Đang rầm rộ, dự án Hồ Tùng Mậu Tower bất ngờ ngừng thi công, vì sao?
LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức. Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. “Căn bệnh” lãng phí đã “lây lan” đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Hàng nghìn dự án, công trình bị “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa là mối hoạ lớn cho đất nước… Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 191 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (thay thế Quy định số 32/2021) và Quyết định số 192 kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, và từ thực tiễn, chúng tôi đăng tải tuyến bài viết về các dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí và bức xúc cho người dân, với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc đẩy nhanh tiến độ dự án, khơi thông nguồn lực để tránh lãng phí tài sản, tài nguyên đất đai của doanh nghiệp và Nhà nước. |
Hồ Tùng Mậu Tower là một trong những mảnh đất vàng hiếm hoi còn lại trong nội đô Hà Nội. Dự án nằm tại địa chỉ Km9 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội với diện tích 6.291m2, do Công ty Cổ phần Sản xuất - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Từ Liêm (Công ty Từ Liêm) kết hợp với Công ty TNHH Đầu Tư Central Capital (Công ty Central Capital) thực hiện.
Dự án được UBND Hà Nội cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 8/12/2020, với tiến độ thực hiện quý IV/2020 - IV/2022. Tới tháng 8/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình.
Ngày 11/5/2022, UBND TP Hà Nội có quyết định bổ sung dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn diện tích khoảng 0,63 ha tại km9 đường Hồ Tùng Mậu vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 quận Cầu Giấy.
Đáng chú ý, sau nhiều năm bỏ hoang, đầu tháng 10 vừa qua, chủ đầu tư dự án đã huy động máy móc, công nhân đến dọn dẹp mặt bằng, khoan cọc công trình… chuẩn bị thi công dự án.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều người dân sống quanh bất ngờ khi dự án bỗng im bặt, công trường không một bóng người và máy móc cũng đã được di chuyển sạch, bên trong dự án chỉ còn lại một số vật dụng đang sử dụng dang dở.
Trao đổi với người viết, chị Thanh, bán hàng nước gần dự án cho biết, sau khi dồn dập thi công, hơn nửa tháng nay dự án bỗng dừng hẳn không có hoạt động gì, không rõ lý do.
Dự án từng bị hủy thầu do không có kế hoạch cụ thể về tài chính
Liên quan đến việc xây dựng dự án này, trước đây Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng Holdings) đã tham gia ký kết hợp đồng thi công số 1503/HOTUNGMAU/HĐXD, gói thầu "Tổng thầu thi công xây dựng" thuộc dự án. Gói thầu có tổng giá trị hơn 1.430 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7 năm nay, Phục Hưng Holdings bất ngờ công bố chấm dứt hợp đồng thực hiện gói thầu này. Nguyên nhân là do Central Capital chưa có kế hoạch cụ thể về tài chính để triển khai dự án.
Được biết, tại biên bản họp ngày 11/7, đại diện bên giao thầu là ông Hoàng Văn Hậu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Central Capital đính chính rằng việc chấm dứt hợp đồng thuộc các lý do của bên giao thầu chứ không phải do nguyên nhân từ bên nhận thầu (Công ty Cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings).
Trong biên bản họp, Công ty TNHH Đầu tư Central Capital cam kết tuân thủ các quy định pháp luật và điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng về việc chấm dứt hợp đồng, cũng như phối hợp chặt chẽ với bên nhận thầu để hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng và bàn giao.
Sau khi Phục Hưng rút lui đến lượt Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Hà Thanh ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được chọn làm nhà thầu xây dựng dự án.
Tuy nhiên, sau khi được giao thi công dự án, không hiểu vì lý do gì đang thi công dang dở thì doanh nghiệp này lại thu dọn hết máy móc và dừng xây dựng dự án.
Để có câu trả lời, người viết đã nhiều lần liên lạc với đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Xây dựng Hà Thanh, tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
- Ngân hàng không được gửi tin nhắn có nội dung chứa đường link, trừ trường hợp khách hàng yêu cầu
- Cách Masan dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ trong năm 2024
- Grand Pioneers đoạt giải thưởng “Hãng Du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024”