Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee từng là biểu tượng trong hành trình gây dựng đế chế Samsung.

Theo thông báo từ phía Tập đoàn Samsung, Ông Lee đã qua đời vào Chủ nhật vừa qua (25/10) dưới sự chăm sóc và chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Nhưng thông báo từ tập đoàn không hề đề cập đến nguyên nhân cái chết của ông. Gia đình dự định sẽ tổ chức một buổi tang lễ riêng tư, không cho phép người đến viếng vào hiện trường tang lễ.

Tang quyến bao gồm vợ ông Hong Ra Hee (ái nữ cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp thứ 9 và Bộ Nội vụ thứ 21) – Cựu Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Leeum; con trai Lee Jae Yong – Phó Chủ tịch Samsung Electronics; con gái Lee Bo Jin – Chủ tịch Hotel Shilla; con gái Lee Seo Hyun – Chủ tịch Tổ chức Phúc lợi Samsung và con rể Kim Jae Jeol (con út Chủ tịch tập đoàn DongA Ilbo) – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung.

Được biết, Ngài chủ tịch Lee đã từng đột quỵ tại nhà riêng ở Itaewon, Seoul do nhồi máu cơ tim cấp tính vào tháng 05/2014 và phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi từ những năm 1990. Dù từng vài lần bị vướng vào vấn đề pháp lý, song ông Lee Kun Hee vẫn là biểu tượng trong hành trình gây dựng đế chế Samsung – con đại bàng vĩ đại và trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc đi đến đỉnh cao.

Ông Lee Kun Hee sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda tại Tokyo, Nhật Bản đã trở về Hàn Quốc làm việc cho công ty Samsung (“Samsung” mang ý nghĩa “ba ngôi sao”) của cha mình-ông Lee Byung Chull. Với tài năng xuất chúng của bản thân, ông đã biến công ty từ một nhà chế biến và xuất khẩu trái cây và cá khô trong những giai đoạn đầu trở thành một đế chế công nghệ khổng lồ Samsung với giá trị ước tính khoảng 375 tỷ USD, với hàng tá các công ty con tại đủ các ngành khác nhau, trải dài từ điện tử đến bảo hiểm, đóng tàu, xây dựng.

Ông là người thừa kế thế hệ thứ hai cuối cùng của đế chế Cheabol (tức Tài phiệt, là tên gọi của các đại tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc) đã mất, để lại những vấn đề đầy nan giải cho thế hệ thừa kế thứ ba.

Cho đến thời điểm qua đời, ông Lee Kun Hee được xem như người giàu nhất Hàn Quốc, với khối tài sản được tạp chí Forbes định giá lên đến 20.9 tỷ USD. Đây chính là điều mà giới đầu tư quan tâm đến nhất ngay lúc này, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến việc tái cấu trúc tập đoàn trong tương lai, bao gồm những cổ phần của ông trong hai công ty chính của tập đoàn Samsung là Samsung Life và Samsung Electronics.

Nhà máy Samsung tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh.

Cái chết của Chủ tịch Tập đoàn Samsung liệu có ảnh hưởng gì đến quá trình đầu tư của Samsung tại Việt Nam hay không cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Như thông tin báo chí đã đưa, vào chiều 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Lee Jae Yong, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung, người còn được mệnh danh là “Thái tử Samsung”. Trong 3 ngày viếng thăm và trao đổi, có dấu hiệu khả quan cao rằng Samsung sẽ tiến hành đầu tư và hoàn tất chuỗi sản xuất điện tử của mình tại VN, trong đó có một dự án rất quan trọng là đưa vào hoạt động trung tâm R&D của Tập đoàn tại Hà Nội vào cuối năm 2022 và dự kiến có hơn 3000 kỹ sư làm việc tại đây. Đây cũng là trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á của Samsung, đồng thời là cứ điểm chính của Tập đoàn. Đó là tín hiệu rất khả quan đối với Việt Nam trong quá trình chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp sang một cường quốc công nghiệp.

Thực tế việc Samsung đầu tư mạnh vào Việt Nam, ngoài việc giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và các ngành liên quan. Còn một vấn đề rất quan trọng đó là tạo nên một ngành công nghiệp điện tử mà tại đó tỷ lệ nội địa hóa đạt mức cao, góp phần tạo ra ngành công nghiệp phụ trợ mạnh trong lĩnh vực điện tử. Qua đó thúc đẩy Việt Nam có được nền công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử thực sự hấp dẫn đối với tất cả các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc hay có ý định chuyển khỏi Trung Quốc.

GIA HUY