ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 18h42 09/05/2024

Bài 1: Thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay tại Việt Nam

(KDPT) - Thương mại hoá công nghệ là một khâu quan trọng trong việc đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, kinh doanh. Làm chủ các quy trình công nghệ đã được nghiên cứu thành công, phù hợp đến với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân để áp dụng vào thực tiễn qua đó tạo chuỗi liên kết thúc đẩy hoạt động sản xuất, phát triển bền vững.

Thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển

Mỗi năm có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguồn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân, thường được biết đến với cái tên “sáng chế nông dân”. Nhiều kết quả nghiên cứu thuộc nhóm này có tiềm năng ứng dụng lớn vì nó xuất phát từ bài toán thực tiễn sản xuất. Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào nguồn các kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ khai thác thương mại, phát triển sản xuất ở nước ta.

Làm chủ công nghệ sản xuất các loại tinh dầu tại phòng nghiên cứu khoa học.
Làm chủ công nghệ sản xuất các loại tinh dầu tại phòng nghiên cứu khoa học.

Thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực đến với người dân, được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong nông nghiệp, các sản phẩm như lúa gạo, thủy sản, hạt tiêu, cà phê, cao su,… luôn đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận, trong đó có nhiều giống lúa lai tốt như VL20, TH3-3, HY83,… 90% diện tích đất được trồng bằng các giống lúa cải tiến.

Trong công nghiệp, từ kết quả nghiên cứu của một số chương trình KH&CN, Việt Nam đã thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 220kV – 250MVA với giá thành thấp hơn giá nhập khẩu (khoảng 2 triệu USD so với giá nhập khẩu 2,4 triệu USD), chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Châu Âu. Kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất xăng sinh học và dầu diezen sinh học đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các nhiên liệu này.

Các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất được các chip bán dẫn, thẻ và đầu đọc có khả năng ứng dụng cao; làm chủ công nghệ sản xuất các loại tinh dầu; sáng tạo ra các phần mềm an toàn, an ninh mạng; phần mềm tìm kiếm thông tin tiếng Việt được xếp hạng trình độ cao trên thế giới, công nghệ chế tạo các khớp thủy lực cho các robot công nghiệp.

Thành tựu và những đóng góp cho phát triển kinh tế của KH&CN cũng như tiềm năng, kho tài sản trí tuệ dồi dào của đất nước đã được khẳng định. Nếu khai thác tốt, nguồn tài sản trí tuệ này sẽ mang lại hiệu quả to lớn để đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất và kinh tế xã hội của đất nước.

Theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ là cốt lõi trong hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.

Sự ra đời Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… giúp doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thêm điều kiện để phát triển.

Hướng mở từ chính sách

Ngày 5/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó, rà soát, đề xuất, ban hành các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoàn thành trong năm 2024.

Cùng với đó, chủ trì xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết từ Chỉ thị 25, Bộ sẽ ban hành một đề án Phát triển thị trường khoa học và công nghệ trước hết ở ba địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương có yêu cầu.

Điều này sẽ góp phần tạo điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa viện, trường với thị trường. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học.

Cũng theo ông Đỗ Thành Long, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2024, Bộ triển khai xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Từ đó, nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Bộ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng luật, lập đề nghị xây dựng 4 Luật sửa đổi, trình Chính phủ 5 Nghị định liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, việc hoàn thiện lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Với những giải pháp chính sách cởi mở từ Nhà nước, hy vọng trong năm 2024, hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu khoa học sẽ có bước đột phá, từ đó, tăng cường hơn nữa tính liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp để ngày càng nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đến từ chất xám, sức sáng tạo của nhà khoa học Việt đến được với người dân, doanh nghiệp./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024