ISSN-2815-5823

Nhà ở xã hội tăng giá chóng mặt, có dự án tăng 50% sau nửa năm mở bán

Trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu ở thực cao, nhà ở xã hội cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá. Thậm chí, có dự án mở bán giữa năm, cuối năm đã tăng 50%, giá ngang ngửa các chung cư tầm trung mới mở bán tại các thành phố lớn.

Giá tăng gấp đôi dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng

Nhà ở xã hội luôn là niềm mong mỏi của nhiều gia đình có thu nhập thấp để hoàn thành giấc mơ an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở này lại đang ghi nhận mức tăng chóng mặt tại nhiều dự án, cả cũ lẫn mới.

Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, mới mở bán vào hồi tháng 5/2023 với mức giá khởi điểm là 19,5 triệu đồng/m2. Đến nay, sau chưa đầy 1 năm mở bán, giá của các căn nhà ở xã hội này đã tăng khoảng 31 triệu đồng/m2.

Thậm chí, trên các trang rao bán bất động sản, căn hộ chung cư tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn đang có giá khoảng 35-40 triệu đồng/m2, tăng 50% so với thời điểm mở bán. Nếu như vào 6 tháng trước, một căn 2 phòng ngủ, diện tích 70 m2 có giá khoảng 1,4-1,5 tỷ đồng, thì đến nay căn như vậy có giá trên 2,2 tỷ đồng.

Theo quy định pháp luật, bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Chính vì thế, khi mua nhà ở xã hội theo hình thức chuyển nhượng, người mua sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro. Do đó, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.

Giá nhà ở xã hội cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá

Một người bán nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn cho biết: “Khi mua khách hàng sẽ ký "hợp đồng ủy quyền" và sau 5 năm sẽ sang tên sổ hồng, muốn sang tên sớm hơn cũng không được. Trong 5 năm sẽ có thể sẽ có nhiều biến cố xảy ra nhưng mua những căn nhà ở xã hội như này thì phải chấp nhận”.

Được biết, đã có khoảng hơn chục khách hàng chấp nhận hình thức mua lại này, một phần vì khu này chủ nhà bán lại rất ít. Phần khác do vị trí dự án đẹp, căn hộ thiết kế tốt nên người mua để ở là chính.

Một môi giới tại đây cho biết, mặc dù giá tăng nhưng lượng khách tìm mua rất lớn, thậm chí còn không có nhà để bán vì hầu hết mọi người mua để ở nên quỹ căn chuyển nhượng lại rất ít.

Nhà ở xã hội cũ cũng tăng giá chóng mặt

Không chỉ riêng các dự án mới mở bán mà những dự án nhà ở xã hội đã mở bán từ cách đây 7-10 năm cũng ghi nhận giá tăng 30-50% so với giá ban đầu.

Chẳng hạn như dự án khu nhà ở xã hội ở Rice City Linh Đàm tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với quy mô 3 tòa chung cư cao 21 tầng, tương ứng với 722 căn có diện tích từ 53-69 m2.

Dự án này ra mắt thị trường từ năm 2014 và bàn giao cho dân về ở từ năm 2016, ban đầu, giá mở bán tại đây là 15 triệu đồng/m2. Đến hiện tại, giá bán chuyển nhượng tại dự án này đã tăng lên khoảng 33-40 triệu đồng/m2, gần gấp 3 lần so với giá khởi điểm và bằng với giá phân khúc chung cư trung cấp.

Tương tự, dự án nhà ở xã hội Đồng Mô Đại Kim (Đại Kim Building) nằm ở phường Đại Kim (Hoàng Mai) bàn giao cho dân về ở gần 6 năm nay, giá của dự án này ban đầu là gần 15 triệu đồng/m2. Đến nay, giá dự án này đã tăng lên đến 30-42 triệu đồng/m2. Trên các trang mua bán bất động sản, nhiều căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 60 m2 tại đây đang rao bán với giá từ 2,3-2,5 tỷ đồng, thậm chí những căn 3 phòng ngủ diện tích hơn 100 m2 có giá hơn 4 tỷ đồng.

Nhiều chủ nhà tại đây khá bất ngờ và vui mừng khi căn hộ mình đã mua và sử dụng 6-7 năm nay lại tăng gấp 2-3 lần so với giá ban đầu như vậy.

Cũng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), dự án nhà ở xã hội @Home ở số 987 Tam Trinh, phường Yên Sở ghi nhận một số chủ căn hộ đang rao bán căn có diện tích 60-70 m2 với giá từ 37 triệu đồng/m2 trở lên. Mức giá này cao gấp đôi so với giá ban đầu của dự án.

