Tuy nhiên, theo vị doanh nhân này, Chính phủ và Doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén và có chiến lược bài bản hơn.

Doanh nhân Việt Kiều Nguyễn Hoài Bắc

Chính phủ cũng cần nỗ lực

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển động mạnh mẽ do tác động của khoa học công nghệ, Chính phủ đã và đang có rất nhiều cải cách quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của những cải cách này?

Từ góc nhìn khách quan của một Việt kiều đã và đang đầu tư vào Việt Nam từ những năm 2000 đến nay, tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề cũng như các giải pháp quan trọng của Chính phủ trong những năm gần đây. Đặc biệt, sau năm 2015, Thủ tướng Chính phủ và nội các đã quyết liệt đưa ra nhiều cải cách chính sách, xoá bỏ nhiều rào cản cho doanh nghiệp và khắc phục sự trì trệ của nền kinh tế. Nhiều điều khoản trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không phù hợp đã được bãi bỏ và bổ sung những điều khoản tích cực, phù hợp hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng: Sự chuyển biến của cơ quan công quyền chưa đồng bộ. Vẫn còn tình trạng các văn bản không phù hợp được bãi bỏ thì lại phát sinh các văn bản mới không chuẩn mực, không minh bạch của các bộ ngành, dẫn đến doanh nghiệp khó vẫn hoàn khó.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên đồng lòng chung sức làm “cuộc đại phẫu thuật” để vạch ra, làm rõ những bất cập trong quá trình hoạt động, phát triển. Từ đó, chúng ta sửa đổi, bổ sung để có một hệ thống chính sách, luật pháp hạn chế nhất những bất cập, phù hợp với thực trạng trong và ngoài nước ở giai đoạn hiện nay cũng như tầm nhìn 2050.

Chính phủ mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau là đúng đắn. Chính phủ cũng đã lấy quyền lợi của nhân dân là tối thượng thì mặc nhiên Chính phủ cũng phải cố gắng để không bị bỏ lại phía sau so với thời cuộc.

Sức mạnh chính vẫn là nội lực

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP) là mối quan tâm trong những năm qua của Việt Nam với nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu. Ông có thể chia sẻ quan điểm về cơ hội đón nhận các ưu đãi từ hiệp định này của DN Việt Nam?

Hiệp định CPTPP là hiệp định tiến bộ, thế hệ mới mang đến nhiều điều tốt đẹp cho các nước tham gia trong hiệp định. Có thể nói nếu Việt Nam tận dụng và phát huy được tiềm năng sẵn có thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.

Điều kiện tiên quyết cho sự đón nhận – phát triển này là các bộ ngành, trong phạm vi của mình, phải biết đột phá về cơ chế chính sách, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong cải cách chính sách và pháp luật để cởi bỏ chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn mạnh. Để tránh “trên nóng dưới lạnh” thì các cấp có thẩm quyền thay mặt cho chính phủ trong hoạt động điều hành phải thông thoáng hơn để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Nếu DN không thể tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu thì Việt Nam sẽ không có hàng hoá xuất khẩu và việc ưu đãi thuế quan sẽ không có tác dụng đối với Việt Nam. Ngược lại, chính Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá cho các nước và chúng ta sẽ thua toàn diện.

Chính phủ và Doanh nghiệp cùng nỗ lực trong công cuộc hội nhập

Nhìn về bức tranh kinh tế Việt Nam 2019, dự cảm của ông là gì?

Toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây bước đầu minh chứng: sự đồng hành của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đã đạt được sự đột phá về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội. Dòng vốn đầu tư trong nước vào các ngành nghề đa dạng hơn. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. An ninh xã hội ổn định. Lòng dân có niềm tin với Đảng và Chính phủ khi các vấn đề nổi cộm được xử lý nghiêm túc và triệt để, từ đó, người dân vững lòng cùng Chính phủ xây dựng đất nước.

Năm 2019 là năm có nhiều thách thức khi các cường quốc đang sa vào chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc. Nhiều cuộc chiến thương mại đã xảy ra và đang manh nha lan rộng. Bối cảnh đó tác động rất lớn đến Việt Nam – một quốc gia mới phát triển. Nếu chiến lược phát triển không phù hợp, không nhạy bén thì chúng ta sẽ bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm.

Theo tôi, những việc cần làm ngay là duy trì và phát huy những nền tảng sẵn có để làm nền tảng cho 5 năm kế tiếp và những năm tiếp theo. Trong đó, động lực quan trọng nhất là đào tạo con người thế hệ mới 4.0 có đủ nội lực bức tốc, vượt lên so với các nước mạnh trong khu vực. Duy trì và tăng trưởng GDP mức bằng hoặc hơn 6,5%. Tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho xã hội… Hi vọng một năm mới 2019 Việt Nam thành công và hạnh phúc!

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)