Dù khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn cán đích trong năm 2023
Theo Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2023 ghi nhận tổng cung nhà ở trên toàn quốc là khoảng 55 ngàn sản phẩm, tăng 14% so với năm 2022, nhưng chỉ bằng 32% so với năm 2018.
Năm 2023 rất hiếm các dự án nhà ở thương mại mới được phê duyệt, ngoài ra có hàng ngàn dự án bị “đắp chiếu” về vướng mắc thủ tục pháp lý, thiếu vốn… dẫn tới thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Lượng nhà ở giao dịch thành công trong năm qua đạt khoảng 18,6 ngàn sản phẩm, tương đương với năm 2022 (18,9 ngàn sản phẩm), nhưng chỉ bằng 17% so với năm 2018.
Dẫn đầu nguồn cung là phân khúc căn hộ trung cấp, chiếm 43%; Tiếp theo là 27% phân khúc cao cấp, giao dịch có sự cải thiện theo thời gian, đến cuối năm thì đi vào ổn định.
Phân khúc căn hộ trung cấp dẫn đầu nguồn cung với 43%. (Ảnh minh họa) |
Với tình trạng giao dịch đi ngang, doanh thu thuần của 64 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết trên cả 3 sàn chứng khoán trong năm 2023 tăng gần 33% so với năm 2022, đạt gần 322 nghìn tỷ đồng. Song, tổng lãi ròng giảm gần 11%, chỉ đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
40 doanh nghiệp chưa về đích
Theo thống kê, có 31/64 công ty bất động sản nhà ở ghi nhận lãi ròng giảm trong năm 2023. Mức giảm mạnh nhất là CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HOSE: HU1), lợi nhuận tụt tới 95% so với năm 2022, xuống còn dưới 200 triệu đồng. Nguyên nhân được đưa ra là khó khăn của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động xây lắp nói riêng, dẫn tới công ty thiếu việc làm và không đạt hiệu quả.
Ngay đến các “ông lớn” trong ngành như Novaland (HOSE: NVL) cũng phải chứng kiến lợi nhuận giảm tới 63%, về mức 805 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần giảm 57%, chỉ đạt gần 4,8 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, doanh thu của NVL chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhờ bàn giao tại các dự án như NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, Palm City, Lakeview City, Saigon Royal cùng các dự án bất động sản trung tâm khác.
"Ông lớn" Novaland cũng không tránh được sự ảnh hưởng từ hàng loạt khó khăn trên thị trường. (Ảnh minh họa) |
Điểm sáng của công ty là doanh thu tài chính khi có hơn 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15% nhờ lãi mua bán chứng khoán kinh doanh.
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp còn ghi nhận mức lãi thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Điển hình là CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) và CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG), lãi ròng trong năm qua lần lượt xuống mức thấp nhất trong 9 năm và 11 năm qua của 2 công ty này, cụ thể giảm 77% xuồng còn 4 tỷ đồng và giảm 46% xuống còn 12 tỷ đồng.
VPH đã trải qua một năm đầy khó khăn, công ty cố gắng hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án hiện hữu. Thực tế, doanh thu thuần trong năm 2023 chỉ hơn 73 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2022. Hơn 21 tỷ đồng trong số này tới từ thương vụ chuyển nhượng một phần thửa đất tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TP.HCM).
Một số ít doanh nghiệp trong ngành kém may mắn hơn khi ghi nhận thua lỗ trong năm qua. Cụ thể, 3 doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ đồng gồm: CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC), CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (UPCoM: VCR) và CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô Thị VINAHUD (UPCoM: VHD).
Cụ thể, TDC đạt doanh thu tài chính đột biến nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng tổng chi phí lại neo cao khi tăng 10%, trong khi đó doanh thu giảm tới 30%, khiến họ lỗ gần 366 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 30 tỷ đồng.
Sau khi vừa lãi trong năm 2022, VCR lại ghi nhận lỗ trong năm 2023 với mức kỷ lục là 287 tỷ đồng. Trước đó, công ty này đã có chuỗi 5 năm lỗ liên tiếp từ 2017-2021.
19 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng
Trong khi phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đều rơi vào tình trạng ảm đạm, thì vẫn còn 19/64 đơn vị ghi nhận lãi trong năm 2023. Đáng chú ý là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) đã lãi ròng 175 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 2022. Kết quả đột biến này đến từ việc bàn giao khu phức hợp Westgate tại Bình Chánh (TP.HCM).
Những công ty bất động sản nhà ở lãi ròng tăng trong năm 2023. Đvt: Tỷ đồng (Nguồn: VietstockFinance) |
CTCP Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) dù mới lên sàn năm 2021, nhưng đã lãi kỷ lục vào năm 2023, đạt 1,169 tỷ đồng, gần gấp 4 lần năm 2022. Động lực đến từ doanh thu thuần đột biến 2,901 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần.
Sunshine Homes có doanh thu thuần tăng đột biến trong năm 2023. (Ảnh minh họa) |
Dù không công bố doanh thu trên đến từ dự án nào, nhưng nếu xét cơ cấu hàng tồn kho của SSH, có 3 dự án chủ lực là Sunshine City Nam Thăng Long, Sunshine Capital Tây Thăng Long và Sunshine Garden (Hà Nội) đã thúc đẩy SSH về đích trong năm 2023.
Tiếp đó là “ông lớn” Vinhomes (HOSE: VHM), dù mức tăng trưởng xếp cuối danh sách nhưng vẫn ghi nhận con số lãi ròng năm 2023 dẫn đầu toàn sàn chứng khoán với hơn 33,1 ngàn tỷ đồng, tăng 15%.
Tương tự SSH, lợi nhuận của VHM chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản khi tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi (gồm doanh thu từ những hoạt động của VHM, các hợp đồng BCC và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào doanh thu tài chính) đạt 121,4 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước đó. Hai dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3 có đóng góp lớn vào kết quả này.
Bất chấp bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, vẫn có 17/64 doanh nghiệp bất động sản nhà ở đã hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM đã đánh giá về thị trường bất động sản năm 2024. Theo đó, thị trường bất động sản vẫn giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Các chính sách và quyết định từ các cấp chính quyền trong năm qua đã giúp thị trường giải quyết nợ xấu, tháo gỡ vướng mắc trái phiếu cho doanh nghiệp, hướng dòng tiền chảy vào lại thị trường./.