ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ tư, 14h39 06/03/2024

Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản đang phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn

Cover image
(KDPT) - "2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định.

Thị trường đã qua đáy và đang “ấm dần”

Mặc dù vẫn có không ít băn khoăn về tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản nhưng nhìn chung, các đơn vị nghiên cứu lẫn các doanh nghiệp đều nhìn nhận, thị trường đầu năm 2024 đã “ấm dần” khi các giao dịch gia tăng.

Theo số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), nguồn vốn đầu tư chảy vào bất động sản cũng như số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường bắt đầu có sự tích cực.

Thị trường bất động sản dần ấm lại. (Ảnh minh họa)

Theo đó, 2 tháng đầu năm có 552 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trên cả nước bằng 100,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động là 843, bằng 138% so với năm 2023.

Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản ở các độ thị lớn cũng như thị trường đất nền tỉnh lẻ, hoạt động tìm mua và giao dịch đã bắt đầu cải thiện. Đáng chú ý, phân khúc nhà ở thực giá vẫn tiếp tục tăng, đồng thời tỷ lệ hấp thụ cũng rất khả qua. Ccác chủ đầu tư cũng bắt đầu mạnh dạn hơn với kế hoạch triển khai các dự án mới, tung hàng ra thị trường, khác với giai đoạn “im ắng” vừa qua.

Nói với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã đi qua thời điểm khó khăn nhất, bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại.

“Từ nửa cuối năm 2022 đến hết quý I/2023 là giai đoạn khó khăn nhất và “vùng đáy” của thị trường TP.HCM rơi vào quý I/2023, tăng trưởng âm 16,2%. Nhưng đến quý II tình hình đã sáng sủa hơn, bước vào sự phục hồi khi những khó khăn nhất đã qua đi. Tuy vẫn tăng trưởng âm nhưng đã giảm xuống còn 11,5%", ông Châu nói. Cũng theo vị này, xu hướng phục hồi tiếp tục diễn ra trong quý III/2023.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

“Đến cuối năm 2023, chúng ta có thể khẳng định rằng thị trường bất động sản TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng đã giảm rất mạnh chỉ còn là 6,38% cho cả năm”, ông Châu nói.

Đánh giá về 2 tháng đầu năm 2024, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản cả nước tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn. Đây cũng lĩnh vực tốp đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

“Với đà phục hồi này, có thể nhận định thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi”, ông Châu dự báo.

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, từ cuối năm 2023, nhiều trợ lực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản đã xuất hiện. Một số yếu tố lớn có thể kể đến như kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay đang đà giảm, kênh trái phiếu doanh nghiệp dần được khơi thông, hành lang pháp lý dần hoàn thiện, nhu cầu của người dân với bất động sản vẫn rất cao…

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV

Ông Lực cho rằng, từ quý II//2024, độ ngấm của các chính sách Chính phủ đã thực hiện thời gian qua sẽ mạnh hơn vào thị trường. Do đó, có thể thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ thời điểm này.

Cũng bình luận về xu hướng thị trường bất động sản 2024, các chuyên gia của Savills cho biết, năm nay sẽ là năm đặt “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, thị trường bất động sản sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực cả về tổng cầu lẫn tổng cung.

Lãi suất, nguồn cung và những nút thắt cần sớm gỡ

Nhưng dù xuất hiện những chỉ dấu lạc quan, thị trường bất động sản vẫn còn rất nhiều nút thắt, khó khăn cần tháo gỡ trong năm 2024.

Một doanh nghiệp nói với phóng viên rằng, dù lãi suất tiền gửi đã hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao, với doanh nghiệp bất động sản thậm chí còn cao hơn. Có những doanh nghiệp vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 14-15%/năm.

“Không chỉ lãi suất cao, các doanh nghiệp bất động sản khi đi vay vốn ngân hàng còn phải chịu tình trạng “bia kèm lạc”, ví dụ bảo hiểm nhân thọ chẳng hạn”, doanh nghiệp này nói.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn "than khó" về lãi suất. (Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa cần giải quyết là tăng nguồn cung bất động sản để hạ nhiệt giá nhà. Muốn vậy, cần giải quyết được tình trạng “lệch pha cung cầu” hiện nay.

Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thời gian tới cần tái cơ cấu lại phân khúc thị trường và hàng hoá bất động sản; chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở thực rất lớn của đông đảo người có thu nhập thấp và trung bình.

Thêm nữa, phải cơ cấu lại giá thành và cách tính giá bán của các dự án nhà ở thương mại một cách hợp lý, bao gồm các khoản chi phí tạo lập quỹ đất; chi phí xây dựng; chi phí tài chính và chi phí quản lý, và các khoản chi phí khác.

Bộ Xây dựng cần có các hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu cho phù hợp như giảm giá bán; cơ cấu lại hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của thị trường; tăng chiết khấu, hậu mãi để kích cầu, gia tăng niềm tin thị trường, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp...

Đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội, không tập trung tín dụng cho phân khúc cao cấp. (Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung cho thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với nguồn vốn, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào phân khúc cao cấp. Thay vào đó, cần tập trung nguồn vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân…/.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/05/2024