ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ hai, 15h09 20/05/2024

Chờ Nghị định 24 sửa đổi để ổn định thị trường vàng

(KDPT) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần nhanh chóng sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP và kiến nghị xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC để gia tăng nguồn cung thị trường vàng.

Chờ Nghị định 24 sửa đổi để ổn định thị trường vàng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần nhanh chóng sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP và kiến nghị xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC để gia tăng nguồn cung thị trường vàng.

Giá vàng trong nhiều tháng qua đã có nhiều biến động khi chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới có lúc lên đến 18-19 triệu đồng, thậm chí gần 20 triệu đồng/ lượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp bàn nhiều lần trước tình hình này, ngoài ra có nhiều công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải có ngay các giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng.

Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế liên tục ở mức cao.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế liên tục ở mức cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ, giá vàng tăng, thậm chí vượt 90 triệu đồng/lượng sẽ khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng lớn tới thị trường nội địa.

Theo Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Thanh Hà giải trình về vấn đề này, những khó khăn của thị trường vàng trước năm 2012 đã đặt yêu cầu cần khẩn trương bàn hành quy định mới. Theo đó, đã ra đời Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giúp thị trường khá ổn định. Thế nhưng, từ năm 2019, kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng xung đột địa chính trị đã khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh, kéo theo giá vàng trong nước đi lên.

Đáng chú ý, thị trường vàng trong nước từ năm 2022 đến nay đã cho thấy sự hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế liên tục ở mức cao.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, giá vàng thế tăng cao nên giá vàng trong nước đã bị đẩy lên. Tính đến thời điểm hiện nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 14% so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, sự hạn chế của nguồn cung trong nước đã khiến giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch ngày càng lớn.

Trong khi, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tại Việt Nam tăng 6,95% so với tháng trước, tăng hơn 17% so với tháng 12/2023 và tăng 28,62% so với cùng kỳ. Chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 20,75%.

Cần chế tài mới

Một điều không thể phủ nhận là Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh qua 12 năm triển khai khi hỗ trợ đáng kể cho sự an toàn và ổn định của nền tài chính quốc gia. Thế nhưng, đòi hỏi phải có cách thức mới trong điều hành với những khó khăn trên thị trường vàng vừa qua.

Giá vàng SJC tăng nóng là do tâm lý của thị trường trong nước.
Giá vàng SJC tăng nóng là do tâm lý của thị trường trong nước.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho biết thời gian qua, giá vàng SJC tăng nóng là do tâm lý của thị trường trong nước làm giá bị đẩy lên cao.

Theo kiến nghị của ông Huỳnh Trung Khánh Ngân hàng nhà nước nên xem xét đưa ra lượng vàng đấu thầu nhiều hơn, nghĩa là phải tính toán bài toán kiểm soát tỷ giá và nhập khẩu vàng, tức là chỉ nhập khẩu vào một lượng vàng vừa phải mà không ảnh hưởng đến tỷ giá. Ngoài ra, sửa Nghị định 24, trong đó xóa bỏ độc quyền về vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp uy tín nhập khẩu lượng vàng nguyên liệu ở mức vừa phải… Theo đó, thị trường mới duy trì ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường mà bị đẩy lên mức cao.

Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, giải pháp sửa đổi Nghị định 24 và giải quyết vấn đề thị trường vàng là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu, qua đó gia tăng nguồn cung cho thị trường, giảm chênh lệch giá quá lớn.

TS. Trương Văn Phước cho biết giá vàng SJC có độ chênh lệch lớn như vậy là do cung cầu. Giá sẽ tự giảm nếu nguồn cung tăng. Theo đề xuất của chuyên gia Trương Văn Phước, Ngân hàng nhà nước có thể dùng vàng dự trữ hay nhập vàng về cho SJC gia công hay trả lại cho SJC quyền sản xuất gia công vàng miếng. Nếu Ngân hàng nhà nước chọn cách chi ngoại tệ nhập khẩu vàng thì nên tính toán hoạt động này vào tổng kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn cần phải duy trì dự trữ ngoại hối tối thiểu bằng 12 tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Ngân hàng nhà nước cho phép một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường nội địa liên thông với quốc tế, ngoài ra cũng kiểm soát việc mua vàng của họ bằng quota trong 1 năm. Trong trường hợp có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được bảo hộ bởi Nhà nước, các loại vàng được cạnh tranh rõ ràng, sòng phẳng và người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng theo đó sẽ ổn định bởi không còn xuất hiện tình trạng khan hiếm do độc quyền.

Thị trường vàng đang chờ đợi Nghị định 24 sửa đổi.
Thị trường vàng đang chờ đợi Nghị định 24 sửa đổi.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết về lâu dài, cần có giải pháp phát hành chứng chỉ vàng bởi Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế này cho phép Ngân hàng Nhà nước có thể thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, rồi phát hành chứng chỉ vàng với thời gian linh hoạt. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước có thể huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Từ đó, Bộ tài chính có thể dùng vàng để làm tài sản đảm bảo đi vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với mức lãi suất ưu đãi. Qua đó, Việt Nam có thể biến vàng thành ngoại tệ, góp phần phục vụ việc sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu của đất nước.

Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Thủ tướng chính phủ về việc tổng kết và sửa đổi Nghị định 24 đối với chính sách quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, chủ yếu tập trung vào vấn đề Nhà nước loại bỏ độc quyền về vàng miếng SJC, có thêm các thương hiệu vàng miếng khác./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine