ISSN-2815-5823

TP.HCM sẽ thiếu nguồn cung nhà ở trầm trọng trong năm 2024

(KDPT) - Quý I/2024, TP.HCM chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn để bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Nguồn cung nhà ở khan hiếm

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý I/2024, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có 1 dự án (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ. Đặc biệt, trong quý vừa qua, toàn thành phố không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn để bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Quý I/2024, cả TP.HCM chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư
Quý I/2024, cả TP.HCM chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư

Trong quý vừa qua cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng. Chỉ có một dự án nhà ở xã hội cũ đã hoàn thành với 242 căn hộ. Ngoài ra, còn có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân (dự án cũ) đang được triển khai, cung cấp thêm 4.996 căn hộ.

Tương tự, theo Savills Việt Nam, trong quý I/2024, nguồn cung nhà ở sơ cấp tại TP.HCM đã giảm 35% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại 4.922 căn. Sự giảm sút này do 9 dự án tạm ngưng bán hàng vì chưa hoàn thiện các yêu cầu pháp lý hoặc phải điều chỉnh chính sách bán hàng. Thêm vào đó, hai dự án đã bị trì hoãn kế hoạch mở bán, khiến nguồn cung mới chỉ đạt mức khiêm tốn với 633 căn từ một dự án mới và sáu giai đoạn tiếp theo. Phần lớn nguồn cung sơ cấp (82%) tập trung ở các quận 9, Bình Tân và Bình Chánh.

Nguồn cung nhà ở sơ cấp tại TP.HCM đang giảm mạnh
Nguồn cung nhà ở sơ cấp tại TP.HCM đang giảm mạnh

Báo cáo của Savills Việt Nam cho rằng, nguồn cung hạn chế kéo dài suốt ba năm qua, chủ yếu do các rào cản pháp lý, đã dẫn đến sự hạn chế trong các dự án mới. Hiện tại, tổng nguồn cung sơ cấp trên thị trường đạt 762 căn. Trong đó, các sản phẩm có giá trên 30 tỷ đồng chiếm 76% thị phần. Đặc biệt, 85% nguồn cung sơ cấp tập trung tại TP. Thủ Đức. Để thúc đẩy doanh số, các chủ đầu tư đã áp dụng chiến lược bán các sản phẩm mới giá rẻ và chiết khấu lớn, khiến giá bán sơ cấp trung bình giảm 13% so với quý trước.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, 70% khó khăn của các dự án nhà ở tại TP.HCM đều liên quan đến vấn đề pháp lý. Hiện nay, thành phố có 148 dự án bất động sản, bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc đã bị dừng triển khai. Hệ quả là hơn 58.000 khách hàng mua nhà tại các dự án này vẫn chưa được cấp "sổ hồng".

Chủ tịch HoREA dự báo, trong năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng mất cân đối “cung - cầu” nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc “neo giá cao”, đặc biệt là tình trạng vấn đề “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân.

TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trong năm 2024
TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trong năm 2024

Giải pháp thể chế hoá nghị quyết

Theo giới chuyên gia, tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở xuất phát từ nguyên nhân một số quy định pháp luật trước đây chưa sát với thực tiễn. Thậm chí có một số quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, “xung đột” hoặc chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến hệ quả cả nước có hàng trăm dự án nhà ở thương mại không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. 

Theo ông Châu, để giải quyết triệt để tình trạng này, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục "thể chế hoá" Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn thiện và ban hành các luật như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đấu giá tài sản, và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn.

Giải pháp thứ hai là nhanh chóng áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Việc thông qua các quy định này sớm sẽ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết những "vướng mắc" thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Giải pháp thứ ba là Chính phủ và các Bộ, ngành phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để xây dựng hơn 20 nghị định, thông tư, quyết định nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Đấu thầu 2023 và sửa đổi một số văn bản dưới luật có liên quan.

Đề xuất sớm áp dụng Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn
Đề xuất sớm áp dụng Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản không “vô can” trước những biến động của thị trường bất động sản trước đây và hiện tại. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản cần tự nỗ lực vượt qua khó khăn hiện tại và xây dựng "văn hóa kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp" hướng tới lợi ích chung của đất nước và cộng đồng xã hội.

Ông Châu cho rằng, giai đoạn khó khăn của thị trường đã đi qua, vào thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi. Dự báo, kết thúc năm 2023, thị trường sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và tăng trưởng trở lại bình thường từ năm 2025 trở đi./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024