ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Thứ bảy, 06h00 27/04/2024

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

(KDPT) - Theo giới phân tích, những tín hiệu hỗ trợ cho sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang ngày càng rõ ràng hơn. Đây là kết quả tích cực của các công ty chứng khoán.

Nhiều công ty báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số

Theo thống kê cho thấy, hiện tại đa số các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, khoảng 10 công ty báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số. Đặc biệt, nhiều công ty đã hoàn thành hơn 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024.

Đơn cử, Chứng khoán VNDirect công bố báo cáo tài chính riêng quý I với doanh thu hoạt động đạt 1.385 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng tới 334% với 767 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự cải thiện của hoạt động tự doanh cũng như sự giảm mạnh của chi phí hoạt động, phí tài chính.

Chứng khoán SSI cũng ghi nhận tổng doanh thu quý I/2024 đạt 1.945 tỷ đồng, tương đương tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của SSI tăng 53%, đạt 900 tỷ đồng - đây là khoản lãi cao nhất trong 8 quý gần nhất. Ước tính, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2024 của SSI lần lượt là 25% và 28% kế hoạch 2024.

Hàng loạt công ty báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số. (Ảnh minh họa)
Hàng loạt công ty báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số. (Ảnh minh họa)

Hay như Chứng khoán HSC cũng ghi nhận tổng doanh thu quý I/2024 tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 863 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, HSC báo lãi trước thuế đạt gần 346 tỷ đồng, tăng 124%, theo đó hoàn thành khoảng 24% mục tiêu lợi nhuận năm.

Chứng khoán Vietcap công bố doanh thu quý I vừa qua đạt 806 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 62% so với cùng kỳ nhờ các khoản mục từ Lãi bán các tài sản tài chính tăng gấp đôi, đạt 338 tỷ đồng; Hoạt động cho vay đóng góp ghi nhận hơn 108 tỷ đồng và hoạt động môi giới cũng đem về cho công ty hơn 180 tỷ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Vietcap đạt gần 228 tỷ đồng, tăng 181%, hoàn thành gần 33% mục tiêu lãi của cả năm.

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV thông báo doanh thu hoạt động quý I là 352 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế đạt gần 172 tỷ đồng, tăng 41% và hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đối với Chứng khoán SHS, mặc dù doanh thu quý I ghi nhận giảm 17% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 565 tỷ đồng do các khoản mục lãi từ tài sản FVTPL giảm mạnh. Tuy nhiên, lãi trước thuế vẫn tăng gần 9 lần so với cùng kỳ, đạt khoảng 444 tỷ đồng nhờ tối ưu chi phí hoạt động. Theo đó, kết thúc quý I, công ty chứng khoán này đã hoàn thành gần 43% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong báo cáo tài chính quý I của Chứng khoán FPT ghi nhận doanh thu hoạt động 299 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế cũng tăng 93% lên 191 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Như vậy, chỉ trong quý I vừa qua, Chứng khoán FPT đã hoàn thành hơn 45% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cũng có kết quả kinh doanh quý I/2024 hết sức khả quan, Chứng khoán VietinBank ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 63% lên gần 324 tỷ đồng. Trong đó, Lãi từ tài sản  FVTPL tăng 88% lên 165 tỷ đồng; Lãi từ cho vay và phải thu tăng 72% lên mức hơn 79 tỷ đồng. Kết thúc quý I. công ty báo lãi trước thuế đạt 124 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với mức lãi chỉ vỏn vẹn 13 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 44% kế hoạch cả năm.

Thêm nhiều yếu tố tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán. (Ảnh minh họa)
Thêm nhiều yếu tố tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán. (Ảnh minh họa)

Nhiều yếu tố tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia đến từ CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng, triển vọng của các công ty chứng khoán trong năm 2024 tiếp tục được cải thiện nhờ một số yếu tố như lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư tăng trưởng trong điều kiện thị trường thuận lợi; chất lượng tài sản ổn định hơn nhờ tỷ lệ chậm trả gốc, lãi trái phiếu giảm dần.

