ISSN-2815-5823
Thiên Anh
Thứ năm, 15h40 29/02/2024

Nhiều người ngỡ ngàng trước giá nhà ở xã hội tăng “sốc”

(KDPT) - Nhu cầu nhà ở trong những tháng đầu năm đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Theo đó, giá nhà ở xã hội đã qua sử dụng cũng tăng gấp nhiều lần, khiến chính những người sở hữu nhà hết sức “ngỡ ngàng”.

Giá nhà ở xã hội tăng cao gấp nhiều lần

Thị trường bất động sản Hà Nội đang chứng kiến giá nhà chung cư tăng cao, thậm chí tăng gấp 2-3 lần dù đã được sử dụng trong nhiều năm. Nhất là trong bối cảnh chung cư bình dân đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu người dân liên tục tăng cao.

Ngay cả nhà ở xã hội được xem là phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình, thấp cũng đã được đẩy lên mặt bằng giá mới. Do giá đất liên tục biến động, giá căn hộ thương mại trên thị trường sơ cấp tăng cao đã làm cho thị trường nhà ở xã hội trở thành vùng trũng, khó tránh khỏi việc giá nhà tăng cao.

Giá nhà ở xã hội tăng cao gấp nhiều lần so với giá ban đầu. (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua, giá nhà ở xã hội tại các khu vực quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hoài Đức (Hà Nội) đã tăng thêm từ 150-300 triệu đồng/căn. Ví dụ như nhà ở xã hội FLC Đại Mỗ cũng tăng từ 1,8 tỷ đồng cho căn 65m2 lên 2,7 tỷ đồng.

Hay tại dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm cũng đã tăng từ 2,1-2,3 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ lên mức 2,3-2,5 tỷ đồng/căn. Nhà ở xã hội tại Đồng Mô Đại Kim tăng từ 1,9-2 tỷ đồng căn 2phòng ngủ lên lên mức 2,2-2,3 tỷ đồng.

Chị Ngọc Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm 2018 vay mượn ngân hàng và người thân mua được căn hộ trong dự án nhà ở xã hội tại 282 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân với giá 1,5 tỷ đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ. Do chuyển đổi công việc nên chị mới quyết định bán đi để mua nhà gần chỗ làm hơn.

Chị Hà chia sẻ thêm, mới đây, căn hộ của gia đình chị đã được bán sang nhượng với giá 2,6 tỷ đồng. Chị Hà không ngờ rằng sau 5 năm sử dụng cộng với nhà chưa ra được sổ mà vẫn có thể lãi gấp đôi đến như vậy.

“Ban đầu khi mua chung cư dành cho người thu nhập thấp tôi không kỳ vọng quá nhiều vào khả năng sinh lời sau này. Hơn nữa lại là chung cư đã qua sử dụng trong nhiều năm rồi. Khi bắt đầu tìm hiểu giá bán các căn hộ tại đây, tôi cũng khá sững sờ trước giá chung cư tăng cao so với ban đầu đến như vậy”, chị Hà nói.

Giá chung cư cứ tăng “vù vù” theo tuần, tháng khiến nhiều người lo ngại. (Ảnh minh họa)

Anh Mạnh Đức - môi giới bất động sản tại Hà Nội cho hay, giá chung cư cứ tăng “vù vù” theo tuần, tháng và đặc biệt là khu vực nội đô đang hạn chế ký dự án mới nên nếu tình hình bất động sản khan nguồn hàng kéo dài thì sẽ còn đẩy giá nhà lên cao nữa.

“Hầu hết các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đều tăng trung bình từ 80-120% so với giá khi mở bán. Thậm chí, nhiều dự án nằm ở các vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông còn tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn. Giá sang nhượng các căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng khoảng 38-41 triệu đồng/m2”, anh Đức nói.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở vừa túi tiền

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh số lượng nhà ở ít ỏi khiến cho các chung cư cũ theo thời gian mua đi bán lại sẽ ngày càng tăng giá. Ngay cả những căn chung cư dù chưa có sổ đỏ nhưng do đáp ứng được nhu cầu ở trước mắt, thuận tiện giao thông nên nhiều người không ngần ngại “xuống tiền” để có nơi an cư tại Hà Nội.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thực tế số lượng các dự án nhà ở xã hội không phong phú, thậm chí là rất hiếm tuy nhiên nhu cầu tại phân khúc này rất cao. Những đối tượng mua nhà ở xã hội sau một thời gian có nhu cầu chuyển đi chỗ khác, khi sang nhượng lại nhà họ coi đây cũng là một sản phẩm tham gia vào thị trường nên sẽ tính theo giá của thị trường.

Chính những điều này đã làm cho nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ dần dần biến mất khỏi thị trường, người thu nhập trung bình, thấp sẽ rất khó để sở hữu được nhà ở. Do đó, cần nhanh chóng bổ sung thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền như nhà ở xã hội để kéo giá nhà bình ổn trở lại.

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, để thị trường bất động sản đi đúng hướng phát triển thì cần đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía là doanh nghiệp, địa phương, bộ, ban, ngành và Chính phủ. Đây phải được xem là nhiệm vụ trước mắt để giải quyết nguồn cung nhà ở cho người dân hiện nay.

Ông Phong cho biết thêm, trong giai đoạn 2024-2025, thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội phục hồi khi các luật mới được thông qua và thực hiện đúng tiến độ, các nút thắt trong phê duyệt dự án tại các khu dân cư sẽ dần được tháo gỡ, sẽ là động lực cho sự phục hồi cuối năm 2024.

“Khả năng phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm nay, nguồn cung mới sẽ được cải thiện do các chủ đầu tư hiện nay đã có những nhận thức về việc tái cơ cấu sản phẩm để phát triển phù hợp hơn với dòng chảy của thị trường”, ông Phong nói.

Bên cạnh đó, theo quy định, nhà ở xã hội phải ở 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên trên thị trường nhiều căn hộ chưa đủ thời hạn vẫn được rao bán rầm rộ, điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho người mua lại. Do đó, người mua nên tìm hiểu kỹ lưỡng các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội trước khi xuống tiền./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024