ISSN-2815-5823

Nhiều doanh nghiệp bất động sản dồn dập ‘gọi vốn’ qua kênh trái phiếu; Apec Group, VsetGroup;… bị phạt nặng vì phát hành ‘chui’

(KDPT) – Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp bất động sản. Đồng nghĩa với việc những rủi ro, những sai phạm trong việc phát hành trái phiếu cũng sẽ tăng cao. Kéo theo hệ lụy là xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp bất động sản ‘ồ ạt’ phát hành trái phiếu

Theo tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2021 có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước, với tổng giá trị phát hành 18.276 tỷ đồng. Đáng chú ý, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 8,476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng và trong đó, có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, tổng cộng có 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 495 nghìn tỷ đồng, trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187,16 nghìn tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này có xu hướng tăng lên so với tháng trước).

Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2, với tổng khối lượng phát hành 169,6 nghìn tỷ đồng, có 46,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 27%), 71% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 – 4 năm.

Lấy đơn cử như Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt, một cái tên quen thuộc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kể từ đầu năm 2021, Phát Đạt đã trải qua 8 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.155 tỷ đồng. Và mới đây, HĐQT bất động sản Phát Đạt tiếp tục thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 9 với giá trị là 150 tỷ đồng. Mục đích của đợt phát hành này cũng giống như 8 đợt phát hành trước đó nhằm tài trợ vốn cho các dự án Phân khu 4, dự án Phân khu 2 và dự án Phân khu 9 thuộc khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định); dự án Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương ( Astral City Bình Dương) và dự án Hạ tầng Kỹ thuật Nội bộ khu I (TP Hồ Chí Minh).

Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 9 của Bất động sản Phát Đạt.

Như vậy nếu chào bán thành công lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng trên thì kể từ đầu năm 2021, Phát Đạt đã huy động tổng cộng 2.305 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Một cái tên đáng chú ý khác trên thị trường cũng đang dồn dập huy động tiền từ việc phát hành trái phiếu kể từ đầu năm là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico (Sovico Group) – doanh nghiệp do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức chủ tịch HĐQT.

Theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ đầu năm đến nay, công ty của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.

Đợt phát hành gần nhất của Sovico là vào ngày 21/9/2021. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico đã thông báo chào bán thành công lô trái phiếu với trị giá 1.000 tỷ đồng cho tổ chức đầu tư trong nước. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi và không có tài sản bảo đảm.

Đợt phát hành trái phiếu gần nhất của Sovico Group.

Lô trái phiếu trên có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất trái phiếu cố định 10,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần. Đáo hạn vào ngày 21/9/2024. Lô trái phiếu này do Chứng khoán HDB (HDBS) đứng ra thu xếp.

Phía doanh nghiệp cho biết, mục đích của đợt phát hành nhằm tài trợ vốn cho các chương trình, dự án đầu tư của công ty. Đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn và tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Hay như CTCP Bất động sản Dragon Village (chủ đầu tư dự án Khu đô thị Rose Valley, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng tại Mê Linh, Hà Nội) vừa thông báo về việc phát hành thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng cho một tổ chức đầu tư trong nước.

Phối cảnh dự án Rose Valley do Dragon Village làm chủ đầu tư.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, Dragon Village đã phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu, đều không có tài sản đảm bảo với tổng số vốn thu được là 2.000 tỷ đồng, trong đó chỉ trong vòng tháng 10, doanh nghiệp này đã huy động 1.500 tỷ đồng để rót vào dự án Khu đô thị Rose Valley.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty CP Glexhomes phát hành 500 tỷ đồng TPDN, Tập đoàn Đất Xanh phát hành 370 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán. Các công ty như BCG Land, Helios, Vinaconex… cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, nhiều công ty huy động được nguồn vốn lớn qua TPDN như: Công ty CP đầu tư Golden Hill với 5.760 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%), Công ty CP BCG Land huy động 2.500 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi 11% với biên độ 4%).

Nếu tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm.

Phát hành trái phiếu ‘chui’, nhiều doanh nghiệp BĐS bị phạt nặng

Như đã đề cập ở đầu bài viết, với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng sẽ xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật.

Điển hình như Cổ phần Tập đoàn Apec Group bị phạt 600 triệu và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group về hành vi vi phạm trong việc công bố thông tin khi chào bán trái phiếu.

Theo đó, đơn vị này bị phạt 600 triệu đồng do có hành vi: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group đã phát hành ra công chúng và các nhà đầu tư lô trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với trị giá 8,1 tỉ đồng trong năm 2020 với giá trị 8,1 tỷ đồng và 16 lô trái phiếu khác trong đó có lô trái phiếu Abond.AG.H.21.24.001 với tổng giá trị 499.707 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 18/01 – 06/08/2021 thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.

Thông báo về việc xử phạt hành chính đối với Apec Group về việc phát hành trái phiếu không đúng quy định được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài ra, với vi phạm trên, UBCKNN còn buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Cũng giống như Apec Group, UBCKNN cũng ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup do chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban chứng khoán theo quy định. VsetGroup bị xử phạt hành chính 600 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt, VsetGroup cũng sẽ phải hoàn trả tiền mua trái phiếu cộng với lãi suất không kỳ hạn nếu nhận được đề nghị từ phía nhà đầu tư. Thời gian tối đa để gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp xử phạt hành chính có hiệu lực thi hành.

Ngoài Apec Group và VsetGroup thì Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) bị phạt 250 triệu đồng do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép. Trong năm nay, công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Ủy ban chứng khoán cấp phép.

Liên quan đến tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ông yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.

CAO LÃNG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024