quyết các vấn đề pháp lý là một trong những thách thức lớn của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, bởi những quy định pháp lý về xây dựng, đất đai, quản lý, bảo vệ môi trường… còn nhiều phức tạp”, ông Mauro Gasparotti nói.
Chỉ khi nào những khó khăn về pháp lý, tín dụng… được tháo gỡ sẽ giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội "bứt phá". (Ảnh minh họa) |
Giám đốc Savills Hotels chia sẻ thêm, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường có quy mô lớn và phải qua nhiều khâu phê duyệt mới được triển khai. Do đó, quá trình triển khai, mở bán các dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường “chậm trễ” so với dự định. Điều này cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi lựa chọn tham gia thị trường này.
Chính vì vậy, để xác định rõ thời điểm cụ thể về sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là rất khó. Chỉ khi nào những khó khăn về pháp lý, tín dụng… được gỡ nút thắt thì mới giúp tâm lý nhà đầu tư được khôi phục hoàn toàn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới thể phát triển sôi động trở lại.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Hữu Minh Dũng - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển của BHS Group cho rằng, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng không thể triển khai được do trải qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, pháp lý chồng chéo. Mặc dù thị trường này liên tục “cắt lỗ” nhưng khả năng thanh khoản gần như không có.
Đây là những “cản trở” khiến cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khó có thể khởi sắc sôi động ngay trong năm 2024 này. Thời điểm mà các khách hàng, nhà đầu tư quay trở lại thị trường cũng sẽ là lúc những bất cập về pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng được tháo gỡ, các dự án được vận hành có hiệu quả kinh tế trở lại.
Các chuyên gia bất động sản cho biết, trong giai đoạn này, sức cầu của thị trường đã cho thấy những tín hiệu khả quan của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy vậy, vẫn sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để đưa bất động sản nghỉ dưỡng quay trở lại đường đua, ít nhất phải đợi đến năm 2025 thì thị trường này mới thực sự "sôi động" trở lại./.