ISSN-2815-5823

Hoạt động doanh nghiệp trong thực thi quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường Góc nhìn từ Dự án nhà ở thương mại Đá Lả (huyện Quảng Ninh

(KDPT) – Thực tế hiện nay, do không muốn mất kinh phí đầu tư nên nhiều doanh nghiệp không có báo cáo hoặc không thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), gây hậu quả khó lường về môi trường, thiệt hại cho chính doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

ĐTM hiểu sao cho đúng?

ĐTM là từ viết tắt của Đánh giá tác động môi trường, là một trong những hồ sơ môi trường cần thiết và điều kiện tiên quyết để mỗi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Đánh giá tác động môi trường bao gồm các hoạt động nhằm đánh giá những tác động khi tiến hành xây dựng một dự án thực tế đến môi trường. Bao gồm những tác động về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Từ đó xem xét lợi hại, và quyết định có nên xây dựng hay không.

Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về tình trạng chất lượng môi trường của doanh nghiệp. Để từ đó có thể đề ra những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả, nhằm đạt các Tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Đồng thời, kết quả giám sát chất lượng môi trường sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của Công ty.

Đánh giá tác động môi trường được thực hiện bởi chủ dự án. Chủ dự án của các đối tượng nêu trên phải có trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Những nhóm dự án tiêu biểu được nhắc đến gồm các dự án về xây dựng, nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, dự án về giao thông, dự án về điện tử, năng lượng, phóng xạ, dự án liên quan đến thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt, dự án về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dự án về dầu khí, dự án về xử lý, tái chế chất thải, dự án về cơ khí, luyện kim, dự án chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ, … và các dự án khác.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã) là các cơ quan mà chủ doanh nghiệp dự án cần đến xin tham vấn, bên cạnh việc tham vấn các tổ chức địa phương và khu vực dân cư sinh sống trực tiếp gần kề nơi dự án hoạt động. Việc tham vấn này phải diễn ra đồng thời trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá.

Trong ĐTM, phải bao gồm rất nhiều nội dung như: Các đánh giá về việc: lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình, hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, của vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án; Đánh giá, dự báo các nguồn thải ra môi trường và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro do dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; Các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường…

Như vậy có thể thấy, ĐTM là một trong những điều kiện quan trọng để cấp phép xây dựng một dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như: Thiếu kinh phí, doanh nghiệp chưa am hiểu pháp luật, thậm chí phớt lờ… Đồng thời, các cơ quan chức năng còn chưa thực sự sát sao, buông lỏng quản lý… đã dẫn tới tình trạng nhiều dự án thiếu, không có ĐTM. Điều này có thể gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Từ thực tiễn đó, Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã tổ chức thực hiện Chuyên đề: Hoạt động doanh nghiệp trong thực thi quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường: Những tồn tại và giải pháp.

Chuyên đề sẽ tập trung đi sâu vào tìm hiểu thực trạng công tác quản lý trong lĩnh vực này, đưa ra các ví dụ cụ thể nhằm phân tích nguyên nhân và đề ra một số giải pháp tới cơ quan chức năng nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật môi trường với doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan chuyên môn. Từ đó, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật, phổ biến kiến thức tới doanh nghiệp, nhằm mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Ví dụ về Dự án nhà ở thương mại Đá Lả

Thời gian gần đây, người dân ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) hết sức bức xúc trước việc liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thông Ngân và Công ty Cổ phần KOSY tiến hành thi công khu nhà ở thương mại Đá Lả tại thị trấn Quán Hàu, khi chưa hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường… khiến đời sống của người dân bị đảo lộn bởi ô nhiễm trong quá trình san lấp giải phóng mặt bằng.

Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thông Ngân và Công ty Cổ phần KOSY tiến hành san lấp mặt bằng khi chưa hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường.

Tiến hành thi công khi chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh doanh và Phát triển đã đến hiện trường để tìm hiểu về sự việc.

Ghi nhận tại hiện trường, dự án khu nhà ở thương mại Đá Lả (thuộc tiểu khu 7 thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã có một phần lớn diện tích được nhà đầu tư cho xe cộ, máy móc thiết bị vào bốc phong hóa, chở đất cát vào tiến hành san lấp giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động san lấp một lượng bụi đất rất lớn bay mù mịt lên không trung gây ô nhiễm cho những người dân đi lại trên đường quôc lộ 9B. Ngoài ra, nhà đầu tư không có bất kỳ một biện pháp nào nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công tạo ra.

Một người dân sinh sống tại tiểu khu 7 thị trấn Quán Hàu bức xúc cho biết: dự án này nằm ngay cạnh quốc lộ 9B, hàng ngày lưu lượng xe cộ người dân qua lại rất lớn, nhưng trong quá trình thi công san lấp phía công ty không có bất kỳ một biện pháp nào nhằm hạn chế bụi đất bốc lên khiến bà con qua lại trên đường phải hứng chịu bụi bay mù mịt.

“Họ tiến hành công san lấp dự án này khoảng một tuần lễ rồi, xe cộ ra vào rất nhộn nhịp tạo ra một lượng bụi đất rất lớn bay vào không khí ảnh hưởng đến bà con khi lưu thông qua lại dự án này.”- một người dân cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, ngày 08/01/2022, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định số 79/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh. Cụ thể, Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh được thực hiện tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh với diện tích sử dụng đất 65.170 m2. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh giữa Công ty TNHH Thông Ngân và Công ty Cổ phần KOSY có địa chỉ tại số 58 Hữu Nghị, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tổng mức đầu tư 285.013.520.000 đồng. Thời gian thực hiện dự án là 37 tháng, trong đó thời gian tư hạ tầng kỹ thuật là 18 tháng.

Ngoài ra, ngày 19/04/2022, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định số 1000/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh .

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân và ghi nhận thực tế,phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh doanh và Phát triển đã liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huệ (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình) đã nhanh chóng chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Quản lý môi trường tiến hành kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công bởi chưa hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường.

Máy móc, thiết bị được chủ đầu tư dự án liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thông Ngân và Công ty Cổ phần KOSY vẫn hoạt động vào từ 9/4 tại Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản đình chỉ các đơn vị chức năng, ông Lê Hải Thành (Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình) cho biết: chiều 29/4, khi đoàn lên kiểm tra tại hiện trường Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả thì phía chủ đầu tư đã về nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên không tiến hành lập biên bản được.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngay sau đợt nghỉ lễ, chủ đầu tư vẫn tiến hành đưa máy móc thiết bị vào Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh tiến hành san lấp mặt bằng.

Qua trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Hào (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Dự án Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh chưa được UBND tỉnh phê duyệt ĐTM, hiện đang thành lập hội đồng thẩm định và trình ký lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Dư luận ở huyện Quảng Ninh hết sức bức xúc trước việc một chủ đầu tư dự án liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thông Ngân và Công ty Cổ phần KOSY tiến hành thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công nhưng vẫn không bị các cơ quan chức liên quan xử phạt.

Điều này có thể dẫn tới dấu hỏi về năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Câu trả lời xin dành cho các cơ quan của huyện Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

TRẦN HÙNG

Bạn đang đọc bài Hoạt động doanh nghiệp trong thực thi quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường: Những tồn tại và giải pháp. tại chuyên mục Bạn đọc – Pháp luật . Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 03694529040977600308. Hoặc Email: [email protected] [email protected]

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024