ISSN-2815-5823

Chân dung Tập đoàn Tân Á Đại Thành: “Siêu tân binh” của thị trường bất động sản, từ “ông vua bồn nước nóng” đến tham vọng đạt doanh thu tỷ USD mỗi năm

(KDPT) – Kể từ khi chính thức “bẻ lái” sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã để lại những dấu ấn nhất định trên thị trường với thương hiệu Meyland. Chưa hết, “ông vua bồn nước nóng” này còn nuôi tham vọng trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam. Liệu rằng, Tân Á Đại Thành có thể “nói được làm được” hay chỉ là tham vọng nhất thời của doanh nghiệp này?

“Ông vua bồn nước nóng” Tân Á Đại Thành

Với nhiều gia đình Việt Nam, những sản phẩm như bồn nước, chậu rửa, bồn tắm, máy nước nóng năng lượng mặt trời mang thương hiệu Tân Á Đại Thành đã trở nên quen thuộc.

Được thành lập từ năm 1993 và được điều hành bởi đại gia đình có 3 thế hệ là doanh nhân. Tiền thân của Tập đoàn này là cơ sở Đại Thành hoạt động từ những năm 1990. Đến tháng 9/1999 công ty TNHH SX TM Nam Đại Thành được thành lập có trụ sở chính tại số 119 – 121 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Tân Á Đại Thành đang là bà Nguyễn Thị Mai Phương.

Bà Phương sinh năm 1964, nguyên quán ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội với chuyên ngành luật học và sau đó là một Thạc sĩ Quản lý trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ.

Được biết bà Phương còn trúng cử Đại biểu quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Gia Lai gồm TP Pleiku cùng các huyện lân cận vào năm 2016. Với hệ sinh thái Tân Á Đại Thành, bà Phương được biết đến là người tại ra những nền móng cho tập đoàn từ những ngày đầu thành lập.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Năm 2007 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng của tập đoàn này khi thực hiện sáp nhập với Công ty Tân Á Đông ở phía nam và Công ty Tân Á tại Hà Nội thành Tập đoàn Tân Á Đại Thành có vốn điều lệ 760 tỉ đồng. Lúc này, công ty có 5 nhà máy hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Nông và Hưng Yên.

Một số công ty đáng chú ý khác trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Tân Á Đại Thành có thể kể đến như: Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên (Tân Á Hưng Yên), CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman),…

Trong đó, cái tên đáng chú ý là Tân Á Hưng Yên cũng là đơn vị sở hữu Nhà máy Tân Á Đại Thành Hưng Yên với quy mô 10 ha, được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, Tân Á Hưng Yên mới nâng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Công ty này là một trong những “mắt xích” quan trọng của Tân Á Đại Thành.

Ngoài ra, Tập đoàn Tân Á Đại Thành còn cho ra đời sản phẩm ống nhựa thương hiệu Stroman với công ty thành viên là CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman). Sản phẩm này góp phần hoàn thiện “giải pháp tổng thể về nguồn nước” mà Tân Á Đại Thành đang theo đuổi.

Nhà máy Ströman tại Hưng Yên của Tân Á Đại Thành.

Năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã tái cấu trúc sáp nhập, cùng với đó nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương cũng góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành (chủ sở hữu Tân Á Hưng Yên), …

Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019, với vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Minh Ngọc (nắm giữ 30% VĐL), bà Nguyễn Thị Mai Phương (nắm giữ 50% VĐL) và ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 20% VĐL).

Đến cuối tháng 1/2020, công ty này nâng vốn điều lệ lên 1.657,2 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985) đảm nhiệm. Ông Chính là con trai của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương.

Tân Á Đại Thành từng bước “chuyển mình” sang lĩnh vực bất động sản

Với một tham vọng lớn hơn, với tiềm lực sẵn có, năm 2019 Tân Á Đại Thành chính thức đặt chân vào lĩnh vực bất động sản khi thành lập Công ty cổ phần bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành với thương hiệu Meyland. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 1.000 tỷ, bao gồm 8 công ty thành viên. Meyland gồm 4 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Mai Phương (nắm giữ 45% VĐL), ông Nguyễn Minh Ngọc (nắm giữ 27% VĐL), ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 18% VĐL) và bà Nguyễn Phương Anh (nắm giữ 10% VĐL).

Lấn sân sang lĩnh vực hoàn toàn mới và Phú Quốc cũng là địa điểm được Tân Á Đại Thành của chủ tịch Nguyên Thị Mai Phương ”chọn mặt gửi vàng” cho dự án đầu tiên của mình mang tên Meyhomes Capital Phú Quốc. Theo đó, thay vì tập trung phát triển loại hình bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng như những doanh nghiệp khác, Tân Á Đại Thành chọn phát triển khu đô thị với dự án Meyhomes Capital Phú Quốc.

