Sẽ rất khó để thành công nếu khởi nghiệp chỉ với một trái tim chưa đủ nóng và một cái đầu chưa đủ lạnh.

Từ những thất bại cay đắng

Để có được một Trung Nguyên hùng mạnh như hiện nay, ít ai biết “cha đẻ” của Trung Nguyên đã từng phải trải qua những thất bại cay đắng như thế nào khi khởi nghiệp. Từ việc hai lần lò rang cà phê lần lượt bị đập phá, đến chuyến viễn chinh thất bại khi lần đầu tiên đặt chân đến đất Sài Gòn và ê chề nhất là cú “sẩy chân ở Long Xuyên” khi hợp đồng đầu tiên đã kết thúc chỉ sau một tháng vì lí do khác biệt về tư tưởng, phương thức kinh doanh.

Nhưng sau tất cả những thất bại ấy, sau những lần khệ nệ xách theo lỉnh kỉnh các lò cà phê quay tay cũ kĩ, ly tách, phin, muỗng,… rời khỏi thị trường ấy, chàng trai M’Drak chẳng hề sợ hãi mà vẫn tiếp tục cố gắng nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình. Ông đã đưa Trung Nguyên lên đỉnh cao chính bằng sự táo bạo trong các suy nghĩ và cách làm. Đó là tư tưởng dám làm khác, dám thay đổi thông lệ, thói quen, không đi theo lối mòn cũ vì một giấc mơ đưa Đăk Lăk trở thành thiên đường cà phê – “Thánh địa cà phê Việt”.

Tại sao lại sợ thất bại?

Có không ít bạn trẻ có nhiều ý tưởng kinh doanh hay, độc đáo nhưng lại không dám để bắt đầu. Và luôn có một câu hỏi: Khởi nghiệp thất bại do đâu? Thật sự bắt đầu của thất bại đều bắt đầu từ 1 chữ “sợ”. Sợ thất bại, sợ cạnh tranh, sợ không có ai ủng hộ…. tất cả nỗi sợ đều khiến bạn nản lòng, chùn chân và trên hơn hết không có sự tiến bộ. Một nỗi sợ “kinh điển” cho mọi chuyện: Chúng ta sợ thất bại. Nghĩ đến điều tồi tệ đó hiển nhiên ai cũng chùn chân. Với kinh doanh cũng vậy, khi cầm trên tay số tiền lớn, lần đầu trong đời bắt đầu thực hiện niềm yêu thích của mình và bạn sợ 1 ngày thất bại, số tiền đó đổ bể không thể cứu vãn. Khởi nghiệp không ai có thể đảm bảo chắc chắn mình sẽ thành công, nhưng những nỗi sợ sẽ khiến con đường khởi nghiệp thất bại của bạn càng gần hơn.

Đừng sợ thất bại, phải biết sửa sai

Câu chuyện của ông “vua cà phê” không chỉ là bài học, mà đó còn là nguồn cảm hứng, niềm động lực cho những ai sợ thất bại. Thử thách lớn nhất khi khởi nghiệp là phải đối diện với tất cả thử thách. Yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp là phải cân bằng trước những áp lực. Để thành công, doanh nhân phải rất linh hoạt, nhìn thấy cơ hội tốt là phải biết chớp lấy. Tuy nhiên, nếu muốn thành công cần có sự đam mê, kiên trì, tập trung và cộng thêm một chút “liều”, dám chấp nhận rủi ro. Hãy để thất bại giúp ta mạnh mẽ hơn. Hãy đề cao sự sáng tạo và đổi mới, bởi chỉ có như vậy mới giúp ta nổi bật. Hãy tự biết lãnh đạo bản thân mình trước khi muốn trở thành ông chủ. Hãy nhìn nhận và sửa chữa những lỗi lầm. Và hãy biến ước mơ thành hiện thực bằng sự dũng cảm của chính mình.

Khởi nghiệp phải luôn hướng đến sự thay đổi, cần chớp lấy cơ hội và không nên lo sợ trước những rủi ro, thất bại. Cùng đó, đừng suy nghĩ quá nhiều về con đường mình sẽ đi trong tương lai, bởi vì người ta sẽ không thể biết con đường mình sẽ đi như thế nào.

Phương Mai