Nhà đầu tư nước ngoài đang “chọn mặt, gửi vàng” vào bất động sản khu công nghiệp
Sức hút ngày càng lớn
Với việc hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam trở thành 1 trong những đất nước hiếm hoi là đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Đối với một nước đang phát triển, việc thu hút FDI là một điều vô cùng tốt để quốc gia phát triển một cách vượt bậc. Và khi dòng vốn FDI liên tục tăng mạnh, ngành Khu công nghiệp sẽ là một trong những ngành nghề được hưởng lợi nhiều nhất.
Thực tế đã chứng minh, thị trường bất động sản công nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với tình hình thu hút FDI. Số liệu báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI vào Việt Nam vượt mốc 20 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đã có sự mở rộng đầu tư của hàng loạt “ông lớn” như: Samsung, Intel, Foxconn, Pegatron, Goertek… với các dự án lên tới hàng tỷ USD đã dần đưa Việt Nam trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đầu năm 2023, hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn được triển khai ở Việt Nam, như của Compal, Quanta Computer…
Theo đánh giá của ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Hà Nội, xu hướng dịch chuyển đầu tư đã đem lại những thay đổi tích cực đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp bật tăng, làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp ngày càng mở rộng.
Theo đánh giá, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trong quá trình các doanh nghiệp FDI cố gắng mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mặc dù vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, nhưng với việc nhà đầu tư tập trung vào Việt Nam thay vì một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... đã chứng minh cho điều này.
“Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp bao gồm cả triển khai dự án mới và mở rộng quy mô đầu tư, trong đó đáng ghi nhận là những dự án đầu tư chất lượng cao. Vì vậy, với việc Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô một số sân bay sẽ càng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm cơ hội tại thị trường này. Vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các dự án sân bay để nắm bắt cơ hội này”, ông Matthew Powell Giám đốc Savills Hà Nội nói.
Với lượng vốn FDI gia tăng, nhu cầu BĐS công nghiệp bật tăng. Cụ thể, Báo cáo quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý vẫn duy trì ổn định và tăng nhẹ ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý 2/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi… thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư cân nhắc và lựa chọn nơi lý tưởng để đầu tư.
Dòng tiền tìm đến những “vùng đất mới”
Tại khu vực phía Bắc, với mạng lưới đường bộ phát triển, tăng cường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh công nghiệp trọng điểm, đồng thời ba cảng biển lớn giúp tạo ra các liên kết thuận lợi tới các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc từ đó củng cố khả năng cạnh tranh công nghiệp của vùng, từ đó, dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng tăng cao.
Tuy nhiên, giá thuê đất công nghiệp ở một số trung tâm công nghiệp lớn đã tăng vọt do nhu cầu thuê cao, với giá thuê đất trung bình đạt 138 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng từ mức 102 USD. Đơn cử như giá thuê khu công nghiệp ở Bắc Ninh tăng tới 48% so với cùng kỳ năm trước và đạt 156USD/m2/chu kỳ thuê, đã buộc một số nhà sản xuất hướng đến những khu vực có giá thuê rẻ hơn.
Trong bối cảnh đó, các tỉnh thành như Nghệ An, Thái Bình hay Phú Thọ cũng đã quy hoạch các khu công nghiệp lớn nhằm thu hút dòng vốn tìm về những khu vực mới nhưng nhiều tiềm năng này. Trong đó, Phú Thọ dự kiến phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp với 1.470ha. Các khu, cụm công nghiệp đều được bố trí ở những nơi có giao thông thuận tiện cả về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, dễ thông thương với Hà Nội, cảng Hải Phòng, các tỉnh tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.
Hiện Phú Thọ có bốn khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 193 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 100 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 22.000 tỷ đồng và 93 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký hơn 1,9 tỷ USD.
Những “vùng đất mới” như Nghệ An, Thái Bình hay Phú Thọ đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (Ảnh minh họa). |
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills cho rằng, Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà sản xuất công nghiệp nhờ lực lượng lao động trẻ và năng động, chi phí lao động cạnh tranh, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, môi trường kinh doanh ổn định, vị trí địa lý, và sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do.
Hiện nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.