Meyhomes Capital Phú Quốc là dự án đầu tay của Tân Á Đại Thành kể từ khi lấn sân sang bất động sản.

Meyhomes Capital Phú Quốc là khu phức hợp nghỉ dưỡng và đầu tư có quy mô 56,09 ha, mật độ xây dựng chỉ 35%, gồm có 5 phân khu nghỉ dưỡng cao cấp, sở hữu cảnh quan ven biển hài hòa.

Dự án được giới thiệu với 1305 căn liền kề, shophouse, 130 căn biệt thự cùng hệ thống tiện ích nội khu đa dạng như: trung tâm mua sắm, công viên dạo bộ, spa, gym, bể bơi, club house, khu vui chơi – giải trí, khu vui chơi trẻ em, công viên nghệ thuật theo chủ đề ArtWork, rạp chiếu phim…

Ngoài ra, trên website của Tập đoàn Tân Á Đại Thành, doanh nghiệp còn sở hữu dự án MeySenses Lucia Bay Bãi Lữ. Dự án tọa lạc tại trên địa bàn 2 xã là Nghi Tiến và Nghi Yên của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Dự án có tổng quy mô 195,8 ha, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Về vị trí, dự án có phía Tây Nam của Khu du lịch Bãi Lữ; Phía Tây Bắc nằm giáp bãi Cửa Hiền; Phía Tây Nam giáp KDC xã Nghi Yên; Phía Đông Nam giáp dự án FLC và Phía Đông Nam giáp biển Đông.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1: Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển – Quy mô 52,5 ha và Giai đoạn 2: Khu đô thị cao cấp – Quy mô: 143,3 ha. Dự án bao gồm các sản phẩm như biệt thự nghỉ dưỡng: 320 căn, nhà phố thương mại 50 căn và tổ hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn cao cấp 5 sao thương hiệu Mgallery.

Kể từ khi lấn sân sang bất động sản, Tân Á Đại Thành đã sở hữu quỹ đất hơn 1.000 ha với 27 dự án tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác, cùng với định hướng đầu tư phát triển 3 dòng sản phẩm chính là BĐS đô thị và nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp.

Chơi lớn với Khu đô thị 800ha tại Lâm Đồng

Mới đây, UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) vừa phát đi Báo cáo số 330/BC-UBND về phạm vi ranh giới đề xuất khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch Khu đô thị trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng do Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất.

Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Thường trực huyện ủy Đức Trọng, UBND huyện Đức Trọng đã kiểm tra, rà soát phạm vi ranh giới và ý tưởng nghiên cứu khảo sát, đề xuất lập dự án đầu tư dự án nói trên.

Theo đó, tên dự án được xác định là Khu đô thị Trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Đồng thời, sau khi kiểm tra sự chồng lấn quy hoạch tại khu vực, sự phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh, kết luận của Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Đức Trọng đề xuất tên dự án được xác định là Khu đô thị Trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục thể thao thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Phạm vi ranh giới khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch thuộc một phần thị trấn Liên Nghĩa. Ranh giới khu vực quy hoạch có phía Đông giáp khu quy hoạch 200 ha và dự án Khu đô thị sinh thái du lịch Hồ Nam Sơn; phía Tây giáp quy hoạch đường cao tốc Liên Khương- Prenn; phía Nam giáp ranh giới hành chính thị trấn Liên Nghĩa; phía Bắc giáp đường ĐH1 và đất quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao.

Đề xuất làm dự án KĐT 800ha tại Lâm Đồng của Tân Á Đại Thành.

Về quy mô, UBND huyện Đức Trọng đề xuất diện tích tài trợ lập quy hoạch khoảng 710 ha. Đây là phần diện tích sau khi đã trừ phần diện tích bị chồng lấn đối với các dự án theo chủ trương của UBND tỉnh và phần đất quy hoạch công nghiệp công nghệ cao, logistics theo định hướng của đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Trọng đến năm 2035.

Các ý tưởng phân khu chức năng gồm: Khu đô thị mới, khu đô thị chỉnh trang (đối với những khu vực hiện hữu đã có dân cư ở đông đúc), văn hoá, thể dục thể thao trên cơ sở phù hợp với định hướng sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật của các quy hoạch cấp trên và định hướng của đồ án quy hoạch chung đô thị Liên Nghĩa (mở rộng) đang triển khai thực hiện.

UBND huyện Đức Trọng lưu ý, trong khu vực dự án không quy hoạch công nghiệp công nghệ cao, logistics và không quy hoạch sân golf. Trước đó, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã đề xuất khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án có tên Khu phức hợp đô thị và công nghiệp công nghệ cao – logistics, phi thuế quan Meyhomes Lâm Đồng 1, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Trước đó, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã đề xuất khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án có tên Khu phức hợp đô thị và công nghiệp công nghệ cao – logistics, phi thuế quan Meyhomes Lâm Đồng 1, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Quy mô khảo sát tài trợ lập quy hoạch có diện tích khoảng 800ha. Dự kiến cơ cấu sử dụng đất theo phương án đề xuất gồm: Khu phát triển đô thị; khu sân Golf cao cấp; khu công nghiệp công nghệ cao và logistics; đất quốc phòng – an ninh (Trại tạm giam Gia Chánh – Công an huyện) được cập nhật lại theo hiện trạng.

Ngoài dự án trên, trước đó, thời điểm tháng 9/2021, Tân Á Đại Thành đã đề xuất làm khu đô thị hơn 2.700 tỷ ở huyện Ea Kar trên diện tích khoảng 72 ha, thuộc thôn 9, xã Ea Đar (Đắk Lắk), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng. Theo báo cáo của tập đoàn này, dự án có diện tích khoảng 72 ha nằm tại vị trí thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện. Dự án bao gồm hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với Quốc lộ 26, trong đó lấy cụm công trình trụ sở UBND, trung tâm thương mại và công viên cây xanh làm trung tâm…

Trước đó, tháng 8/2021, doanh nghiệp cũng đã đề xuất đầu tư và xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long hơn 76ha tại TP. Quảng Ngãi. UBND TP. Quảng Ngãi đồng ý tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết cách thức tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ theo đúng quy định.

Tái cấu trúc doanh nghiệp với tham vọng doanh thu tỷ USD

Có một điều mà chắc hẳn rất ít người biết đó là thương hiệu Tân Á Đại Thành thực chất là thuộc hai công ty khác nhau mặc dù lãnh đạo của hai Công ty này là người cùng một gia đình. Trong khi Công ty Tân Á bán hàng ở thị trường phía Bắc tính từ Phú Yên trở ra thì Công ty Đại Thành bán hàng thị trường phía Nam từ Phú Yên trở vào và các tỉnh Tây Nguyên…

Thời điểm giữa năm 2018, ông Nguyễn Duy Chính – Tổng Giám đốc Tân Á Đại Thành tiết lộ rằng: Năm 2019, Công ty Tân Á và Công ty Đại Thành sẽ tiến hành hợp nhất thành một và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 doanh thu của thương hiệu này sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, thị phần bồn nước inox trên thị trường trong nước sẽ đạt trên 80%, thị phần bình nước nóng đạt 70%.

Ông Nguyễn Duy Chính – Tổng Giám đốc Tân Á Đại Thành.

Nói qua một chút về CEO Tân Á Đại Thành. Ông Nguyễn Duy Chính sinh ngày 12/1/1985. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Anh, ông “đầu quân” về Tập đoàn Tân Á Đại Thành – nơi mẹ ông, bà Nguyễn Thị Mai Phương là Chủ tịch HĐQT. Trải qua 4 năm công tác tại nhiều vị trí khác nhau, vào tháng 1/2015, ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Đây được coi là bước đầu nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Phương chuyển giao quyền lực cho con trai mình.

Là người chứng kiến sự nghiệp kinh doanh của gia đình, từ những lúc thăng, lúc trầm, thậm chỉ là cả những giai đoạn khủng hoảng nặng nề; doanh nhân Nguyễn Duy Chính hiểu hơn ai hết về mục tiêu hàng đầu mà mẹ ông – Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Phương theo đuổi.

Tổng Giám đốc Tân Á Đại Thành chia sẻ: “Tập đoàn hiện có 3 thế hệ cùng tồn tại. Thế hệ 1 là nhà sáng lập, thế hệ 2 là các cổ đông đang nắm cổ phần chi phối và thế hệ 3 là các con cháu cán bộ công nhân viên lâu năm được coi là đội ngũ kế cận. Sau hơn 25 năm phát triển, Tập đoàn cần tinh gọn và chuyên nghiệp trước khi đón nhận đối tác chiến lược. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn giữ nền tảng gia đình nhưng hoạt động theo mô hình quản trị tiên tiến”.

