Nhà ở xã hội: đón những động thái mới về chính sách

Nhà nước đang có những động thái cụ thể cho việc phát triển nhà ở xã hội – phân khúc đang khan hiếm nguồn cung trầm trọng trên thị trường. Đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Trong đó, vấn đề tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và bố trí 02 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội được giao cho Chính phủ.

Nhà ở xã hội đón nhiều tín hiệu tích cực trong đầu năm 2022.

Về 2 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội gồm gói cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và gói hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Kế đó, cũng trong tháng 1/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Trong công văn này, Bộ Xây dựng xác định cụ thể các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp), chỉ tiêu về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021. Đồng thời, rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Trước đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011 xác định giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu là đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, kết quả Kết quả phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt được 41,6% mục tiêu đề ra.

Nhiều dự án giá rẻ mới được mở bán đầu năm

Sau những tín hiệu tín cực đầu năm thì ngay sau kì Tết Nguyên đán, thị trường nhà giá rẻ đã liên tiếp đón các dự án nhà ở xã hội mới. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội tại Khu đô thị Kim Chung thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Được biết, dự án khu đô thị Kim Chung thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh được xây dựng trên ô đất CT3, CT4 với tổng diện tích 36.964m2, gồm 1.588 căn hộ. Dự án do liên danh Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Viglacera – Công ty cổ phần làm chủ đầu tư.

Cùng thời điểm, dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cũng tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê 272 căn nhà ở xã hội đợt 24 các Tòa nhà A1.1; A1.2; A2; A3 Đơn giá bán căn hộ dự kiến là 14.017.594 đồng/m2 chưa bao gồm VAT và 2% phí bảo trì; đơn giá cho thuê dự kiến là 61.081 đồng/m2/tháng chưa bao gồm VAT.

Cũng ngay sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng công ty Viglacera vừa khởi công 2.000 căn hộ thuộc Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Các căn hộ sẽ có từ 1-3 phòng ngủ, có giá bán từ 8,5 triệu đồng/m2.

Với những chuyển biến tích cực thời điểm đầu năm, giới chuyên gia kì vọng 2022 sẽ là một năm cửa sáng với phân khúc nhà giá rẻ. Thực trạng mất cân đối cung cầu của thị trường sẽ dần được khắc phụ trong năm nay và các năm tới.

MINH ĐỨC