Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, Hội thảo nhằm thảo luận những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và các mục tiêu đã được xây dựng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.

Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị
PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tại Hội thảo.

Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên hợp quốc như: xóa nghèo, không còn nạn đói, hướng tới nước sạch và vệ sinh, tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, giảm bất bình đẳng… “Không ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành cụm từ được sử dụng phổ biến trên các báo, đài, chương trình truyền thông và trở nên quen thuộc với người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới tiếp tục phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và xung đột có tính leo thang và liên kết chặt chẽ với nhau, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều hạn chế…

Do đó, TS Lê Việt Anh khuyến nghị, cần tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người, đặc biệt là qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; Thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội nhưng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển bền vững, đặc biệt là từ khu vực tư nhân; Tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu quốc gia phát triển bền vững.

Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị
Toàn cảnh hội thảo.

Đồng quan điểm này, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào mà nó còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới – GS.TS Ngô Thắng Lợi nói.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học, những ý kiến thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia giúp đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.

Học viện Chính sách và Phát triển, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là trường Đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập cách đây 15 năm theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 15 năm thành lập và phát triển, Học viện định hướng trở thành trường đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách vĩ mô.