ISSN-2815-5823

Phân tích tài chính và hoạt động doanh nghiệp: HBC dòng tiền kinh doanh âm, lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết

(KDPT) - Năm 2022, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã CK: HBC) ghi nhận lỗ ròng hơn 2.500 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.400 tỷ sau kiểm toán. Dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm gần 900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 563 tỷ.

Lỗ thêm 1.400 tỷ sau kiểm toán

Cụ thể, sau nhiều lần trì hoãn, mới đây Hòa Bình vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 26 tỷ đồng, đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của tập đoàn về còn 470 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,3%, so với mức 7,1% năm trước đó.

Chi phí tài chính của HBC tăng 72% chủ yếu do chi phí lãi vay tăng. Tính tới cuối năm 2022, doanh nghiệp đi vay 6.130 tỷ đông, tăng hơn 1.033 tỷ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, chi phí doanh nghiệp cũng bị đội lên đến 2.246 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi (1.689 tỷ đồng), trong đó, công ty phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của khách hàng gần 950 tỷ đồng, dự phòng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng khó đòi là 426 tỷ đồng, và dự phòng trả trước cho người bán ngắn hạn khó đòi là 163 tỷ đồng,...

Kết quả, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, riêng lỗ sau thuế công ty mẹ là 2.566 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động hơn 35 năm của doanh nghiệp. Trước đó, theo báo cáo công ty tự lập, khoản lỗ dừng lại ở mức 1.141 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, HBC có 10.672 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, chiếm tới 68% tổng tài sản, trong đó phải thu của khách hàng là 6.590 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.665 tỷ đồng. Đồng thời đang phải trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 2.060 tỷ đồng.

Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 540 tỷ đồng. Trong năm, công ty lãi hơn 15 tỷ đồng từ tiền gửi và tiền cho vay.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Hòa Bình tính đến ngày 31/12/202 lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn, trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 4.738 tỷ và đi vay 6.130 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Trong đó, thuyết minh cho thấy, 3.918 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng đã đến hạn thanh toán. Đồng thời, doanh nghiệp đã trả được 2.375 tỷ đồng. Số dư nợ còn lại đã quá hạn hoặc có thời gian đáo hạn 12 tháng tới, HBC đang quá trình đàm phán với ngân hàng về phương án trả nợ, xin gia hạn nợ.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 của HBC.
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 của HBC.

Liên quan đến các khoản vay trên, có nhiều ngân hàng đã đồng ý gia hạn thời gia thanh toán cho HBC có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) đồng ý gia hạn đến ngày 1-3/2/2024 cho khoản nợ 64,5 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) gia hạn khoản vay 55,5 tỷ đồng đến ngày 1/11/2023.

Các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đều đang được các cấp phê duyệt về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hoặc tái cấp giới hạn tín dụng năm 2023 cho Hoà Bình.

Khoản lỗ hơn 2.100 tỷ đồng trong năm vừa qua cũng đã ăn mòn vốn chủ sở hữu của HBC từ 4.056 tỷ đồng còn 1.218 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm gần 900 tỷ

Ngoài việc báo lỗ sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh trong năm vừa qua cũng là vấn đề “đau đầu” đối với Hòa Bình khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư cũng âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.

Với kết quả trên, phía kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC. Kiểm toán còn lưu ý tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, HBC đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.

Dòng tiền kinh doanh và đầu tư của HBC đều âm hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022.
Dòng tiền kinh doanh và đầu tư của HBC đều âm hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022.

Được biết, hiện tại HBC đã lên kế hoạch tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Đầu tiên là vấn đề tài chính. Cụ thể, Hòa Bình dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Phương án này được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào ngày 27/6/2023

Cổ phiếu được phát hành thêm cho cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của HBC.

Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.

Được biết, trong năm nay, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu trúng thầu cũng được đặt ra là 17.000 tỷ đồng.

Kết thúc quý đầu năm 2023, Hòa Bình ghi nhận doanh thuần giảm 60% xuống còn 1.194 tỷ đồng, đây là mức thấp nhất kể từ quý II/2015. Tuy nhiên, mức doanh thu này còn không đủ bù cho giá vốn, dẫn đến mức lỗ gộp gần 203 tỷ đồng, so với mức lãi gộp 198 tỷ trong quý I/2022.

Hoạt động tài chính của doanh nghiệp xây dựng này cũng không mấy khả quan khi doanh thu chỉ vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng, giảm 96%; chi phí lãi vay tăng cũng đẩy chi phí tài chính lên hơn 137 tỷ đồng, tăng 45%.

Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ ròng hơn 444 tỷ đồng trong quý I/2023 - đây là quý lỗ thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp nay. Trước đó, vào quý IV/2022, Hòa Bình cũng đã báo lỗ lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC đã bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên chiều) kể từ ngày 23/5/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024