Việc các dự án nhà ở xã hội dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ nhưng vẫn được bán với mức giáo cao cũng như có xu hướng tăng là một minh chứng cho sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội so với nhu cầu.

Nhà ở xã hội cũ đã qua sử dụng cũng tăng giá chóng mặt.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành đã giảm so với các năm trước, dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế. Điều này khiến giá nhà ở có xu hướng tăng, vượt qua khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng.

Năm 2023, cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng.

Về lũy kế thực hiện đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đến nay đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tích cực hơn trong tương lai với "trợ lực" từ chính sách. Việc Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua với nhiều quy định mới "gỡ khó" cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn cũng như thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận với loại hình này cho người thu nhập thấp.

Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2024

Năm 2023 khép lại khi nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và cả trên thế giới.

Dù tích cực nhưng năm 2023 cũng đánh dấu nhiều thăng trầm của các nhà đầu tư. Các kênh đầu tư như: bất động sản, chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm... đều biến động khó lường, gây khó khăn hơn trong việc lựa chọn kênh đầu tư có lãi trong năm 2024.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư đều thăng trầm, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá cao vì có nhiều điểm sáng. Theo chuyên gia, mặc dù thị trường còn khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi nhờ 3 động lực.

Thứ nhất là việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan giúp tháo gỡ "vướng mắc pháp lý", khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản. Thứ hai, các cải cách hành chính sẽ tiếp tục được tăng cường, góp phần đơn giản hóa, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư... Thời gian qua, Chính phủ liên tục đưa ra những chỉ đạo quan trọng để ổn định, phục hồi cũng như phát triển bất động sản.

Thị trường bất động sản vẫn được đánh giá cao vì có nhiều điểm sáng.

Còn theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường sẽ phục hồi kể từ quý II/2024. Nhận định này có nhiều khả quan nhờ sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, trong khi nhu cầu chi trả của người dân ngày càng tăng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, thị trường đang trong giai đoạn vàng để tăng sức bền, tái cấu trúc và phục hồi, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Theo chuyên gia, thị trường trong giai đoạn "tĩnh lặng" là lúc để doanh nghiệp bất động sản chứng minh thực lực, gia tăng tính cạnh tranh, đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp, hướng đến xây dựng một môi trường minh bạch và bền vững. Những chính sách của Chính phủ sẽ sớm đưa thị trường sôi động trở lại, có thể là từ nửa cuối năm 2024 với trạng thái thanh lọc, hiệu quả hơn.

Về triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, VARS cho rằng, năm 2024 có khả năng cao sẽ là năm cuối cùng của quá trình "vượt chướng ngại vật". Tuy khó có thể "bùng nổ" nhưng thị trường sẽ dần "ổn định". Trong đó, quý I và quý II/2024 thị trường sẽ duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Đến nửa cuối năm 2024 trở đi, thị trường sẽ phục hồi rõ rệt hơn.

Tại Hà Nội, khu vực nội đô đang ngày càng bị nén chặt sau 15 năm mở rộng bởi dân số tăng nhanh trong khi phát triển hạ tầng giao thông lại rất chậm so với nhu cầu và quy hoạch chung của Thủ đô.

Trên thực tế, xu hướng cư dân dịch chuyển về khu Tây Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng mở rộng về phía trục Đại lộ Thăng Long nhờ các điểm sáng về chất lượng căn hộ cao cấp, hệ thống dịch vụ, hạ tầng phát triển đồng bộ... Không chỉ là nơi có thanh khoản sôi động nhất mà khu Tây Hà Nội còn trở thành điểm an cư thu hút hàng nghìn cư dân về sinh sống bởi các điểm sáng như: vị trí, tiện ích, hạ tầng, cảnh quan, an ninh... với định hình rõ nét về lối sống.

Minh chứng là gần đây, hàng loạt dự án cao cấp từ các chủ đầu tư lớn tiếp tục bung hàng tại thị trường phía Tây, qua đó định hình bộ mặt mới cho bất động sản khu vực này. Theo ghi nhận thực tế cho thấy, các dự án bước đầu tiếp tục được đón nhận với số lượng hàng ngàn lượt booking chỉ sau vài ngày mở bán. Giới chuyên gia nhận định, khu Tây sẽ tiếp tục là "điểm tựa", dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2024./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/11/2024