Vị doanh nhân sinh năm 1985 cũng bộc bạch rằng, thời điểm “khó khăn” nhất là khoảng năm 2017 khi tổng doanh thu của thương hiệu Tân Á Đại Thành mới đạt gần 5.000 tỷ đồng, trong đó sản phẩm chủ lực là bồn nước inox chiếm 39%. Song song đó, trên thị trường xuất hiện thêm sự tham gia của gần 20 thương hiệu khác cùng phân khúc bồn nước inox khiến “sân chơi” của Tân Á Đại Thành ngày càng bị thu hẹp.

Sau hơn nửa thập niên (2015 – 2021), ông Nguyễn Duy Chính giữ cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tân Á Đại Thành tiếp tục duy trì 3 dòng sản phẩm thị phần số 1 Việt Nam, 15 nhà máy công nghệ cao, hơn 30.000 chi nhánh điểm bán và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia.

CEO Tân Á Đại Thành trở thành đại biểu HĐND TP Hà Nội

Ngoài cương vị Tổng Giám đốc của Tân Á Đại Thành, ông Nguyễn Duy Chính còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội lần thứ V (nhiệm kỳ 2018 – 2023). Đây là nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp của ông Nguyễn Duy Chính trên cương vị này.

Cụ thể, vào ngày 29/3/2021, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phường Thượng Đình đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nơi cư trú đối với người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại Tổ dân phố số 36 phường Thượng Đình. Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Chính – CEO Tân Á Đại Thành đã được các cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100% giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Và đúng như kỳ vọng, chiều ngày 27/5/2021, Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội công bố danh sách 95 người trúng cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại diện cho khối Doanh nhân, ông Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tổng công ty CP đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng được “xướng tên”.

CEO Nguyễn Duy chính cũng từng chia sẻ “Một doanh nghiệp lớn không chỉ là một doanh nghiệp kiếm được hàng ngàn tỷ đồng, mà phải là một doanh nghiệp có thể mang tới giá trị cho hàng triệu khách hàng, tôi đã ấp ủ từ lâu cho giấc mơ sản phẩm Việt vươn xa ra quốc tế và giờ tôi đã hiện thực hóa nó”.

Đại diện các cử tri hy vọng ông Nguyễn Duy Chính sẽ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thành phố, đề xuất hoàn thiện Luật doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và TP. Hà Nội nói chung. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao thương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động Thủ đô.

Trở lại với hệ sinh thái Tân Á Đại Thành của CEO Nguyễn Duy Chính, cách đây hơn 25 năm, thời kỳ mà kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang còn sơ khai, bà Nguyễn Thị Mai Phương – Chủ tịch HĐQT và là người sáng lập Tập đoàn đã có những quyết định táo bạo khi đặt chủ trương nhập khẩu hệ thống máy móc thiết bị, chính thức đặt nền móng để Tân Á Đại Thành bước chân vào lĩnh vực sản xuất bồn nước inox – quyết định này đã đánh dấu bước ngoặt tiên phong trên thị trường, không chỉ thay đổi tư duy và cách thức dự trữ nước sinh hoạt mà còn khởi nguồn cho dòng chảy của Tân Á Đại Thành trong từng gia đình Việt.

Với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Tân Á Đại Thành cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác phải đối mặt với những “chật vật” về mô hình hoạt động, hệ thống quản trị và công nghệ sản xuất lạc hậu so với mặt bằng chung thế giới. Đối mặt với vấn đề này, tập đoàn đã định hướng đẩy mạnh hiện đại hóa bằng cách tái cấu trúc để phù hợp với quy mô phát triển đang lớn mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và điều hành doanh nghiệp và định hướng đưa sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.

Chung quy lại, chiến lược kinh doanh với ngành cốt lõi của Tân Á Đại Thành sẽ được quy hoạch thành 3 tổng công ty đó là: Tổng Công ty Công nghiệp Gia dụng Tân Á Đại Thành, Tổng công ty Bất động sản Tân Á Đại Thành và Tổng công ty Khai khoáng và Xây dựng HUD Tân Á Đại Thành. Mỗi ngành chủ đạo sẽ do một tổng công ty điều hành tự chủ, hạch toán độc lập và tự chịu trách nhiệm về kế hoạch và kết quả kinh doanh.

Với tiềm lực sẵn có với nền tảng là kinh doanh bồn nước nóng, cùng quá trình tái cấu trúc của mình liệu rằng Tân Á Đại Thành có hoàn thành mục tiêu đề ra đạt doanh thu tỷ USD vào năm 2025 và lọt vào top 5 thương hiệu bất động sản Việt Nam hay không thì vẫn là một câu hỏi cần thời gian để trả lời.

Quang Anh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/12/2024