ISSN-2815-5823

Hải Phòng: Ban Quản lý chung cư Hoàng Huy Prukasa coi thường người dân, tự ý cắt điện, nước sinh hoạt

(KDPT) – Nhiều hộ dân sống tại chung cư Hoàng Huy Prukasa bất bình khi bị Ban Quản lý chung cư này tùy tiện cắt điện, nước sinh hoạt, khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn, khó khăn.

>>> Bài cùng chủ đề:

Mua bán nhà ở xã hội – Quy định một đằng, triển khai một nẻo: Góc nhìn từ dự án do Tập đoàn Hoàng Huy làm chủ đầu tư

Hải Phòng: Vì đâu thị trường nhà ở xã hội bị chênh giá?

Khoảng 1 tháng qua, nhiều người dân sống tại khu nhà ở thu nhập thấp Hoàng Huy Prukasa (thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) bức xúc vì bị người của Ban quản lý dự án này tháo công tơ gây mất điện tại nhiều căn hộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt.

Theo chị Hiền (Nhà 302 L10K6), gia đình chị đã 4 lần bị cắt điện trong khoảng gần một tháng qua. “Đột nhiên bị cắt điện khiến sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn và ức chế vô cùng. Chúng tôi mua điện của Công ty điện nước lắp máy Hải Phòng, hàng tháng thanh toán chi phí điện nước đầy đủ, kịp thời, không liên quan đến Ban quản lý chung cư, tại sao lại vô cớ cắt điện của chúng tôi”, chị Hiền nêu quan điểm.

Cùng chung nỗi bức xúc, anh Duy Anh (Nhà 201 L10K6) bày tỏ: “Nhà tôi cũng 4 lần bị cắt điện và thường lúc chả ai có nhà thì họ làm việc đó. Công tơ điện là tài sản của chúng tôi, mỗi gia đình tự bỏ tiền ra mua, lắp đặt khi làm hợp đồng với bên điện, giờ người của Ban quản lý tự ý xâm phạm, cắt điện của chúng tôi là không đúng”.

Công tơ điện bị cắt chì, hộp nước bị khóa tại một số căn hộ Hoàng Huy Prukasa.

Quá trình nhóm người xưng là người của Ban Quản lý chung cư Hoàng Huy Prukasa đến các hộ gia đình cắt điện đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt, thậm chí, có tình huống người đàn ông chủ hộ cầm dao cố thủ trước vị trí đặt công tơ điện và tuyên bố sẽ xảy ra xô xát nếu nhóm người cố tình thực hiện việc cắt điện. Công an xã An Đồng đã phải đến hiện trường vụ việc, đề phòng hậu quả nghiêm trọng.

Thống kê chưa đầy đủ từ phía người dân, trong khoảng thời gian gần 1 tháng qua, có khoảng vài chục hộ dân đã bị nhóm người tự ý cắt điện mà không có bất cứ biên bản ghi nhận vụ việc nào.

Khi việc cắt điện tạm dừng, Ban quản lý dự án Hoàng Huy Prukasa tiếp tục ra thông báo cắt nước đối với một số hộ gia đình. Từ ngày 4/1/2021 đến nay, nhiều gia đình đã bị nhóm người khóa hộp điều khiển van cấp nước sinh hoạt.

Việc bị cắt điện nước đã khiến các dịch vụ cung ứng cho điều kiện sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ dân phải dừng đột ngột, đình trệ, ảnh hưởng đời sống, gây thiệt hại kinh tế. Có hộ gia đình, như chủ nhà số 206 L11K6 phải di dời vợ con đến tá túc tại nhà ông bà nội, bởi gia đình có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, cần sử dụng điện thắp sáng, hâm sữa, sưởi ấm và thay tã bỉm vệ sinh cho bé thường xuyên.

Trong nhiều ngày qua, người dân tại khu chung cư Hoàng Huy Prukasa đã treo băng rôn phản đối việc làm của Ban quản lý dự án, đơn thư kiến nghị cũng đã được gửi đến các cấp, ban ngành, lãnh đạo của TP Hải Phòng nhưng chưa có phản hồi giải quyết.

Cắt điện nước vì nợ phí chung cư 160 nghìn/tháng ?

Trả lời kiến nghị của người dân về việc cắt điện, ông Nguyễn Văn Thao, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần điện nước lắp máy Hải Phòng thừa nhận, đơn vị kinh doanh bán lẻ điện này đã trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện nước với các hộ dân tại chung cư Hoàng Huy Prukasa. Việc cắt điện đã diễn ra nhưng không thuộc ý chí của đơn vị cung cấp này. “Thực tế, việc cắt điện nêu trên là do Ban quản lý chung cư Hoàng Huy thực hiện”, lãnh đạo đơn vị cung ứng điện nêu quan điểm.

Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, đơn vị cung ứng điện đã cử người xuống các hộ dân đấu nối lại công tơ bị cắt để người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, những ngày gần đây, rải rác tại các hộ dân lại diễn ra việc cắt nước sinh hoạt và chưa có hướng xử lý cụ thể.

Phía Ban Quản lý dự án Hoàng Huy Prukasa cũng đã có văn bản trả lời các hộ dân về nguyên nhân cắt điện nước. Theo đó, cho rằng, họ thực hiện việc cắt điện nước đối với các hộ dân nợ hơn 02 năm phí quản lý (160 nghìn/tháng). Đối với số tiền phí này, theo chủ đầu tư là để trang trải chi phí cho các hạng mục: Duy trì hệ thống PCCCC và diễn tập PCCC; Vệ sinh hành lang, lòng lề đường định kỳ; Phun đặt thuốc khử khuẩn, côn trùng định kỳ theo dịch tễ; Điện chiếu sáng hành lang; Vận hành hệ thống xử lý nước thải chung; Dịch vụ bảo vệ tài sản, thiết bị hạ tầng của dự án.

Tuy nhiên, phía các hộ dân không đồng ý với lý do giải thích. Theo các hộ dân, điện nước do các hộ dân trực tiếp ký hợp đồng mua bán với công ty cung ứng, phía Ban quản lý tự ý cắt điện nước là xâm phạm quyền lợi của hộ dân, sai so với hợp đồng thuê, thuê mua nhà.

Hầu hết các hộ dân nợ tiền phí chung cư đều khẳng định, trước đây họ đóng phí rất đầy đủ, thậm chí là đóng một lần cho khoản phí cả năm. Tuy nhiên, quá trình sinh sống, các hộ dân cho rằng khoản thu phí chung cư này không được chi đúng mục đích nên họ dừng đóng và muốn đối thoại với chủ đầu tư để làm rõ.

Nhiều băng rôn được căng tại khu chung cư Hoàng Huy Prukasa.

Trong đơn kiến nghị tập thể, các hộ dân cho rằng, từ năm 2015 đến nay, họ chưa từng được diễn tập PCCC, hệ thống PCCC hiện đã bị hỏng lỗi nhiều nhưng không được Ban quản lý sửa chữa, khắc phục. Không diễn ra việc phun thuốc khử khuẩn như nội dung chi trả các hạng mục nêu trên. Nhiều khi bóng đèn hành lang hỏng hóc, cháy cũng không được sửa chữa. Những lý do này khiến các hộ dân dừng đóng phí cho đến khi được đối thoại trực tiếp với đại diện chủ đầu tư và đạt được các thỏa thuận về việc sử dụng số tiền phí chung cư đúng mục đích.

Những người dân sống tại khu chung cư có mong muốn được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, được tổ chức hội nghị chung cư lần đầu, được trực tiếp bầu ra Ban quản trị khu chung cư, để các vấn đề về phí, cách vận hành khu dân cư đúng luật, công khai, minh bạch.

Hoàng Huy Prukasa phớt lờ quy định quản lý nhà chung cư của Bộ Xây dựng ?

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2016/TT-BXD về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo Điều 12 của Thông tư này, hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng. Nếu trong thời hạn 12 tháng chưa đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì thời gian tổ chức hội nghị chung cư lần đầu có thể được tạm gác lại cho đến khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.

Thực tế, các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp ở Hoàng Huy Prukasa đã được chủ đầu tư này bàn giao cho người dân cách đây 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 100% số các căn hộ đã được bàn giao và người dân sử dụng ổn định. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, chủ đầu tư này vẫn chưa tổ chức hội nghị chung cư lần đầu theo đúng quy định của Nhà nước, mà duy trì một Ban quản lý khu dân cư do chính chủ đầu tư thành lập. Việc chưa thành lập được Ban quản trị theo ý chí, nguyện vọng của người dân, theo đúng quy định của Nhà nước khiến quá trình vận hành tại đây nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Những gay gắt trong tình huống cắt điện, cắt nước sinh hoạt vừa qua là một trong những điển hình bất cập tại khu chung cư Hoàng Huy Prukasa.

Trước những dấu hiệu chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong quá trình thực hiện, vận hành dự án tại Hoàng Huy Prukasa, phóng viên đã nhiều lần liên hệ tìm hiểu thông tin quản lý từ phía Sở Xây dựng Hải Phòng nhưng không có thông tin phản hồi.

Người dân sinh sống tại chung cư Hoàng Huy Prukasa đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp, ban ngành của TP Hải Phòng với mong muốn được đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng khi sinh sống tại đây. Tuy nhiên, những kiến nghị này cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết.

Người dân bức xúc tố bị cắt điện nước sinh hoạt.

Ngoài việc phản đối về việc thu và sử dụng phí chung cư, người dân tại chung cư Hoàng Huy Prukasa còn bất bình ở việc sử dụng khoản phí bảo trì, nhất là khi chất lượng các căn hộ cần được sửa chữa…

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

SONG LINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024