ISSN-2815-5823
Khánh Hà
Thứ sáu, 10h15 23/02/2024

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội: Doanh nghiệp “than khó”

Qua thực tế thực hiện triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại diện các doanh nghiệp đang triển khai loại hình nhà ở này cho biết, quá trình triển khai đầu tư vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Hiện nay, mới có 6 dự án nhà ở xã hội ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, đạt 0,4% gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Ngày 22/2, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, mới có 6 dự án nhà ở xã hội ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, đạt 0,4% gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Từ thực tế triển khai thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tham dự hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes cho biết, hiện nay Vinhomes đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại Khánh Hòa, Hải Phòng, Thanh Hóa với số lượng khoảng trên 10 nghìn căn hộ tuy nhiên, việc thực hiện nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Vinhomes. (Ảnh: Khánh Hà)

Từ những khó khăn trong thủ tục đầu tư, ông Hoa đã đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu để trình Chính phủ để thủ tục đầu tư sao cho các dự án nhà ở xã hội đơn giản hóa, nhanh gọn bằng hoặc nhanh hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Ông Hoa nêu đề xuất, thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án nhà ở xã hội cần thực hiện nhanh, có thể song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Vinhomes cho biết, mặc dù các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân không phải nộp tiền sử dụng đất nhưng các chủ đầu tư nhà ở xã hội vẫn phải xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, rồi sau đó xác định số tiền được miễn, thủ tục xin trình Sở Xây dựng các tỉnh để xét duyệt các đối tượng… “Rất nhiều thủ tục, thậm chí thủ tục nhiều hơn nhà ở thương mại. Vì vậy từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng cần xem xét để rút ngắn thủ tục chính”, ông Hoa kiến nghị.

Liên quan đến chất lượng xây dựng nhà ở xã hội, ông Hoa cho biết, trên thực tế, Vingroup đang muốn đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, kiểu mẫu để các đối tượng thu nhập thấp, công chức, lực lượng quân đội, công an… chưa có nhà có thể mua được nhà. Ông Hoa nhấn mạnh, dù là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng nhà ở xã hội cần phải đảm bảo. Hiện nay, suất đầu tư của nhà ở xã hội đã giảm khoảng 25% so với suất đầu tư của nhà ở thương mại. Trong khi đó, bản thân suất đầu tư của nhà ở thương mại đã thấp hơn thực tế nhà đầu tư đang làm. “Nhà ở xã hội còn thấp hơn nhà thương mại 25% như vậy chúng ta cần phải xem xét lại”, ông Hoa kiến nghị.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng - ông Vương Quốc Toàn, cũng chỉ ra một thực tế, thủ tục pháp lý làm nhà ở xã hội hiện "quá lâu". Đã có doanh nghiệp phải đi hàng chục tỉnh nhưng mới được 11 tỉnh chấp thuận, thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai còn chậm và phức tạp. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn khiến gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng gần như không đi vào cuộc sống.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng - ông Vương Quốc Toàn. (Ảnh: Khánh Hà)

Cũng đưa ý kiến tại Hội nghị, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân thông tin, hiện nay doanh nghiệp đang đang thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ bàn giao và đi vào sử dụng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long.

“Hưởng ứng chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã gửi 38 tỉnh thành để đăng ký các dự án nhà ở xã hội. Trong năm 2024, sẽ khởi công ít nhất 10 dự án với 5.000 căn hộ trên cả nước”, ông Tuấn thông tin đồng thời đánh giá chưa bao giờ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành trung ương, địa phương ủng hộ, tạo nhiều cơ chế như hiện nay và bản thân doanh nghiệp cũng như người mua nhà đang rất kỳ vọng vào đề án này.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án, còn một số vấn đề.

Thứ nhất, không có doanh nghiệp nào đủ vốn để làm nhà ở công nhân. Bởi công nhân có tới trên 50% có nhu cầu thuê hơn là mua. Ở các địa phương, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn ít hơn. “Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế nâng số lượng đối tượng đủ điều kiện mua nhà lên 10 đối tượng tham gia như nhà ở xã hội. “Như vậy mới có thể khuyến khích cho nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở công nhân. Điều này vừa tạo nguồn lực, vừa giúp người dân có điều kiện tham gia mua nhà. Nếu không, chúng ta sẽ tạo ra những nhà ở công nhân nhưng không có người ở”, ông Tuấn đánh giá.

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân. (Ảnh: Khánh Hà)

Thứ hai, ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Xây dựng về vấn đề giá của nhà ở xã hội. Ông Tuấn thông tin, ngày 3/7/2022 văn bản 610 quyết định của Bộ Xây dựng đối với chung cư nhà ở xã hội phải giảm 25% giá thành so với chung cư thương mại. “Điểm này rất khó với các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Lợi nhuận của làm nhà ở xã hội được giới hạn ở 10%, nếu giảm 25% giá thành trong khi việc đầu tư không thua kém đầu tư nhà ở xã hội, vẫn phải làm hầm, tiện ích. Dù là người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì vẫn cần có tiện ích, và tiện ích được tính vào giá thành. Về vấn đề này, chúng tôi đề xuất Bộ Xây dựng xem xét lại và giá của nhà ở xã hội cũng bằng giá nhà ở thương mại”, ông Tuấn cho biết.

Thứ ba, hiện nay, người dân cũng như doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để tiếp cận mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ông Tuấn thông tin, chúng ta định hướng xây dựng 1 triệu căn hộ cần khoảng 800 ngàn tỷ trong khi chúng ta mới có gói tín dụng 120 ngàn tỷ, nguồn vốn được vay ưu đãi lãi suất 4,8% thì chưa rõ ràng. Trong khi tất cả các địa phương, theo quy định đấu thầu đấu giá khi tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, doanh nghiệp đều phải chứng minh năng lực tài chính trong đó có cam kết của ngân hàng với một dự án cụ thể của chủ đầu tư. “Chúng tôi kiến nghị cần có nguồn vốn ổn định phục vụ cho đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, bao gồm cả nguồn vốn nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thì chương trình mới thành công”, ông Tuấn đề xuất.

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Viglacera. (Ảnh: Khánh Hà)

Ở góc nhìn khác, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Viglacera chia sẻ thực tế, doanh nghiệp ông đã đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ nhưng mới có 5.000 căn vào sử dụng, còn tồn kho 3.000 căn.

Ông Ngọc Anh cho biết, trong 3.000 căn hộ tồn kho hầu hết là dự án nhà ở chung quanh gần các khu công nghiệp. Các dự án này có giá từ 250-600 triệu đồng/căn, giá thuê từ 1,2-2,4 triệu đồng/tháng và được đầu tư cơ bản đồng bộ với hạ tầng, kỹ thuật, tiện ích... và không thua kém nhà ở thương mại.

Dù giá thành được đánh giá hợp lý nhưng hiện nay vướng một số quy định công nhân trong khu công nghiệp mới được mua”, ông Ngọc Anh cho hay./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024