"Nới" điều kiện mua nhà ở xã hội: Người dân tiến gần hơn với giấc mơ an cư
Những chuyển biến tích cực
Với những điều kiện mua nhà ở xã hội được “nới lỏng” hơn, người thu nhập thấp có thêm cơ hội để có nhà ở. (Ảnh minh họa) |
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, một trong những thay đổi đáng lưu ý là đã bỏ tiêu chí về nơi cư trú.
Cụ thể, tại dự thảo, điều kiện về nhà ở được quy định, những người được xác định chưa có nhà sẽ chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và chồng hoặc vợ của người đó đáp ứng điều kiện chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội.
Để đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội. Những trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội.
Theo dự thảo, quy định mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và của chồng hoặc vợ người đó phải đảm bảo không quá 15 triệu đồng/tháng. (Ảnh: VnExpress) |
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về diện tích nhà ở bình quân theo dự thảo nghị định được tăng lên mức dưới 15 m2 thay vì dưới 10 m2 theo quy định hiện hành.
Dự thảo cũng có thay đổi về điều kiện thu nhập. Theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập (tức không quá 11 triệu đồng/tháng). Còn theo dự thảo, quy định mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và của chồng hoặc vợ người đó phải đảm bảo không quá 15 triệu đồng/tháng căn cứ vào bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Về thời hạn xác định điều kiện về thu nhập đó là trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Khi nghe tin có quy định mới thuận lợi hơn cho việc mua nhà, chị Hải Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị rất mừng và đồng tình với những quy định mới tại dự thảo. Nhất là điều chỉnh về tiêu chí cư trú, mức thu nhập. Vợ chồng chị rất kỳ vọng quá trình xác minh sẽ bớt rườm rà, thủ tục, thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Trong 5 năm qua, giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi từ 13-15 triệu đồng/m2 lên gần 20 triệu đồng/m2. (Ảnh minh họa) |
Chị Hà thông tin, giá nhà ở xã hội mới nhất ở Hà Nội mới mở bán đã trên dưới 20 triệu đồng/m2. Nếu áp dụng theo quy định hiện nay, mọi thành viên trong gia đình thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (không được quá 11 triệu đồng/ tháng). Tuy nhiên, theo tính toán, 1 căn nhà ở xã hội có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, khi mua, người lao động phải thanh toán trước từ 20-30%, khoảng 300-450 triệu đồng. Số tiền còn lại vay ngân hàng gói 120.000 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi tháng người mua nhà phải trả gốc và lãi trung bình trên 10 triệu đồng. Nếu cộng thêm chi phí sinh hoạt, học tập của con… trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng bị giới hạn dưới 20 triệu đồng/tháng là rất khó khăn”, chị Hà chia sẻ.
Theo một chủ đầu tư làm nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong 5 năm qua, giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi từ 13-15 triệu đồng/m2 lên gần 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, khung thu nhập vẫn ở mức thấp dẫn đến việc người mua nhà phải dùng quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng. Điều đó là bất hợp lý và khiến việc an cư của người thu nhập thấp trở nên khó khăn.
Chính vì vậy, vị này cho rằng, việc điều chỉnh các tiêu chí như tại dự thảo nghị định nêu là hợp lý.
Giúp thị trường chuyển biến tích cực hơn
Trước nay, bên cạnh yêu cầu về xác minh tình trạng nhà ở thì điều kiện cư trú là một nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ mua nhà ở xã hội "rớt vòng đầu". (Ảnh minh họa) |
Lãnh đạo một doanh nghiệp triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cho biết, trước nay, bên cạnh yêu cầu về xác minh tình trạng nhà ở thì điều kiện cư trú là một nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ mua nhà ở xã hội "rớt vòng đầu".
Vị này lý giải, những người mong muốn mua nhà ở xã hội tại TP.HCM hầu như là lao động nhập cư, không có nhà nên họ không thể đăng ký thường trú và chủ yếu họ phải đi thuê trọ, thường xuyên thay đổi nơi ở nên quy định về thời gian tạm trú trên 1 năm hầu như không đáp ứng được.
Thậm chí còn có trường hợp lao động đã có hồ sơ đầy đủ thì dự án lại vướng mắc, khi dự án chính thức mở bán, có yêu cầu bổ sung thì người mua lại “rớt” hồ sơ vì không đáp ứng điều kiện cư trú. “Bỏ quy định cư trú sẽ giúp người dân có thể được an cư, ổn định cuộc sống nhanh chóng hơn”, vị này cho biết.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, quy định cũ về điều kiện cư trú không còn phù hợp với Luật Cư trú, làm khó người dân và làm phát sinh thủ tục không cần thiết. Theo ông, bỏ quy định này là hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương.
Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Nam Long ADC - ông Lê Nguyễn Minh Quang nhìn nhận, quy định mới sẽ giúp mở rộng đối tượng mua nhà, tăng thanh khoản cho dự án nhà ở xã hội. Ông Quang cho rằng, hiện nay đã có nhiều trường hợp dự án nhà ở xã hội xây xong thì "ế", không phải là không có người thuê, mua mà do nhiều hồ sơ do nhiều yếu tố trong đó có liên quan thủ tục xác nhận cư trú nên bị đánh rớt. “Nếu bỏ điều này sẽ giúp phần nào tăng nhu cầu về nhà ở xã hội, khơi thông dòng chảy cho phân khúc nhà ở xã hội này”, ông Quang nói.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét lại quy định điều kiện về thu nhập đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Các chuyên gia dự báo, điều này sẽ giúp phân khúc này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng việc cắt giảm thủ tục cần có phương án để hạn chế tình trạng nhà ở xã hội lọt vào tay đầu cơ. Việc mua nhà ở xã hội lâu nay thường khó ở đầu vào nhưng không hậu kiểm nên nhiều khu bán không đúng đối tượng. Thậm chí còn có tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội. Vì vậy, sự thông thoáng là rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là hậu kiểm và buộc người mua cam kết đúng đối tượng, nếu sai sẽ bị thu hồi./.