Đề xuất cho đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất từ 3-4,8%/năm
Cần rà soát các quy định về vay vốn ưu đãi
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP" còn gọi là "gói tín dụng 120.000 tỷ đồng" với quy mô nguồn vốn lên đến 140.000 tỷ đồng do 8 ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn trong 3 năm với lãi suất 8%/năm. Trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở được vay trong 5 năm với lãi suất 7,5%/năm và lãi suất vay được điều chỉnh định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được rất thấp, chỉ 1.344 tỷ đồng, đạt 0,96%. Trong đó, có 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay tại 12 dự án nhà ở xã hội và chỉ có 49 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội tại 5 dự án.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh chính sách cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng sẽ nâng thời hạn cho vay lên khoảng 10-15 năm, ổn định lãi suất trong mỗi chu kỳ 5 năm và giảm lãi suất cho vay từ 3-5%/năm. Trong trường hợp giảm 3% lãi suất thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ phải chịu lãi suất 5%/năm, còn người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở chỉ phải chịu lãi suất 4,5%/năm trong năm 2024.
Trường hợp giảm 5% lãi suất thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ phải chịu lãi suất 3%/năm, còn người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở chỉ phải chịu lãi suất 2,5%/năm trong năm 2024./.
Tuy nhiên, nếu thực hiện được việc giảm lãi suất trên đây thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định lại có mức lãi suất vay thấp hơn so với mức lãi suất vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, điều này là không hợp lý. Do đó, theo ông Châu, cần rà soát các quy định về vay vốn ưu đãi của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thống nhất lại các quy định về lãi suất cho hợp lý.
Hiện nay, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định về "mức vốn vay, lãi suất ưu đãi, thời hạn vay, giải ngân vốn vay… của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định với quy định các chủ đầu tư thì đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, để cho thuê mua thì lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng 120% lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định trong từng thời kỳ.
Song so với hiện tại thì quy định về lãi suất cho vay đối với "hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ" tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 6,6%/năm áp dụng cho năm 2024 là quá cao so với mặt bằng lãi suất cho vay. Hiện nay, các ngân hàng thương mại, điển hình là Vietcombank đang cho vay tiêu dùng với mức cho vay có thể lên đến hàng tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 4,2-5%/năm, không cần tài sản thế chấp mà chỉ cần chứng minh khả năng trả nợ.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của chính sách đối với "hộ nghèo" và đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội
Mức lãi suất cho vay 6,6%/năm này cao hơn 1,8% và tăng 1,37 lần so với mức lãi suất cho vay là 4,8%/năm mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội từ ngày 31/7/2024 trở về trước nên kể từ ngày 01/8/2024 trở đi, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ bị áp lực do số tiền "trả lãi vay" hàng tháng tăng lên ngoài dự kiến.
Đơn cử như một trường hợp mua nhà ở xã hội với giá 1 tỷ đồng và được vay 800 triệu đồng trong 20 năm với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm thì chỉ phải trả lãi vay của các tháng 6, 7/2024 khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Nợ gốc khoảng 3,3 triệu đồng/tháng được ân hạn chưa phải trả trong năm đầu tiên nhưng sẽ phải trả nợ gốc hàng tháng kể từ ngày 01/6/2025 trở đi cùng với trả lãi vay tính trên dư nợ giảm dần. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/8/2024, với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm thì người vay phải trả lãi vay là 4,38 triệu đồng, tăng 1,18 triệu đồng và số tiền phải chi thêm sẽ phát sinh khoảng 14 triệu đồng/năm nên cần thiết phải xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với "hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ" tại Ngân hàng Chính sách xã hội về mức lãi suất 3 - 4,8%/năm là phù hợp.
Ông Châu cho biết, vừa qua HoREA đã nhận thấy bất cập trên nên đã đã có văn bản đề nghị xem xét cho phép tiếp tục thực hiện quy định mức lãi suất cho vay 4,8%/năm. Trường hợp tốt nhất là nên xem xét áp dụng mức lãi suất cho vay 3%/năm đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
HoREA cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với "hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ" vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ mức 6,6%/năm xuống 3-4,8%/năm tương tự như chương trình "cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở" với lãi suất cho vay 3%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của chính sách đối với "hộ nghèo" và đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội đều được vay ưu đãi với mức lãi suất cho vay từ 3 đến 4,8%/năm cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay./.
- Từ 1/8, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng được mua, thuê mua nhà ở xã hội
- Thủ tướng yêu cầu ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng cho vay nhà ở xã hội
- Kỳ vọng bứt phá nguồn cung nhà ở xã hội