‘Ông lớn’ địa ốc lãi đậm

Dù phải trải qua thời gian khó khăn của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng kết thúc quý III/2021, nhiều doanh nghiệp địa ốc lần lượt thông báo kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng tốt, nhiều đơn vị ghi nhận lợi nhuận đột biến, gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Điều này được cho là nghịch lý trong bối cảnh dịch bệnh, không ít các công ty địa ốc quy mô nhỏ phải gồng mình cầm cự, hoặc đóng cửa hoặc loay hoay tìm bài toán sinh tồn.

Đơn cử như, Vinhomes có mức lợi nhuận ròng trong quý III cao với 11.195 tỷ thu về, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi 11.500 tỷ đồng vào quý IV/2020.

Tập đoàn Novaland, “ông lớn” dẫn dắt thị trường địa ốc miền Nam và miền Trung, cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý III đạt gần 10.362 tỷ đồng, tăng gần 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.282 tỷ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ việc bàn giao các dự án như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet.

101 căn biệt thự khu biển – phân kỳ The Tropicana tại dự án NovaWorld Ho Tram.

Bên cạnh đó, nhiều ‘ông lớn’ địa ốc khác cũng cho thấy sức khỏe tài chính vững vàng trong dịch, như Phát Đạt với lợi nhuận trước thuế quý III đạt trên 760 tỷ đồng, đưa mức lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng lên 1.397 tỷ đồng, tăng 54,7% so với quý III/2020 hay TTC Land với 71 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận: “Quả ngọt” kinh doanh thuộc về nhóm doanh nghiệp lớn có sức khỏe tài chính nằm trong top đầu của thị trường. Thực tế nhóm này có lợi thế khi sở hữu nguồn lực mạnh so với các doanh nghiệp cùng ngành, không lo lắng bài toán “sinh tồn” vì thiếu hụt dòng tiền, thay vào đó là chớp thời cơ với chiến lược tái cấu trúc để phát triển trung, dài hạn và khả năng xoay sở linh hoạt trong dịch bệnh.

Thị trường đang phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo thị trường tháng 10 mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm tăng ở tất cả các loại hình bất động sản, trung bình tăng 8% so với tháng 10/2020 và tăng 55% so với tháng 9 liền kề trước đó. Tăng mạnh nhất là nhà mặt phố với 78%, tiếp theo là đất với 58% và căn hộ chung cư 57%.

Ở 3 thị trường chính gồm: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Mimh mức độ quan tâm về bất động sản đều tăng mạnh trở lại, tại Hà Nội mức hồi phục về gần 100% so với thời điểm tháng 5; tại Đà Nẵng hồi phục 70% so với thời điểm tháng 4 và TP Hồ Chí Minh gần 90% so với thời điểm tháng 5, đây là thời điểm làn sóng Covid-19 lần thứ tư bắt đầu bùng nổ.

Thị trường bất động sản sôi động trở lại ngay trong tháng 10 – khi các “lệnh” giãn cách xã hội để phòng chống dịch được dỡ bỏ ở nhiều địa phương.

Về tình hình giao dịch trong tháng 10, trang thông tin bất động sản này cũng cho biết, tại thị trường miền Bắc, thị trường nhà đất thổ cư và chung cư Hà Nội sôi động hơn so với trước khi áp lệnh giãn cách. Trong đó, thị trường bất động sản Hải Phòng ổn định, nổi bật nhất là loại hình bất động sản công nghiệp và nhà đất cao cấp.

Tại miền Trung, giao dịch ở Bình Thuận sôi động tại 1 số dự án mới nổi. Còn tại miền Nam, giao dịch bắt đầu quay trở lại ở TP Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh Đông Nam Bộ. Xu hướng mở bán online diễn ra mạnh mẽ.

Đối với riêng thị trường Hà Nội, giá bất động sản tăng 3% so với tháng 10/2020, trong đó, phân khúc bình dân có mức tăng cao nhất về lượng tin đăng và dành được sự quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, khách mua. Tiếp theo là trung cấp rồi mới đến cao cấp.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, giá rao bán tăng 4% so với cùng thời điểm năm ngoái. Căn hộ bình dân cũng vẫn chiếm được nhiều sự quan tâm nhất, tăng 89% và sau đó là căn hộ cao cấp, rồi mới đến trung cấp.

Nhìn chung, mức độ quan tâm thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ trong tháng 10, Bình Dương tăng 69%; Đà Nẵng tăng 94%; Đồng Nai tăng 65%; Bà Riạ – Vũng Tàu tăng 73%; Long An 62%; Khánh Hòa 42%.

Dự báo về thị trường bất động sản cuối năm, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Cũng theo ông Khương, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.

Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản cuối năm cũng có xu hướng mở rộng của thị trường nhà ở tại hai thị trường lớn ra các tỉnh thành lân cận góp phần nâng cấp sản phẩm, thiết lập những tiêu chuẩn mới tại thị trường địa phương, mặt khác giúp người mua nhà có nhiều lựa chọn hơn.

BẢO CHÂU