VIS Rating kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình của doanh nghiệp (ROAA) năm 2024 sẽ cải thiện 50-70 điểm cơ bản so với năm ngoái, lên mức 4,8-5% nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư công cụ có thu nhập ổn định cùng với cho vay ký quỹ.

Trên thực tế, ghi nhận tại một số đại hội cổ đông năm 2024 hoặc tài liệu trình đại hội cổ đông của các công ty chứng khoán cũng đang cho thấy sự kỳ vọng lớn về tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024. Nhiều công ty đang khẩn trương trình và triển khai các bước để phát hành tăng vốn. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đang đặt kỳ vọng lớn vào tương lai của thị trường này.

Ông Phan Duy Hưng - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cho rằng, đòn bẩy của các công ty chứng khoán sẽ tăng lên nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro sẽ giảm thiểu bằng các đợt tăng vốn diễn ra thời gian gần đây. Theo vị chuyên gia, các công ty chứng khoán trong nước sẽ gia tăng các khoản vay nợ cũng như huy động vốn mới để hỗ trợ tăng trưởng tài sản của họ.

Tương tự, trong báo cáo của SSI Research mới đây cho rằng cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian tới.

Giới phân tích cho biết, những tín hiệu hỗ trợ cho sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang ngày càng rõ ràng hơn. Đây là kết quả tích cực của các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, quyết tâm cùng những bước tiến trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty chứng khoán tăng trưởng về kinh doanh.

Ngoài ra, các thông tin về hệ thống KRX cũng kỳ vọng sẽ tạo “chất xúc tác” cho thanh khoản thị trường cải thiện và cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền. Có thể thấy, câu chuyện KRX đã từng nhiều lần “kích” cổ phiếu chứng khoán. Đơn cử như phiên ngày 22/4, ngay sau khi thông tin hệ thống KRX sắp được vận hành, cổ phiếu chứng khoán đã có đà tăng khá tốt trong phiên sáng và sang đến phiên chiều thì bùng nổ tăng mạnh với nhiều mã kịch trần. Mặc dù vốn hóa của cổ phiếu chứng khoán không lớn nên ảnh hưởng đến điểm số chung khá hạn chế, nhưng động lực mà nhóm này mang lại là tâm lý hưng phấn cho thị trường.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới có thể gặp hạn chế do sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt với các công ty chứng khoán nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn. Thêm vào đó, chất lượng tài sản sẽ dần ổn định sau khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đã chậm lại.

Cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Cuộc đua tăng vốn được kỳ vọng tiếp tục củng cố nền tảng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Trong chia sẻ mới đây, ông Ketut Kusuma, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đánh giá, thị trường vốn Việt Nam đã bắt kịp các quốc gia đồng đẳng, nhưng vẫn chưa thể phát triển thành nguồn cung quan trọng dù có tiềm năng to lớn.

Theo ông Ketut Kusuma, “Việt Nam nên ở đẳng cấp khác” và cho rằng cần tập trung xử lý nhanh 3 vấn đề: Thứ nhất là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), thứ hai là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại và cuối cùng là phẩm cấp hàng hóa.

Dẫn số liệu về việc thị trường chứng khoán Việt Nam có tới 1.599 doanh nghiệp hiện được niêm yết và giao dịch, trong khi đó, các thị trường khu vực chỉ có vài trăm doanh nghiệp. Vị chuyên gia nhận định, quy mô doanh nghiệp của Việt Nam quá nhỏ, điều này cũng khiến tỷ lệ cổ phiếu mà khối ngoại có thể mua ở mức thấp. Thậm chí, để mua được số lượng lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải mua với giá cao hơn nhiều thị giá trên sàn.

Theo nhận định của chuyên gia Ngân hàng thế giới, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của FTSE Russell, Việt Nam có thể đón dòng vốn trị giá 25 tỷ USD. Thông thường, dòng tiền sẽ vào mạnh thị trường trước khi được công bố nâng hạng.

Trên thực tế, con đường nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam rất dài. Vào năm 2018, FTSE Russell đã đưa chứng khoán Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 và đến kỳ đánh giá tháng 3/2024, tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Còn trong kỳ đánh giá tháng 6/2023, MSCI chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do là các tiêu chí không thay đổi so với kỳ đánh giá 1 năm trước đó./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/05/2024